“Ăn miếng trả miếng” sẽ khiến Trung Quốc và EU rơi vào một cuộc chiến thương mại mới. Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock) |
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc nổ ra từ ngày 22/3/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và trộm cắp tài sản trí tuệ.
“Ăn miếng trả miếng”
Từ đó đến nay, các biện pháp trả đũa nhau khiến leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt qua biên giới, tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu.
Mới đây nhất (ngày 14/5), chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục công bố các mức thuế mới đối với việc nhập khẩu xe điện, chất bán dẫn, tấm pin mặt trời, thép, nhôm và sản phẩm y tế từ Trung Quốc, trong đó thuế xe điện tăng gấp bốn lần, lên mức hơn 100%.
Dường như có những điểm tương tự đang diễn ra, sau khi Liên minh châu Âu (EU) chính thức tung đòn thuế quan, Bắc Kinh đã “lên tiếng”.
Theo đó, Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức phiên điều trần chống bán phá giá đối với mặt hàng rượu mạnh nhập khẩu từ EU vào ngày 18/7, theo một thông báo mới. Đây là động thái đáp trả chính thức đầu tiên của Bắc Kinh về phía EU.
Động thái nói trên đưa ra sau khi EU ngày 4/7 áp thuế bổ sung tạm thời 38% đối với xe ô tô điện Trung Quốc nhập khẩu, vì lý do “trợ cấp nhà nước không công bằng”, bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh rằng, động thái này sẽ khơi mào cho cuộc chiến thương mại.
Từ ngày 5/7, mức thuế áp tạm thời có hiệu lực, các nhà sản xuất xe điện tại Trung Quốc hợp tác với EU sẽ chịu thuế 20,7%, trong khi các nhà sản xuất không hợp tác sẽ chịu thuế 37,6%.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu, thị phần xe điện do Trung Quốc sản xuất tại EU tăng từ khoảng 3% lên hơn 20% trong ba năm qua. Giới chuyên gia dự báo thuế tạm thời cao hơn sẽ làm giảm 42% nhập khẩu xe điện của Trung Quốc và giá xe điện có thể tăng trung bình 0,3-0,9% tại EU.
Chính phủ Trung Quốc nhiều lần kêu gọi EU hủy bỏ thuế quan, thể hiện thiện chí đàm phán. Phía Bắc Kinh thẳng thắn cho biết, không muốn rơi vào cuộc chiến thuế quan khác, khi vẫn đang trong căng thẳng thương mại với Mỹ, nhưng sẽ thực hiện tất cả biện pháp để bảo vệ doanh nghiệp của mình.
Trong khi đó, giới quan sát bình luận, mức thuế mang tính trừng phạt của EU không đủ để ngăn chặn làn sóng xuất khẩu đang gia tăng của Trung Quốc, vì các ông lớn nước này đang đầu tư ồ ạt, thậm chí “đặt cược” vào châu Âu trong chuỗi giá trị ô tô điện.
Đây được coi như “làn sóng” châu Á thứ ba, sau làn sóng Nhật Bản (1980) và Hàn Quốc (1990) vào thị trường ô tô châu Âu. Tuy nhiên, làn sóng Trung Quốc được đánh giá mạnh mẽ và đáng lo ngại hơn nhiều, khi nó vừa dựa trên sức mạnh công nghiệp chưa từng có của nền kinh tế số hai thế giới, vừa là một lĩnh vực công nghệ mới – ô tô điện, trong đó châu Âu bị coi là đang tụt hậu.
Nhìn chung, như không ít nhận định, cuộc tấn công của Trung Quốc vào thị trường châu Âu trong lĩnh vực ô tô điện mang tính cơ cấu, nhanh chóng và quy mô lớn. Các quyết định do EC đưa ra có thể làm chậm tiến trình này, nhưng rất khó ngăn chặn.
Trong khi đó, đối mặt với mối đe dọa này, EU như thường lệ vẫn bị chia rẽ bởi các lợi ích khác nhau. Tranh luận gay gắt đã xảy ra giữa các thành viên EU. Chính phủ Đức và ngành công nghiệp ô tô nước này - đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc chính thức không ủng hộ quyết định đánh thuế của EU. Thụy Điển cũng lên tiếng phản đối các mức thuế bổ sung nói trên. Trái lại, các nhà sản xuất ô tô Pháp hoan nghênh với lý do tạo được “cuộc chơi công bằng”... Đây cũng là lý do chính khiến EU không thể tấn công Bắc Kinh mạnh tay như cách Mỹ vừa làm.
