Tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC ) năm nay, quy tụ 21 quốc gia thành viên, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Tại đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp “chia tay” Tổng thống Mỹ Barack Obama trước khi ông Obama rời nhiệm sở.
Nhật báo Le Figaro số ra ngày 18/11 ví cuộc gặp này như một biểu tượng cho mối tương quan lực lượng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đang tranh giành ưu thế tại châu Á - Thái Bình Dương. Kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, cán cân ưu thế nghiêng về phía Trung Quốc, vốn đang tập trung vào thương mại để củng cố vai trò tại khu vực.
Mối quan hệ nhiều khó khăn
Trong phần lớn nhiệm kỳ của ông Obama, Trung Quốc và Mỹ đã dần thúc đẩy hợp tác và cố gắng hạn chế hậu quả từ các tranh chấp, nhưng cùng lúc đó cũng cạnh tranh để xác lập ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương. Ông Tập Cận Bình - người được Nhà Trắng xem là lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ thời Đặng Tiểu Bình hay thậm chí từ thời Mao Trạch Đông - nói rằng ông muốn thấy hợp tác hai bên được tiếp tục.
Tại cuộc gặp ở Lima ngày 19/11, Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Tôi hy vọng hai bên sẽ làm việc cùng nhau để tập trung vào hợp tác, giải quyết các bất đồng và đảm bảo quá trình chuyển giao êm thấm trong quan hệ hai nước, và để mối quan hệ này tiếp tục phát triển hơn nữa”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC, ngày 19/11. (Nguồn: AP) |
Hai nhà lãnh đạo đã gặp gỡ 9 lần kể từ khi ông Obama lên nắm quyền đầu năm 2009. Ông Obama nói rằng, ông muốn “tận dụng cơ hội này để nhấn mạnh sự hợp tác của chúng ta nhằm xây dựng mối quan hệ song phương lâu dài và có hiệu quả”. Ông Obama cũng thừa nhận trong suốt 8 năm cầm quyền, quan hệ Mỹ-Trung đã vấp phải nhiều khó khăn. Đây là giai đoạn chứng kiến căng thẳng dâng cao do những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như cách Bắc Kinh đối xử với các công ty Mỹ ở Trung Quốc.
Tổng thống Obama cho biết ông hy vọng sẽ có “một cuộc đối thoại thẳng thắn về các lĩnh vực mà chúng ta vẫn đang bất đồng, bao gồm việc tạo dựng một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp để cạnh tranh, đổi mới các chính sách”.
Cơ hội vàng cho Trung Quốc
Nỗi sợ hãi về sự trống vắng và co cụm của Mỹ tạo cho Bắc Kinh một cơ hội vàng để đi các quân cờ của mình. Tại Lima, Chủ tịch Tập Cận Bình cố gắng thúc đẩy dự án của ông về Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) gồm 21 thành viên của APEC.
Ngay cả các đồng minh trung thành của Mỹ như Australia đang xem xét lại kế hoạch của họ và hiện đặt cược vào việc xích lại gần với Trung Quốc. Theo quan điểm của Canberra, thất bại của TPP cũng “có thể bù đắp” bằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một thỏa thuận về tự do thương mại giữa ASEAN và 6 nước (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) mà không có Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp (CEO Summit) APEC năm nay. (Nguồn: AFP) |
Theo hãng tin AFP, ông Tập Cận Bình đã thúc đẩy cả hai thỏa thuận (FTAAP và RCEP) tại Hội nghị thượng đỉnh APEC lần này. Trong bài phát biểu chính, ông nói: “Chúng ta nên kiên quyết theo đuổi FTAAP. Việc mở cửa thị trường là vô cùng quan trọng cho sự thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương”.
Trước những phát biểu theo chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump, ông Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc sẽ không đóng cửa với thế giới bên ngoài mà còn mở rộng cánh cửa hơn nữa. Ông nói: "Chúng tôi sẽ tham gia vào công cuộc toàn cầu hóa kinh tế với việc ủng hộ thể chế thương mại đa phương, thúc đẩy FTAAP và nỗ lực để sớm hoàn tất đàm phán về RCEP”.
Hiện vẫn chưa rõ có còn tương lai nào cho TPP - hiệp định đã phải trải qua rất nhiều cuộc đàm phán khó khăn - hay không. Nhà Trắng cho biết ông Obama đã “kêu gọi các nhà lãnh đạo tiếp tục cùng nhau thúc đẩy TPP”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc ông Trump công kích thỏa thuận này và các đồng minh đảng Cộng hòa của ông sẽ kiểm soát Quốc hội đồng nghĩa TPP sẽ hoàn toàn chấm dứt!
Một số nhà lãnh đạo và chuyên gia cho rằng TPP vẫn có thể được “giữ lại” ở một phiên bản nào đó. Các đồng minh châu Á của Mỹ đang hướng sự chú ý sang các kế hoạch cạnh tranh của Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã bất chấp sự phản đối trong nước để ủng hộ TPP, đã tới gặp ông Trump ở New York hôm 17/11 để trực tiếp lắng nghe quan điểm của Tổng thống mới đắc cử.
Gareth Leather, chuyên gia kinh tế tại công ty tư vấn Capital Economics, cho rằng chấm dứt TPP sẽ tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế đang nổi ở châu Á. Ông Leather viết trong một báo cáo rằng: “Việc Mỹ rút lui mở ra cơ hội cho Trung Quốc, vốn không tham gia đàm phán TPP, mở rộng ảnh hưởng của họ ở châu Á”.