Cuộc sống khổ càng thêm khổ của người dân Tây Bắc Syria sau thảm họa động đất
Kha Ninh
09:49 | 17/02/2023
Phải chật vật để tồn tại giữa các cuộc giao tranh trong nhiều năm qua, thảm họa động đất ngày 6/2 ở vùng giáp ranh Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã dồn người dân Tây Bắc Syria rơi vào tình trạng khốn khổ.
Tính đến nay, thảm hoạ động đất ngày 6/2 xảy ra tại vùng giáp ranh Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã khiến gần 42.000 người bị thiệt mạng, trong số đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận ít nhất 36.187 người, Syria ghi nhận 5.800 người. Trong ảnh, người dân kiểm tra các tòa nhà bị sập ở thị trấn Harem, Syria. (Nguồn: AP)
Các trận động đất đã làm hàng trăm nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ và Syria bị mất nhà ở, khiến họ rơi vào cảnh khốn quẫn. Đặc biệt, hơn 4 triệu người dân ở vùng Tây Bắc Syria, những người chật vật để tồn tại giữa các cuộc giao tranh căng thẳng và tình trạng đói nghèo trong nhiều năm qua giờ đây lại khổ càng thêm khổ khi tài sản bị phá hủy, phải chịu nỗi đau mất người thân và tương lai mịt mờ. Trong ành, ông Mohammad Ghazi Sbeih, cố đào xới đống đổ nát của ngôi nhà của ông ở Jandaris, Syria, để nhặt nhạnh chút đồ vật còn sót lại. (Nguồn: Al Jazeera)
Trái với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nhận được sự hỗ trợ của hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế, hoạt động cứu hộ và viện trợ ở Syria gặp nhiều trở ngại do nước này vẫn trong tình trạng nội chiến. Khu vực chịu thiệt hại nặng nhất là nơi phe đối lập kiểm soát. Nhiều người tuyệt vọng đến mức họ ước mình bị thiệt mạng trong thảm họa động đất, còn hơn sống sót trong đau khổ và thiếu thốn. Trong ảnh, một phụ nữ bị thương trong trận động đất được điều trị tại bệnh viện ở Bab al-Hawa, Syria, khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AP)
Một nạn nhân khác được điều trị tại bệnh viện ở Bab al-Hawa. (Nguồn: AP)
Cảnh sát trưởng địa phương Omar Rahal, đến từ ngôi làng Harem, tỉnh Idlib - Syria trong lúc giải cứu người bị nạn đã bắt gặp cảnh tượng cô bé Jinan (5 tuổi) cố gắng che chắn cho em trai Abdullah (9 tháng tuổi), trong đống đổ nát. Không thể giải cứu bé gái một mình, ông Rahal đành quay một đoạn video rồi gửi cho các đồng nghiệp nhờ hỗ trợ. Đoạn video nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và trở thành biểu tượng của thảm kịch ở tỉnh Idlib. (Nguồn: The Guardian)
Khi được giải cứu ra khỏi đống đổ nát, em trai của Jinan chỉ bị trầy xước nhẹ còn cô bé bị thương khá nặng do bị một tấm bê tông đè lên và một thanh sắt cắm xuyên qua chân. Theo The Guardian, Wajih al-Karrat, bác sĩ chữa trị cho Jinan cho biết, vết thương ở chân của cô bé vẫn rất nghiêm trọng và có thể không bao giờ đi lại như trước đây được nữa. "Nếu vết thương không cải thiện, chúng tôi buộc phải cắt bỏ chân của bé gái", bác sĩ al-Karrat nói. Đáng buồn hơn, Jinan và Abdullah là 2 trong vô số trẻ em bị mồ côi do trận động đất ở tỉnh Idlib. (Nguồn: The Guardian)
Chia sẻ với CNN, Leena Zahra, nhân viên cứu trợ nhân đạo người Mỹ gốc Syria chuyên về cải thiện sức khỏe tâm thần cho những người di cư cho biết: "Đây là khủng hoảng chồng khủng hoảng". Trong ành, người đàn ông ngồi trong đống đổ nát của một tòa nhà ở Atareb, nơi gia đình ông sinh sống. (Nguồn: AP)
"Thảm họa này sẽ tác động đến trẻ em, các gia đình, trong đó có những người đã phải di cư hơn 20 lần. Nó sẽ làm gia tăng hơn nữa những ảnh hưởng tâm lý họ vốn đã phải đối mặt", Leena Zahra nhận định thêm. (Nguồn: Al Jazeera)
Những người phụ nữ này cầu nguyện một phép màu cho cuộc sống của họ. (Nguồn: Al Jazeera)
