📞

Cuộc khủng hoảng của tầng lớp trung lưu

14:36 | 20/01/2017
Một trong những mối quan tâm của các đại biểu dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ là tương lai của tầng lớp trung lưu ở các nước phát triển.

Theo trang mạng DW của Đức, xét trên phạm vi toàn cầu, số người thuộc tầng lớp trung lưu về mặt kinh tế đã tăng mạnh trong 40 năm qua. Điều này phần lớn là do sự tăng trưởng kinh tế của các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Nhưng nhìn vào các nước công nghiệp phát triển thì có một xu hướng ngược lại. "Ở Mỹ, tầng lớp trung lưu đã thu hẹp từ khoảng 60% xuống còn 50%", Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết tại Davos.

Lagarde nói. "Với tốc độ tăng trưởng thấp hơn, bất bình đẳng hơn và minh bạch hơn, tôi nghĩ rằng tầng lớp trung lưu ở các nền kinh tế phát triển đang trong tình trạng khủng hoảng”.

Đặc biệt, ở châu Âu, tầng lớp trung lưu cũng chịu áp lực.

Mối liên quan giữa làn sóng phản đối toàn cầu hóa và tầng lớp trung lưu là mối quan tâm của nhiều chính trị gia và các chuyên gia kinh tế. (Nguồn: DW)

"Tầng lớp trung lưu đang vỡ mộng về tương lai", Pier Carlo Padoan, Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Italy nói. "Họ thất vọng về triển vọng việc làm đối với con cái của họ. Đó là thất vọng về an sinh khi họ nhận ra hệ thống phúc lợi xã hội có thể trở nên không bền vững".

Theo Bộ trưởng Pier Carlo Padoan, bối cảnh chính trị châu Âu đang bao phủ sự hoài nghi và người dân sẵn sàng nói không với các giải pháp cải cách của các đảng phái. Ông Padoan cho rằng, đó là một dấu hiệu của khủng hoảng khi người dân nghi ngờ vai trò của các nhà lãnh đạo. Điều cần thiết hiện nay là cần có một chiến lược dài hạn, đáng tin cậy để tầng lớp trung lưu và cả những tầng lớp khác tin tưởng và đồng thuận với các kế hoạch cải cách, ông Padoan cho biết.

"Nhưng chúng ta không có một tầm nhìn hoặc là một thông điệp mạnh mẽ ở châu Âu ", bà Lagarde nói.

Theo bà Lagarde, "Có những điều mà có thể được thực hiện: cải cách tài chính và cơ cấu, cải cách chính sách tiền tệ". "Nhưng nó cần phải thật chi tiết, phải mang tính khu vực và cần phải được tập trung vào những lĩnh vực mà mọi người dễ nhận ra các tác động".

Larry Summers, từng là Nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới và cố vấn kinh tế của Mỹ, cho biết cộng đồng chính trị quốc tế đã tiêu tốn rất nhiều năng lượng để bảo vệ bằng sáng chế và bản quyền của các tập đoàn đa quốc gia, trong khi bỏ qua  các mối quan tâm hàng ngày: "Tôi muốn sống trong một thế giới mà các cộng đồng làm chính sách toàn cầu quan tâm hơn đến việc ngăn chặn chênh lệch thuế".

Trong một thế giới như vậy, Summers nói thêm, tầng lớp trung lưu sẽ thấy rõ hơn những lợi thế của toàn cầu hóa bởi có rất nhiều ý kiến cho rằng, toàn cầu hóa đang ảnh hưởng mạnh đến ngành sản xuất ở các nước đang phát triển, gây thiệt hại cho tầng lớp trung lưu.