📞

Cuộc đời thật của nhà văn Lê Lựu còn sinh động hơn gấp nhiều lần nhân vật Giang Minh Sài

Nhà văn Trần Thị Trường 17:21 | 10/11/2022
Những người cùng sống với nhà văn Lê Lựu ở Nhà số 4 Lý Nam Đế (Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội ) cho rằng cuộc đời thật của ông còn sinh động, còn đau khổ gấp nhiều lần nhân vật Giang Minh Sài...
Nhà văn Lê Lựu. (Ảnh: Hoàng Hà)

Lại thêm một mất mát lớn của văn chương Việt Nam, sau sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp 2 năm trước, hay nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang gần đây. Họ là những nhà văn trong số hàng đầu của văn chương Việt Nam thế kỷ XX .

Nhà văn Lê Lựu sinh ở Khoái Châu, Hưng Yên, gốc nông dân, gốc lính ngay từ khi còn rất trẻ đã có những tác phẩm được coi là kinh điển của dòng văn học thời kỳ chiến tranh như truyện ngắn Người cầm súng (1970), tiểu thuyết Mở rừng (1976).

Nhưng khẳng định vị trí vững chắc của Lê Lựu trên văn đàn Việt Nam phải là bộ ba tiểu thuyết Chuyện làng Cuội (1991), Sóng ở đáy sông (1994) và nhất là Thời xa vắng (1986) - "một cuốn phim đời mang dấu ấn đau thương của thời đại", theo cách gọi của nhà văn Phạm Ngọc Tiến.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đánh giá, với Thời xa vắng, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của Thời xa vắng đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954.

Thời xa vắng là cuốn sách ông "viết từ mình, rút ruột mình ra mà kể chuyện mình, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thế hệ, chuyện của một thời". Thời xa vắng cũng đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên, trong đó diễn viên Ngô Thế Quân thủ vai Sài.

Những người cùng sống với ông ở Nhà số 4 Lý Nam Đế (Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội) cho rằng cuộc đời thật của Lê Lựu còn sinh động, còn đau khổ gấp nhiều lần nhân vật Giang Minh Sài của ông.

Lê Lựu từng có thời gian sang học ở Nga và ông cũng là nhà văn cựu chiến binh Việt Nam đầu tiên đi Mỹ để nói chuyện văn chương cùng những cựu binh Mỹ năm 1988, theo lời mời từ phía Mỹ. Văn chương của ông ảnh hưởng nhiều đến đời sống xã hội, đến đồng nghiệp, đến người cầm bút trẻ và đặc biệt được đón nhận từ người đọc.

Tên nhân vật Giang Minh Sài, một thời được đồng nghiệp gán cho ông: Ông Sài, nhưng cũng nhiều người ở nông thôn được gọi là Sài, là Núi. NSƯT Xuân Bắc (thủ vai Núi trong Sóng ở đáy sông) cũng được gọi là Núi hồi phim đang chiếu.

Khi đất nước vừa mở cửa, ông cũng là người tiên phong thành lập Trung tâm Văn hóa doanh nhân. Ông không là doanh nhân nhưng hiểu doanh nhân cần gì? Họ có đời sống kinh tế khá giả nhưng họ thích và muốn có thêm hiểu biết và giao lưu văn hóa...

Có lần do công việc, chúng tôi gặp nhau ở TP. Hồ Chí Minh. Tôi mời ông và Trần Đăng Khoa đi ăn tối. Ông bảo, có 3 thôi à? Rủ thêm ai nữa đi. Tôi hỏi: Em muốn mời chị Trà Giang được không ạ? - Ôi giời, thế thì còn gì bằng.

Tháng trước đó tôi vừa đến nhà chị, xem tranh chị vẽ. Chị dạo ấy mới học nhưng đã vẽ nhiều tranh, có bức rất sinh động, cảm xúc màu của chị rất tốt... Tôi gọi điện, nói với NSND Trà Giang rằng: Em mời chị, có nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng đi ạ. Trà Giang bảo: Chị ăn rồi nhưng chị sẽ đi cùng mọi người cho vui.

Chị Trà Giang tới, chị gầy so với trước nhưng vẫn vô cùng xinh đẹp. Lê Lựu có vẻ xúc động, bối rối. Trà Giang, sang trọng và kiều diễm, ăn nói nhỏ nhẹ. Lê Lựu ngày thường hóm hỉnh và hay nói hôm nay bỗng rụt rè.

Trà Giang nhạy cảm, hiểu cái lúng túng của người lần đầu gặp chị, chị tìm cách xóa đi sự căng thẳng đó nên cười nói tự nhiên, chân thành và giản dị. Nhưng Lê Lựu thì vẫn bối rối.

Chúng tôi đi bộ trên đường Phạm Ngọc Thạch. Đến ngõ 47, ngõ nhà Trịnh Công Sơn, Lê Lựu nghe tôi nói thế thì bảo vào thắp hương cho nhạc sĩ. Trở ra, tôi sợ Lê Lựu đói, bảo rẽ vào quán gần đó nhưng ông gạt đi vì nghe Trà Giang ăn rồi. Thấy hàng ngô luộc, ông mua 4 cái, đưa mỗi người một cái...

Chân thật đến đáy như vậy đấy, là Lê Lựu.

Lúc này, khi nghe tin ông vừa rời cõi thế, bỗng nhớ văn chương của ông và nhớ cái cảnh 4 người chúng tôi đi trên đường phố hoa lệ cầm 4 cái ngô. Anh Sài ăn ngon lành, xong, thấy chị Trà Giang vẫn cầm cái ngô, anh đấm đấm vào vai chị: Chê à?

Mộc mạc, thật thà, nông dân chính hiệu thế mà văn thì hay búa bổ. Đấy là Lê Lựu. Tiễn ông và nhớ thương vô cùng.

Hôm nay 10/11/2022, ngày tiễn nhà văn Lê Lựu, NSND Trà Giang đang ở Hà Nội dự Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội. Chị vừa nhắn tin, hỏi tôi còn nhớ kỷ niệm đó không?

(theo Vietnamnet)