📞

Cuộc gặp Trung – Nhật phản ánh thay đổi địa chính trị tại châu Á

17:33 | 14/11/2014
“Cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 10/11 là sự kiện phản ánh sự thay đổi địa chính trị đang diễn ra nhanh chóng ở châu Á”.
Thủ tướng Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại APEC.

Nhận định trên là của ông Manoj Joshi, chuyên viên đặc biệt của Viện Nghiên cứu các Nhà quan sát Ấn Độ (ORF) về quan hệ Trung-Nhật sau cuộc gặp mang tính đột phá của lãnh đạo hai nước bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Bắc Kinh.

Có thể nói, hiện nay, trong bối cảnh mới của cả hai nước, Nhật Bản và Trung Quốc đều có thiện chí cải thiện mối quan hệ, hướng tới tăng cường hợp tác cùng có lợi.

Nhật Bản, thay vì là một nhân tố thụ động trong liên minh đã có bước đi hướng tới trở thành một thành viên bình đẳng hơn. Rõ ràng, Nhật Bản đang thành công trong chiến lược của mình khi tăng cường củng cố quan hệ với Mỹ và thể hiện vai trò tích cực, chủ động hơn trong đảm bảo an ninh quốc gia. Đầu tháng 7 vừa qua, Nội các Nhật Bản đã cho phép quân đội nước này sử dụng vũ lực để phòng thủ và tiến hành phòng vệ tập thể, ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào các nước có quan hệ đồng minh gần gũi với Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Nhật Bản đã có những hành động xoa dịu Trung Quốc khi tiến hành các cuộc trao đổi cấp cao. Thỏa thuận 4 điểm được ký kết bởi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Cố vấn an ninh Quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi về việc hai bên tổ chức các cuộc đối thoại và tham vấn cũng như thiết lập cơ chế quản lý, giải quyết xung đột được xem là bước tiến dài hướng tới cải thiện quan hệ Trung-Nhật.

Kim ngạch thương mại Trung-Nhật hiện vào khoảng 350 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường lớn cho xuất khẩu của Nhật Bản. Trung Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác, chủ yếu là các thiết bị công nghệ cao và phục vụ sản xuất. Hơn nữa, người dân Nhật Bản luôn mong muốn một thế giới hòa bình sau cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II.

Về phía Trung Quốc, Trung Quốc cũng đã cảm nhận được ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc giữ vẻ mặt bình thản và có những hành động quyết đoán hơn thì họ cũng nhận thấy căng thẳng trong quan hệ với Nhật Bản đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế Trung Quốc và tạo ra không ít hệ lụy cho sự ổn định tình hình trong nước. Những hành động của Trung Quốc đã khiến Nhật Bản quyết đoán hơn trong khẳng định vị thế quân sự và chính trị trong khu vực. Biểu hiện rõ nét cho việc này là việc Nhật Bản tăng cường quan hệ với các nước đang phát triển như Ấn Độ và Việt Nam, cũng như tăng cường quan hệ với Mỹ.

Thêm vào đó, kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển và quản lý hiệu quả nguồn năng lượng là điều mà Trung Quốc "thèm khát" vì nhờ đó họ có thể trở thành một nhà sản xuất hàng hóa hiệu quả hơn.

Từ việc nhận thức rõ các yếu tố trên, lãnh đạo hai nước đã có những động thái nhằm giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ khi ông Abe đã không đến thăm đền Yasukuni trong năm nay vào ngày 15/8 – ngày quân đội Nhật Bản đầu hàng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II.

Trước đó, trong tháng 5/2014, hai bên đã tổ chức cuộc gặp cấp Bộ trưởng đầu tiên trong kỳ họp chuẩn bị cho Diễn đàn APEC ở Thanh Đảo và sau đó Ngoại trưởng hai nước cũng đã gặp nhau tại Myanmar. Bên lề Diễn đàn APEC năm nay, lần đầu tiên kể từ sau khi nhậm chức, ông Tập Cận Bình và ông Abe đã có cuộc gặp riêng để thảo luận hàng loạt vấn đề song phương.

Đáng chú ý là việc hai bên đã ký kết thỏa thuận 4 điểm nhằm cải thiện quan hệ và thiết lập cơ chế giải quyết các mâu thuẫn tồn tại giữa hai nước. Tuy đây được đánh giá là bước phát triển tích cực trong quan hệ Trung-Nhật, song giới chuyên gia vẫn cho rằng khó có thể đạt được một sự thỏa hiệp giữa hai nước trong thời gian ngắn.

Hằng Phạm (tổng hợp)