Nét tang thương hiện lên trên gương mặt của ông Louai Fares al-Khalaf, người đã mất đi em gái, cháu trai và em rể khi các trận động đất xảy ra. (Nguồn: Al Jazeera)
Ít nhất 1.300 căn nhà ở vùng Tây Bắc Syria đã bị phá hủy hoàn toàn, nhiều làng mạc, thị trấn biến thành vùng đất chết. Trong ảnh, ông Mohammad Ghazi Sbeih thẫn thờ đứng giữa đống đổ nát của toà nhà ở Jandaris, Tây Bắc Syria, nơi sinh sống của gia đình ông. (Nguồn: Al Jazeera)
Người dân tiếp tục đào bới đống đổ nát. Họ đã hết hy vọng tìm thấy người sống sót và chỉ muốn chôn cất người đã khuất và nhặt nhạnh chút tài sản còn sót lại. Trong ảnh, một ngôi nhà bị phá hủy ở Atareb, Syria. (Nguồn: AP)
Những người sống sót ở Jandaris, Syria thu dọn đồ đạc còn sót lại sau trận động đất. (Nguồn: Al Jazeera)
Nhiều nạn nhân động đất ở Tây Bắc Syria cảm thấy bị bỏ rơi, khi hoạt động cứu trợ của LHQ và cộng đồng quốc tế diễn ra chậm chạp. Tình trạng thiếu lương thực, nước sạch và nơi trú ẩn giữa trời âm độ đang đẩy phần lớn nạn nhân đến tình cảnh nguy hiểm. (Nguồn: Al Jazeera)
Giám đốc viện trợ LHQ Martin Griffiths thừa nhận họ đã khiến người dân tây bắc Syria thất vọng khi cứu trợ còn gặp trở ngại, với duy nhất cửa khẩu Bab al-Hawa ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ còn hoạt động. Ông đang vận động hành lang tại LHQ để mở thêm các cửa khẩu khác.Trong ảnh, các tình nguyện viên dựng lều cho những gia đình mất nhà ở thị trấn Harem, tỉnh Idlib, Syria. (Nguồn: AP)
Trước trận động đất, viện trợ nhân đạo quốc tế được chuyển qua cửa khẩu Bab al-Hawa, huyết mạch duy nhất kết nối khu vực do phe đối lập kiểm soát ở Tây Bắc Syria với thế giới bên ngoài. Khi thảm họa xảy ra, công tác nhân đạo ở nơi này diễn ra khá khó khăn do khu vực Tây Bắc Syria bị phe nổi dậy kiểm soát. (Nguồn: AP)
Không có đoàn xe viện trợ nào đi qua cửa khẩu này trong ba ngày đầu tiên sau trận động đất, vì các con đường từ Thổ Nhĩ Kỳ tới cửa khẩu đều hư hại vì rung chấn. Những chiếc xe tải chở hàng viện trợ đầu tiên bắt đầu đi qua đây từ ngày 9/2, nhưng nguồn cung vẫn kém xa nhu cầu. Trong ảnh, nhân viên hải quan tại biên giới kiểm tra các xe tải chở viện trợ nhân đạo của LHQ cho Syria tại cửa khẩu biên giới Bab al-Hawa với Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AP)
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi Hội đồng bảo an họp khẩn để thảo luận về vấn đề Syria, cho phép mở các điểm viện trợ xuyên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 10/2, chính phủ Syria cũng thông báo phê duyệt nguồn cung viện trợ nhân đạo tới các vùng bị ảnh hưởng bởi động đất trong khu vực do phe đối lập kiểm soát. (Nguồn: AP)
Nhiều năm chiến sự đẩy dịch vụ y tế ở Idlib đến bờ vực sụp đổ. Phần lớn nhà cửa ở khu vực này đều bị hư hại do chiến sự và dễ dàng sụp xuống khi xảy ra động đất. Việc giám sát an toàn xây dựng còn lỏng lẻo tại khu vực cũng khiến các công trình khó chống chịu rung lắc. "Chúng tôi vốn sống trong tình thế tuyệt vọng, song không ngờ mọi chuyện lại có thể tồi tệ hơn", một người dân cho hay. Hàng trăm nghìn người dân Syria chỉ biết hy vọng thế giới đáp lại những lời khẩn cầu của họ, để được hỗ trợ thông qua hoạt động cứu trợ của LHQ và cộng đồng quốc tế.(Nguồn: Al Jazeera)
Các tác phẩm báo chí xoay quanh chủ đề: thúc đẩy phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, thúc đẩy bình đẳng giới trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền phối hợp Báo Thế giới và Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới'.
Theo luật mới có hiệu lực từ ngày 1/4/2025, trẻ em nhập cư muốn nhập học các chương trình giáo dục phổ thông các cấp phải vượt qua kỳ thi năng lực tiếng Nga.