📞

Cựu du học sinh uơm 'mầm xanh' ở quê hương

Hà Anh 09:33 | 08/12/2023
Trở về xây dựng sự nghiệp ở quê hương, TS. Nguyễn Đức Chinh vẫn biết ơn quãng thời gian du học tại Australia vì đã mang lại cho anh những trải nghiệm và kinh nghiệm quý cho cuộc sống cũng như công việc hiện tại.

Từng có thời gian học thạc sĩ tại Đại học Tasmania (Australia), anh Nguyễn Đức Chinh cùng vợ là chị Nguyễn Thị Duyên - cũng tốt nghiệp thạc sĩ nông nghiệp ở Australia vẫn quyết định về quê hương để làm nông dân trồng rau hữu cơ.

TS. Nguyễn Đức Chinh tại trang trại của mình. (Ảnh: NVCC)

Trang trại GenXanh rộng khoảng 2 ha của vợ chồng anh Chinh ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, đang là mô hình điển hình của nông nghiệp xanh được nhiều người trong nước ngưỡng mộ và học tập…

Những năm tháng đáng nhớ

Học tập ở Australia cách đây đã 10 năm nhưng với TS. Nguyễn Đức Chinh, những hồi ức về thời gian ở đất nước chuột túi vẫn sống động như ngày hôm qua vậy.

Anh chia sẻ: “Tôi sinh ra ở vùng nông thôn của tỉnh Hà Tĩnh. Với những người xuất phát từ quê như tôi, thì chính sách học bổng Australia thực sự rất hữu ích.

Không chỉ được hỗ trợ đào tạo tiếng Anh, được cấp học bổng trong suốt thời gian học tập, chúng tôi còn đuợc làm quen văn hoá của người dân và cộng đồng sinh viên ở đây nên nhanh chóng hòa nhập được vào đời sống ở đất nước sở tại và bớt dần sự bỡ ngỡ khi bước vào môi trường học tập mới”.

Với anh Chinh, được du học Australia chính là bước ngoặt của cuộc đời. “Chúng tôi sống ở bang Tasmania. Nơi đây là thiên đường du lịch với cuộc sống thanh bình, êm đềm và nền văn hóa đa dạng.

Sống ở nước ngoài, góc nhìn về thế giới và Việt Nam của tôi đã rộng hơn rất nhiều”.

Điều anh thấy vui hơn là trong thời gian học tập tại Australia, anh luôn nhận được những tình cảm ấm áp, sự giúp đỡ từ các giảng viên, du học sinh và bà con trong cộng đồng người Việt.

Anh nói: "Cho đến nay, chúng tôi vẫn liên lạc, kết nối với nhau. Các thầy giáo ở Australia nhiều lần sang thăm Việt Nam và gặp gỡ các cựu du học sinh”.

Được tiếp xúc với nền giáo dục tiên tiến ở xứ sở chuột túi, anh Chinh càng mong một ngày được trở về Việt Nam để ứng dụng những kiến thức mình đã học hỏi và tích lũy được tại đây.

Hiện thực hóa ước mơ

Những kinh nghiệm về ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp học được ở Australia đã thôi thúc anh Nguyễn Đức Chinh phát triển công nghệ trồng rau hữu cơ – một trong những thế mạnh về nông nghiệp mà ở Việt Nam vẫn chưa được khai thác.

Vợ chồng anh Nguyễn Đức Chinh đều từng là nghiên cứu sinh Việt Nam tại Australia. (Ảnh NVCC)

Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, anh về nước cùng cộng sự thực hiện dự án về rau hữu cơ, từ 2014-2016 nhưng vì nhiều lý do chưa thành công. Từ năm 2016-2019, anh tiếp tục sang Nhật học tiến sĩ công nghệ sinh học trong nông nghiệp.

Trở về nước, vợ chồng anh Chinh tiếp tục đi tìm đất, nung nấu quyết tâm trồng rau hữu cơ. Họ tìm thấy vùng đất bỏ hoang ở bãi sông Đáy, thuộc xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Sau khi làm việc, đàm phán với 35 hộ dân địa phương, họ thuê lại 2 ha đất và cùng hai đồng nghiệp trẻ lập trang trại rau hữu cơ GenXanh để hiện thực hoá ước mơ trồng rau sạch.

Năm 2021, rau của trang trại GenXanh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Trải qua nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm theo đuổi công nghệ trồng rau hữu cơ, từ tháng 11/2021, công việc của vợ chồng anh bắt đầu có lãi. Mỗi tháng, trang trại có thể cung cấp cho thị trường khoảng 4-5 tấn rau hữu cơ với giá bán chỉ bằng một nửa so với nhiều nhà cung cấp khác.

Bên cạnh yếu tố thuận tự nhiên, anh Chinh cũng áp dụng nhiều công nghệ nông nghiệp vào canh tác như công nghệ vi sinh (phân bón hữu cơ được ủ thủ công từ trứng, dịch chuối, phân chuồng, ủ mục tàn dư thực vật và cỏ dại), sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động để tăng hiệu quả sử dụng nước và giảm công tưới.

Đặc biệt, các sản phẩm GenXanh trồng ra đều được đảm bảo tiêu chí 5 không (không thuốc bảo vệ thực vật hoá học, không phân bón hoá học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích sinh trưởng, không dùng giống biến đổi gien). Trang trại của anh cũng tạo công ăn việc làm cho bà con trong xã, đặc biệt là những lao động khiếm khuyết.

Đến nay, qua năm thứ tư, trang trại của vợ chồng anh Nguyễn Đức Chinh đã cho nhiều trái ngọt. Anh Chinh vui lắm: “Như vậy, tôi đã đi đúng hướng và cũng có câu trả lời cho những trăn trở trước đây của mình. Hiện tại có nhiều người ở các tỉnh, thành như Hải Dương, Lào Cai, Nghệ An, Vũng Tàu… đến tìm hiểu, học hỏi. Từ đây, tôi muốn được chuyển giao công nghệ cho nhiều người hơn nữa”.

Khách tham quan trang trại GenXanh. (Ảnh: NVCC)

Thời gian tới, anh Nguyễn Đức Chinh muốn đầu tư thêm vào việc nghiên cứu, sản xuất để tăng năng suất sản phẩm, hoàn thiện quy trình sản xuất, phân phối và tiếp tục đào tạo miễn phí cho những ai quan tâm đến mô hình này.

Bên cạnh đó, anh muốn mở rộng các trang trại cũng như đầu tư xây dựng được thương hiệu, kết hợp sản xuất ở nhiều vùng miền khác nhau để phục vụ khách hàng, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho cộng đồng.

Anh chia sẻ: “Tôi rất trân trọng kiến thức khoa học mà mình đã tích lũy được trong những năm tháng tu nghiệp ở Australia và Nhật Bản, nhưng tôi cũng hay nói với mọi người rằng, càng đi ra nước ngoài tôi càng thấy ở quê hương rất đáng sống”.