Tại một trung tâm tiêm chủng ở Belgrade, Serbia, tháng 3/2021. (Nguồn: Reuters) |
Thách thức từ dịch bệnh Covid-19
Đại dịch Covid-19 đến trong bối cảnh địa chính trị đặc biệt: chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy nổi lên ở nhiều quốc gia, đe dọa sự hợp tác chống lại thách thức toàn cầu. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành quyền lãnh đạo thế giới.
Nhiều chính phủ không coi trọng đúng mức mối đe dọa từ đại dịch. Ở thời kỳ đầu khi Covid-19 mới bùng phát, các quốc gia và vùng lãnh thổ từng phải đối phó với dịch bệnh gần đây như Hội chứng suy hô hấp cấp nặng (SARS) hay Hội chứng Hô hấp Trung đông (MERS), tỏ ra vượt trội hơn trong công tác phòng chống dịch.
Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam đã khống chế tốt đại dịch. Trong khi đó, phản ứng toàn cầu trước Covid-19 có khá nhiều thiếu sót.
Việc phát triển vaccine là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong đại dịch. Các công ty dược phẩm và công nghệ sinh học đã hợp tác với các chính phủ để cho ra đời nhiều loại vaccine mới trong thời gian ngắn kỷ lục.
Chỉ 2 tháng sau khi trình tự gen của virus SARS-CoV-2 được công bố, vaccine Moderna đã bước vào giai đoạn thử nghiệm đầu tiên. Trong khi đó, nhiều cơ quan như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Vaccine… đã đầu tư để mở rộng sản xuất.
Tuy vậy, khâu phân phối vaccine vẫn là một vấn đề.
Mỹ và các nước đang phát triển mua lượng vaccine gấp nhiều lần cần thiết để đề phòng rủi ro. Khi thiếu đi một cơ chế điều phối vaccine toàn cầu hiệu quả, một số nước tìm cách kiếm vaccine từ các thỏa thuận đa phương mà bỏ mặc các nước khác.
Điều này khiến cho cơ chế chia sẻ vaccine COVAX của WHO không thể đạt được mục tiêu phân phối vaccine đã đề ra.
Cuộc đua nhằm chống lại đại dịch Covid-19 vừa là một cuộc đua nước rút, nhưng cũng là một cuộc chạy đường dài.
Nhân loại vừa cần phải tiêm vaccine nhanh chóng cho nhiều người nhất có thể để ngăn chặn đà lây lan của đại dịch, vừa phải chuẩn bị cho tình huống virus vẫn còn tồn tại bên trong tự nhiên.
Tuy vậy, dường như con người không thể chờ đến khi đạt miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm chủng để kiềm chế đại dịch. Tốc độ tiêm chủng diễn ra quá chậm cũng như các biến chủng mới đe dọa sự hiệu quả của virus.
Các biến chủng mới là hệ quả tất yếu từ sự lây lan mạnh mẽ của virus. Một số biến chủng phổ biến như B.1.1.7 (được phát hiện lần đầu ở Anh), B.1.351 (Nam Phi), B.1.429 (Mỹ), P,1 (Brazil) và B.1.617.2 (Ấn Độ) được cho là đã đem lại mối đe dọa cho toàn cầu.
Nước Mỹ cần làm gì?
Trong cuộc chiến này, với tư cách là quốc gia giàu có, mạnh mẽ và có nền khoa học phát triển, Mỹ cần tham gia cuộc chiến trường kỳ chống Covid-19. Để làm được việc này, Mỹ cần lấy lại danh tiếng quốc gia lãnh đạo về y tế toàn cầu. Mỹ cần vượt lên trên sự chia rẽ và tập hợp phần còn lại của thế giới để thực hiện “cuộc thử nghiệm lớn nhất về hợp tác y tế toàn cầu”.
Để làm được điều này, đầu tiên, Mỹ cần cố gắng đạt được trạng thái "sạch bóng" Covid-19 trong nước. Lúc này, những loại vaccine hiệu quả và chương trình tiêm chủng vaccine công bằng sẽ phát huy tác dụng.
Tuy vậy, một trong những điểm nước Mỹ còn thiếu là việc đánh giá đúng tầm quan trọng của triển khai tiêm chủng nhanh chóng, có trọng tâm.
Nếu Mỹ có thể kiểm soát đại dịch Covid-19 và tránh bị tái nhiễm nhờ nguồn virus từ bên ngoài, cường quốc hàng đầu thế giới sẽ có bài học để chia sẻ với toàn thế giới.
Bên cạnh đó, những nỗ lực chẩn đoán và đề phòng Covid-19 cũng rất quan trọng, khi nhu cầu vaccine đã dần giảm.
