📞

Cuộc chiến thương mại mới

Minh Anh 10:00 | 28/07/2019
TGVN. Trong khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung còn diễn biến phức tạp, thế giới lại chứng kiến sự manh nha của một cuộc chiến thương mại mới.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, tháng 6/2019. (Nguồn: AP)

Khác với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, với lý do về sự không công bằng, thâm hụt thương mại, hay mất việc làm; lý do dẫn tới căng thẳng thương mại giữa hai đồng minh thân cận của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc có vẻ không liên quan đến thương mại, ít nhất là theo những thông tin mà hai nước chính thức công bố với thế giới.

Khi sự phụ thuộc trở thành "vũ khí"

Với một lý do bắt nguồn từ Thế chiến thứ Hai nhưng có tính biểu tượng đối với các chính trị gia, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có vẻ khó xuống thang để sớm hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Thậm chí, nếu không bên nào chịu nhượng bộ, căng thẳng Seoul-Tokyo sẽ càng tồi tệ hơn. Chuyên gia kinh tế Troy Stangarone tại Viện Kinh tế Hàn Quốc ở Washington cho rằng, đó là khi mặt trái của sự phụ thuộc lẫn nhau đã bị biến thành "vũ khí".

Trong bức thư gửi cho phía Nhật Bản mới đây, Hàn Quốc kêu gọi Tokyo dỡ bỏ ngay lập tức cả quy định hạn chế xuất khẩu đang được áp dụng, cũng như các biện pháp sẽ được thực hiện. Phía Hàn Quốc nhắc lại những hạn chế này là vi phạm trật tự thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, Nhật Bản vẫn đang có kế hoạch mở rộng các hạn chế đối với những lĩnh vực khác, bằng cách đưa Hàn Quốc ra khỏi "danh sách trắng" các nhà nhập khẩu đáng tin cậy trong những tuần tới - một động thái có thể trì hoãn hoặc làm gián đoạn nguồn cung các nguyên liệu khi ảnh hưởng đến hơn 1.000 mặt hàng quan trọng.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo khẳng định, các biện pháp thương mại này không phải là sự trả đũa và rằng, Nhật Bản chỉ đang muốn quản lý việc "mua bán các mặt hàng liên quan tới an ninh". Tokyo đã viện dẫn những mối quan ngại an ninh quốc gia phát sinh từ "sự quản lý không thỏa đáng" của Seoul, về hoạt động xuất khẩu các chất hóa học nhạy cảm, trong đó có hydro clorua vốn có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hóa học, mà các nước chịu án phạt quốc tế có thể sử dụng đến, như Triều Tiên.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Asahi TV ngày 21/7, ông Abe cho biết, nếu Hàn Quốc không đưa ra câu trả lời thích đáng, các cuộc thảo luận mang tính xây dựng sẽ không thể thực hiện.

Và khi Nhật – Hàn tiếp tục "lạc nhịp", phía Seoul có vẻ đang thực hiện thực hiện một đường lối cứng rắn hơn, coi các hành động của Nhật Bản là một "cuộc xâm lược kinh tế". Trên thị trường, người dân Hàn Quốc xuống đường biểu tình, tẩy chay hàng Nhật, xé vé máy bay bay đi du lịch Nhật Bản… Trên chính trường, các nghị sĩ như Chủ tịch đảng Dân chủ Đồng hành Lee Hae-chan nói rằng, cuộc xâm lược kinh tế của Nhật Bản sẽ bắt đầu và Hàn Quốc cần phải sẵn sàng.

Phát biểu tại một cuộc họp với các trợ lý ngày 15/7, Tổng thống Moon Jae-in nêu khả năng, những hành động của Nhật Bản là nhằm mục đích cản trở sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc.

Quá khứ và tương lai khó tách biệt?

Dường như vấn đề quá khứ và tương lai giữa hai nền kinh tế này đang cố tình bị trộn lẫn. Nhật Bản khẳng định mọi đòi hỏi phát sinh từ thời kỳ thuộc địa đã được giải quyết bằng thỏa thuận bình thường hoá quan hệ giữa hai nước ký năm 1965, trong đó Tokyo đã bồi thường cho Seoul bằng hình thức hỗ trợ tài chính và cho vay vốn tổng trị giá 800 triệu USD.

Nhưng từ cuối năm 2018, Toà án tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết yêu cầu Tập đoàn Nhật Bản Mitsubishi trả một khoản tiền bồi thường cho các nạn nhân phải lao động cưỡng bức trong thời gian từ năm 1910-1945. Quyết định này cũng tương tự phán quyết trước đó vài tuần đối với Nippon Steel & Sumitomo Metal. Sau khi hai công ty này từ chối bồi thường, tòa án Hàn Quốc đã cho phép thu hồi tài sản của các tập đoàn thép này trên địa phận Hàn Quốc để thực hiện phán quyết. Không ít công ty Nhật Bản khác có thể cũng phải đối mặt những phán quyết tương tự.

Căng thẳng Nhật – Hàn bị đẩy lên từ đầu tháng 7, khi Tokyo chính thức áp đặt các hạn chế xuất khẩu 3 vật liệu thiết yếu sang Hàn Quốc. Ba vật liệu này rất quan trọng đối với sản xuất chất bán dẫn, màn hình LED và điện thoại thông minh - vốn là các sản phẩm chiến lược trong các ngành công nghệ thông tin mới của Hàn Quốc. Nhật Bản cũng đang xem xét đưa Hàn Quốc ra khỏi các danh sách các quốc gia được coi là có hệ thống kiểm soát xuất khẩu đáng tin cậy.

Trong khi Nhật Bản tuyên bố những thay đổi trên là để đối phó với việc Seoul để các nguyên liệu có khả năng gây nguy hiểm này lọt vào Triều Tiên. Tuy nhiên, Hàn Quốc lại xem những quyết định của Nhật là sự trả đũa phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản cũng cho rằng, Seoul đã bác bỏ những lời kêu gọi của Tokyo tiến hành đàm phán các vấn đề liên quan trong 3 năm qua. Ông Abe đổ lỗi cho Hàn Quốc đã phá vỡ lòng tin giữa hai bên. Còn Hàn Quốc đã đáp lại những tuyên bố này, nghi ngờ những lý lẽ của Nhật Bản là biện minh cho các biện pháp hạn chế xuất khẩu.

Đến giờ phút này, mọi “biện pháp hòa giải” đều còn để ngỏ, bao gồm lựa chọn cử một Đặc phái viên đến Nhật Bản. Tuy nhiên, với mức độ căng thẳng như hiện nay, sự chia tách giữa hai bên không phải là viễn cảnh không thể xảy ra.

Nếu Seoul và Tokyo thật sự "lạc nhịp", ngành công nghệ của hai nền kinh tế này sẽ ''ngấm đòn'' đầu tiên. Ngành công nghệ Nhật - Hàn vốn có sự liên kết và bổ sung chặt chẽ cho nhau. Nhật Bản là nguồn cung quan trọng của Hàn Quốc và ngược lại, Seoul cũng là thị trường chủ chốt của Tokyo.

Trước mắt, quyết định của Nhật Bản sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Và nếu những tranh cãi này tiếp tục kéo dài, có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa, tác động đến chuỗi cung ứng chíp điện tử toàn cầu, cũng như ảnh hưởng đến hầu hết các nhà sản xuất công nghệ từ Samsung, Apple cho đến Huawei…