Những nhận thức chung Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai Tổng thống Obama và Medvedev, nhân chuyến thăm chính thức của ông Obama tới Nga đã đạt thỏa thuận về vấn đề cắt giảm kho vũ khí tiến công chiến lược, theo đó hai nhà lãnh đạo đã thông qua văn kiện “Nhận thức chung về vấn đề tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược”, khẳng định Nga và Mỹ thỏa thuận tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược và trong thời gian tới sẽ ký Hiệp ước mới thay thế START-I. Dù chưa phải là văn kiện cuối cùng nhưng những nhận thức chung đạt được trên sẽ là cơ sở quan trọng để hai bên xây dựng một hiệp ước mới thay thế Hiệp ước START-I sẽ hết hạn vào ngày 5/12 năm nay. Hơn nữa, trong bối cảnh các vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và Iran ngày càng diễn biến phức tạp, nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân lan rộng thì việc hai cường quốc hàng đầu thế giới về sức mạnh quân sự và hạt nhân cắt giảm kho vũ khí tiến công chiến lược cho thấy quyết tâm của hai bên ngăn chặn phổ biến loại vũ khí giết người hàng loạt này, ngăn chặn một quốc gia mới gia nhập câu lạc bộ hạt nhân nhưng đồng thời vẫn giữ ưu thế của hai cường quốc hàng đầu trên khía cạnh sức mạnh răn đe hạt nhân chiến lược. Văn kiện nêu rõ hiệp ước mới quy định mỗi bên phải cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược để sau 7 năm hiệp ước có hiệu lực, mỗi nước chỉ còn 1.500-1.675 đầu đạn hạt nhân và 500-1.100 phương tiện phóng hạt nhân. Hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về khả năng hợp tác thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung và hợp tác trong việc đáp trả những thách thức về phổ biến tên lửa đạn đạo... Trên hồ sơ chống khủng bố, Nga và Mỹ đều nhất trí cần phải tăng cường đấu tranh chống những nguy cơ tái diễn hoạt động khủng bố, buôn bán ma túy ở Pakistan và Afghanistan. Bên cạnh đó, một thỏa thuận rất đáng chú ý đạt được giữa hai nước là việc ký Hiệp định liên chính phủ về vận chuyển quá cảnh qua lãnh thổ Nga các khí tài quân sự, binh lính phục vụ các lực lượng Mỹ bảo đảm an ninh và khôi phục Afghanistan. Đây được coi là sự ủng hộ rất có ý nghĩa của Nga đối với cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, do hiện nay con đường vận chuyển của Mỹ tới Afghanistan qua lãnh thổ Pakistan đang bị đe dọa nghiêm trọng. Hai bên cũng thỏa thuận một số chương trình hợp tác đáng chú ý khác, bao gồm thành lập Ủy ban Nga-Mỹ về phát triển hợp tác gồm 13 nhóm công tác, ký Nghị định thư giữa bộ y tế hai nước và trao đổi Công hàm về Ủy ban tù binh chiến tranh (POW) Nga - Mỹ nhằm hỗ trợ tìm kiếm những quân nhân mất tích… Cuộc mặc cả phía sauMặc dù đạt được các thỏa thuận có ý nghĩa, song trên một số hồ sơ nhạy cảm khác, hai nước vẫn chưa tìm được nhiều tiếng nói chung. Ông Obama vẫn nhắc lại quan điểm Mỹ không hài lòng với việc Nga công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai của Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia, nhấn mạnh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia “cần phải được tôn trọng”. Tiếp theo là hồ sơ chương trình lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu dự định triển khai tại một số nước Đông Âu trước đây thuộc ảnh hưởng của Nga như Ba Lan, CH Czech. Nga đã phản đối mạnh mẽ chương trình này và nêu rõ quan điểm của mình là việc thực hiện kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) Mỹ tại châu Âu sẽ cản trở quá trình cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược; START và NMD của Mỹ là hai vấn đề liên quan mật thiết với nhau, cần được thảo luận song song. Quan điểm trên đây của Nga có thể cản trở việc soạn thảo và ký kết văn kiện mới thay thế START-I nếu như chính quyền Obama không xem xét lại kế hoạch NMD tại châu Âu. Trong khi đó, tháng 3 năm nay, ông Obama đã gửi một bức thư cho ông Medvedev, trong thư đề cập đến nhiều đề tài, trong đó có việc phòng chống tên lửa và liên quan đến mối đe dọa hạt nhân của Iran. Đây là những cơ sở để dấy lên đồn đoán về cuộc mặc cả giữa Mỹ với Nga xung quanh NMD. Với cuộc gặp lần này, hai bên vẫn chỉ dừng ở mức sẽ tiếp tục thảo luận trên hồ sơ này trước khi đi đến một thỏa thuận hay quyết định cuối cùng. Quan hệ Nga-Mỹ vẫn được coi là mối quan hệ song phương quan trọng bậc nhất trên thế giới, xét trên tiềm lực sức mạnh chính trị - quân sự của hai nước và tầm ảnh hưởng của mối quan hệ này đến các vấn đề quốc tế. Việc Nga – Mỹ đối thoại với nhiều thỏa thuận đạt được là một tín hiệu cho thấy hai nước đang hướng tới một mối quan hệ hợp tác ít nhiều mang tính thực dụng hơn, dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo trẻ tuổi. Tuy nhiên, sự canh tranh chiến lược vẫn là đặc điểm cơ bản của mối quan hệ Nga – Mỹ, do đó đây mới chỉ là sự khởi đầu cho những bước đi thích hợp trên cả chặng đường dài phía trước.Ngọc Hùng