Mỹ cần xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh mạnh mẽ hơn như là một phần của nỗ lực này. Điều này sẽ giúp giới chức y tế Mỹ có được thông tin toàn diện hơn, hành động nhanh hơn để đối phó với các đợt bùng phát dịch bệnh.
Ngoài ra, Mỹ và các nước phát triển cũng cần đầu tư sản xuất thêm nhiều thế hệ vaccine mới, rẻ hơn, bảo quản dễ hơn và chỉ cần một liều. Điều này sẽ giúp ích cho việc phân phối vaccine ở các quốc gia đang phát triển.
Dù đóng vai trò dẫn dắt trong cuộc chiến chống Covid-19, song Mỹ cũng cần cải tổ các cơ chế phản ứng với dịch bệnh trên quy mô toàn cầu.
Những công việc cần thực hiện bao gồm gia tăng khả năng chuẩn bị và ứng phó với đại dịch trên cấp độ cao nhất của Liên hợp quốc thông qua một “hội đồng ứng phó thách thức y tế toàn cầu”. Cộng đồng này độc lập với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được lãnh đạo bởi các nguyên thủ quốc gia, tránh can thiệp chính trị và có trách nhiệm đảm bảo các nước thành viên có trách nhiệm kiềm chế đại dịch.
Thêm vào đó, hệ thống giám sát dịch bệnh toàn cầu cũng cần phải được cải thiện. Các công nghệ giám sát cần được tiếp cận bởi các quốc gia đang phát triển, không chỉ là các nước giàu. Các nước cũng cần chia sẻ dữ liệu để có thể kiềm chế dịch bệnh ở quy mô khu vực, một khi virus đã vượt qua biên giới.
Đại dịch Covid-19 đã chứng tỏ con người càng dễ bị tổn thương hơn trước các dịch bệnh truyền nhiễm trong xã hội hiện đại.
Nhận thức được thiệt hại từ đại dịch, thế giới sẽ phải hợp tác cùng nhau để xây dựng một hệ thống để giảm nhẹ tác động hiện có và ngăn chặn những đại dịch kế tiếp. Thách thức trước mắt là phải tìm ra cách thức để biến điều này thành hiện thực.
Gợi ý cho Việt Nam
Khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu sắc đối với bạn bè quốc tế về một đất nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng với Chính phủ nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nêu rõ: “Những gì Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương đã làm trong thời gian vừa qua khiến chúng tôi thực sự ấn tượng vì hiệu quả của nó. Điều đó cho thấy, hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam hoạt động rất tốt và chứng tỏ niềm tin của người dân với chính quyền”.
Những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam có xu hướng lây lan nhanh. Đứng trước những thách thức do virus SARS-CoV-2 gây ra, người dân càng cần đặt niềm tin và đồng lòng chống dịch cùng với Chính phủ.
Việt Nam cần tích cực vận dụng ngoại giao vaccine để bổ sung nguồn cung vaccine còn đang thiếu hụt. (Nguồn: VNE) |
Biện pháp nhanh chóng khoanh vùng, khẩn trương xét nghiệm trên diện rộng để tiến tới hạn chế sự lây lan của dịch bệnh vẫn được coi là một trong những phương thức hữu hiệu nhằm truy vết dịch bệnh.
Bên cạnh đó, việc hạn chế những hoạt động có sự tương tác đông người, như du lịch, lễ hội, quán bar... nhất là tại những điểm nóng về dịch bệnh, cũng sẽ giúp ích cho quá trình chống dịch của Việt Nam.
Một số biện pháp phòng, chống sự lây lan của virus như đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, khai báo y tế cần được thực hiện thường xuyên.
Song song với đó là việc đẩy nhanh điều chế vaccine “Make in Viet Nam”, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine cho người dân, sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Việt Nam cũng cần tích cực vận dụng ngoại giao vaccine để bổ sung nguồn cung vaccine còn đang thiếu hụt.
Tối 23/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch Covid-19 trong vòng 15 ngày, kể từ 6h ngày 24/7. Việc cách ly thực hiện theo nguyên tắc: gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định. Chỉ thị cũng yêu cầu toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là cấp bách hàng đầu; dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Mọi người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng... Đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ thực hiện đóng cửa, tạm dừng hoạt động, trừ các trường hợp sau: trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội. Đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài Khu/Cụm công nghiệp phải đảm bảo đăng ký hoạt động sản xuất với UBND xã, phường, thị trấn (số lượng, danh sách lao động, phương án đảm bảo sản xuất an toàn phòng chống dịch, thời gian hoạt động sản xuất) và đảm bảo thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch; chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương về công tác phòng chống dịch của đơn vị. |