Có ý kiến cho rằng cuộc tấn công của Trung Quốc vào thị trường châu Âu trong lĩnh vực ô tô điện mang tính cơ cấu, nhanh chóng và quy mô lớn. (Nguồn: Reuters) |
“Quả bóng đang ở chân EU”
Trong một động thái nhằm đáp trả quyết định của châu Âu, Trung Quốc tuyên bố EU đang làm suy yếu sự cạnh tranh công bằng, quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh cũng như hợp tác Trung Quốc - EU nói chung.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thúc giục chính phủ tăng thuế đối với ô tô chạy bằng xăng nhập khẩu từ châu Âu. Bắc Kinh đã bắt đầu điều tra về nhập khẩu thịt lợn, sữa từ châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc một phần tư tổng lượng xuất khẩu nông sản của EU sang Trung Quốc sẽ có thể bị ảnh hưởng. Chính quyền Trung Quốc cũng điều tra mặt hàng rượu Cognac giá rẻ của Pháp tại nước này - được xem là động thái đáp trả điều tra về ô tô điện. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã hoàn tất các thủ tục chính thức và sớm công bố kết quả.
Trên tờ Izvestia, Rosalia Varfalovskaya, nhà nghiên cứu hàng đầu thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, không loại trừ khả năng, Trung Quốc có thể nhắm tới lĩnh vực hàng không của EU trong thời gian tới. Nguồn cung các thiết bị, linh kiện hàng không của châu Âu cho Trung Quốc ước tính trị giá khoảng 7 tỷ Euro.
Nhà nghiên cứu này cho biết thêm, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới Nga - Trung Quốc là nền tảng quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp, máy bay và công nghiệp ô tô và đây có thể là “chỗ dựa” giúp Trung Quốc thoát khỏi các lệnh trừng phạt của châu Âu và các lệnh trừng phạt khác.
Tuy nhiên, giới phân tích chính trị nhận định rằng, phản ứng của Bắc Kinh cho đến nay vẫn tương đối kiềm chế, thận trọng, vì để đáp lại quyết định của EU về tăng thuế đối với ô tô điện, chính quyền Trung Quốc chỉ khởi xướng một cuộc điều tra mới, chứ không hạn chế xuất khẩu. Cách tiếp cận này của Trung Quốc thể hiện chiến thuật ngoại giao nhằm khuyến khích EU xem xét lại hành động của mình.
Tuy vậy, nếu Brussels từ chối đàm phán, theo các nhà phân tích, Bắc Kinh có thể nhanh chóng hoàn tất cuộc điều tra và phản ứng bằng các biện pháp đối phó thích hợp hoặc thậm chí là cứng rắn hơn. Mặc dù luôn tuyên bố ưu tiên duy trì sự hợp tác cùng có lợi, song người ta cho rằng, Bắc Kinh sẽ không bỏ qua những chính sách không thân thiện và gây tổn hại đến lợi ích quốc gia. Nước này tuyên bố không mong muốn một cuộc chiến thuế quan nhưng cũng không sợ nó.
Như Giáo sư Yang Cheng tại Đại học Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, chia sẻ quan điểm với truyền thông: “Quả bóng hiện đang ở chân EU”!
| Đứng giữa ‘làn đạn’ thương chiến Mỹ-Trung Quốc, một quốc gia Đông Nam Á phải sống sót thế nào? Cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai gã khổng lồ kinh tế số 1 và số 2 thế giới là Mỹ-Trung Quốc được ... |
| Mỹ không thể thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc… và không nên thử Đó là bình luận của chuyên gia Qiyuan Xu, Phó giám đốc Viện Kinh tế và chính trị thế giới, nghiên cứu viên cao cấp ... |
| Trung Quốc cảnh báo về một cuộc chiến thương mại, nói trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía EU Ngày 21/6, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục leo thang căng thẳng về thương mại và điều ... |
| EU áp thuế nặng với xe điện Trung Quốc, Đức 'xoa dịu' và nói không phải là một 'sự trừng phạt' Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã đến Bắc Kinh trong chuyến thăm ba ngày, trong bối cảnh đàm phán ... |
| 'Cuộc chiến thương mại' EU-Trung Quốc: Thuế xe điện bắt đầu có hiệu lực, Công ty mẹ MG tố EC phớt lờ các thông tin bất lợi Công ty ô tô SAIC Motor (Trung Quốc) thông báo sẽ yêu cầu một phiên điều trần từ Ủy ban châu Âu (EC) về các ... |