📞

Cuộc chiến không cô đơn

15:37 | 26/04/2014
Điều gì khiến cho một căn bệnh bình thường, không có gì đáng nguy hiểm như sởi lại có thể gây kinh hoàng đến như vậy?
Bảo vệ trẻ bắt đầu từ việc rửa tay nhiều lần trong ngày.

Bệnh viện Nhi Trung ương quá tải. Các y bác sĩ thì kiệt sức. Tiếng rên khóc của trẻ em. Gương mặt đẫm nước mắt của nhiều phụ huynh mất con...

Đắng lòng bất cứ ai khi nghe tin có thêm ca tử vong. Những con số thống kê - vốn dĩ đã lạnh lùng, cứ như nhát dao khứa thêm nỗi xót xa của những người có con nhỏ. 25 hay 125. Chỉ biết rằng, có những gia đình khi nghe bác sĩ nói không thể cứu chữa được đã lẳng lặng xin xuất viện, xách làn giỏ đưa con về...

Đâu đâu cũng thấy sự bất ổn và cả sự đổ lỗi. Bộ Y tế chậm trễ trong công bố dịch? Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhầm? Phụ huynh không cho con tiêm phòng vaccine? Hay "Virus từ chính trong nhà phát triển ra chứ chẳng phải từ nơi nào đến" như một bác sĩ, Trưởng khoa Nhi nhận định?

Và truyền thông. Mạng xã hội được cho là đóng vai trò quan trọng khi "báo động" để Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát Bệnh viện Nhi Trung ương. Và rồi cũng chính báo chí bị cho là "kẻ tội đồ" trong việc thổi phồng vấn đề tiêm phòng vaccine khiến cho các bậc cha mẹ không dám đưa con đến các trung tâm tiêm phòng...

Nhưng có một điều rõ ràng là cuộc chiến với "giặc" sởi đã được tiếp sức thêm bởi sự quan tâm và chia sẻ của cộng đồng. Nhật ký chăm con bị bệnh sởi trên trang Facebook của một người mẹ trẻ đã khiến hàng ngàn người đọc không thể cầm được nước mắt. Biết bao ngậm ngùi khi xem bức ảnh phóng viên báo Tuổi trẻ chụp người bố ôm thi thể đứa con thơ mới qua đời vì bệnh sởi, phía sau là dáng liêu xiêu của người mẹ...

Không dừng lại ở lời an ủi, nhiều cá nhân đã có hành động cụ thể chung tay cứu bệnh nhân nhí. Một Facebooker đã đăng thông tin và phát tặng 30kg hạt mùi già cho gia đình có trẻ nhỏ, dù giá loại hạt được cho là bài thuốc dân gian chữa sởi “leo thang” từ 100.000 đến 400.000 đồng/kg. Một gia đình có truyền thống về ngành y học dân tộc đã nhận bốc thuốc gia truyền miễn phí...

Dịch sởi cũng đưa những tấm lòng xích lại gần nhau hơn. Một Facebooker khác đã chia sẻ thông tin từ một bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương rằng "nếu bệnh viện có thêm 3 máy thở loại nhỏ của Nhật thì sẽ rất tốt trong việc cấp cứu bệnh nhi đợt này. Mình và Lan Le đóng góp mỗi người 5,5 triệu được 11 triệu rồi, muốn kêu gọi thêm khoảng 16 triệu nữa là đủ mua 3 máy". Sau hai ngày, số tiền quyên góp đã lên đến 500 triệu đồng. Đến ngày 21/4, bốn chiếc máy thở CPAP và sáu máy bơm tiêm tự động đã được nhóm từ nguyện tặng ba bệnh viện là điểm nóng của dịch sởi. Được biết, ba tuần nữa, tám máy thở và sáu máy bơm tiêm sẽ được chuyển về cho nhóm.

Cùng với sự "ra tay" của Chính phủ, những nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng đã ít nhiều giúp các em nhỏ giành lại sự sống, góp phần dập bớt dịch bệnh. Bên cạnh đó, thay vì hoang mang, các bậc cha mẹ hãy trang bị kiến thức đầy đủ về dịch sởi và chủ động bảo vệ chính gia đình mình từ những việc rất nhỏ như giữ cho nhà cửa sạch sẽ, bổ sung nhiều nước và vitamin C cho trẻ để tăng đề kháng, đeo khẩu trang ra đường, tránh tụ tập chỗ đông người, rửa tay nhiều lần trong ngày, thay áo ngay khi thấy trẻ ra mồ hôi...

Hoàng Gia (Nam Từ Liêm, Hà Nội)