📞

Cuộc chiến tại Iraq: Mỹ vẫn đi sau IS

11:03 | 18/06/2015
Mỹ đã có những điều chỉnh chiến thuật nhất định nhưng vẫn bị chậm chân so với những bước tiến nhanh và hung hãn của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tổng thống Obama thay đổi chiến thuật, tăng quân cho Iraq chống phiến quân IS.

Chín tháng trôi qua từ khi Mỹ cùng đồng minh mở chiến dịch chống IS. Cuộc chiến đã khiến Mỹ tiêu tốn nhiều tiền của và sức lực nhưng cho đến nay, kết quả vẫn chưa có gì khả quan.

Thay đổi tất yếu

Sau khi để mất thành phố chiến lược Ramadi của Iraq vào tay IS, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 10/6 ra lệnh triển khai thêm 450 cố vấn quân sự tới Iraq để huấn luyện và hỗ trợ lực lượng vũ trang bản địa. Động thái mở rộng quy mô lực lượng 3.100 nhân viên quân sự Mỹ hiện đang làm nhiệm vụ cố vấn tại Iraq và xây thêm một căn cứ mới gần tỉnh Anbar, tăng số lượng căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq lên con số năm, cho thấy chiến lược đối với nhóm khủng bố của Tổng thống Obama đang được điều chỉnh.

Giới chức Mỹ hy vọng những căn cứ quân sự ở Iraq sẽ trở thành lá chắn bảo vệ cho binh sỹ Mỹ và Iraq khỏi nguy hiểm trong vùng giao tranh. Các "lá chắn" được kết nối với nhau bằng đường bộ và đường không. Phía sau là các khu vực an toàn hơn. Theo Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, việc đưa 450 lính Mỹ tới căn cứ quân sự Taqaddum ở tỉnh Anbar là rất quan trọng, bởi nó giúp cố vấn Mỹ tiếp xúc thêm với một sư đoàn Iraq và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tới tỉnh Anbar, nơi có nhiều bộ tộc người Sunni.

Với 4.000 cuộc không kích trong vòng chín tháng mà không giành được lợi thế, rõ ràng chiến thuật đang được thay đổi là tất yếu và cần thiết. Thay vì chỉ không kích hỗ trợ lực lượng vũ trang Iraq, dường như Mỹ đang điều chỉnh nhằm tiến đánh IS trên mặt đất. Vấn đề còn vướng mắc là lực lượng trên mặt đất này đến từ đâu? Từ Mỹ, từ lực lượng người Shiite hay các tay súng dòng Sunni?

Lựa chọn rủi ro

Theo giới phân tích, Mỹ cần phải dựa vào lực lượng người Shiite - dưới sự chỉ huy của Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lữ đoàn Al Qods đặc biệt tinh nhuệ trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, đã từng chiến đấu thành công góp phần tái chiếm thành phố Tikrit từ tay phiến quân IS.

Theo Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Steven Warren, cần thêm nhiều binh sỹ người Sunni tham gia chương trình huấn luyện của Mỹ và các nước đồng minh. Lịch sử từng chứng minh rằng việc huy động thành công các tay súng bộ lạc người Sunni tham gia cuộc chiến chống lại mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda năm 2006 tại Iraq đã đem lại hiệu quả bất ngờ. Hiện nay, những tay súng người Sunni dường như chưa đủ mạnh vì thiếu vũ khí. Vì vậy, việc trang bị vũ khí và đào tạo trực tiếp các tay súng này đang là một trong những lựa chọn của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo GS. Max Abrahms thuộc Đại học Northeastern (Mỹ), ý định triển khai 450 cố vấn quân sự đến Iraq, cung cấp thêm vũ khí, đồng thời thành lập nhóm tác chiến kết hợp giữa lực lượng dân quân Shiite cùng với các bộ lạc người Sunni là chiến thuật không tồi. Tuy nhiên, đây cũng là một lựa chọn rủi ro khi bản thân người Iraq cũng chưa giải quyết được những mâu thuẫn dai dẳng giữa người Hồi giáo Sunni và Shiite.

Iraq phải tự lực

Việc Tổng thống Obama không muốn đưa quân trực tiếp tham chiến tại Iraq là điều dễ hiểu khi phải khó khăn lắm ông mới rút hết quân khỏi Iraq năm 2011 và có lẽ ông muốn hướng đến một chiến lược mang tính lâu dài hơn. Giới chức quân đội Mỹ cho rằng, vấn đề hiện nằm ở chỗ không phải các tay súng của IS quá mạnh mà là quân đội Iraq quá yếu kém. Đối với một Trung Đông luôn bất ổn thì việc hỗ trợ cho Chính phủ và lực lượng vũ trang Iraq tự đứng trên đôi chân của mình là một hướng đi hợp lý.

Dù vậy, điều chỉnh hiện nay chỉ là về mặt chiến thuật chứ không hẳn là chiến lược. Đặt trong kế hoạch tổng thể mà Mỹ đưa ra, việc tăng cường hiện diện quân sự tại Iraq chỉ nhằm thúc đẩy công tác đào tạo, huấn luyện lực lượng vũ trang bản địa, tăng cường hỗ trợ cho chính phủ Iraq và đề phòng các trường hợp thất thế khiến Mỹ "trở tay không kịp". Thay vì đẩy kế hoạch gia tăng, củng cố lực lượng trên mặt đất sớm hơn thì Mỹ lại để đến khi mất đi Ramadi mới hành động. Đây quả là một sự chậm chân so với IS.

Vân Anh