TIN LIÊN QUAN | |
Cứu hộ thành công cá thể gấu chó cuối cùng tại Tây Ninh | |
Thêm một cá thể gấu ngựa được chuyển giao về Trạm cứu hộ |
Lãnh đạo Nhà trường đã quyết định chuyển giao tự nguyện một cá thể gấu ngựa cái nặng khoảng 150 kg cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam và 4 cá thể khỉ vàng cho Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội.
Quá trình giải cứu diễn ra nhanh chóng, bởi Tổ chức Động vật châu Á đã có khảo sát trước về địa điểm cứu hộ, cũng như nhận được sự hỗ trợ của Nhà trường trong việc tuân thủ quy định chăm sóc và cho ăn trước cứu hộ. Cá thể gấu này ước tính khoảng trên 10 tuổi, do một số cá nhân hiến tặng cho nhà trường với mục đích huấn luyện biểu diễn xiếc.
Tuy nhiên, hiện Nhà trường cũng có chủ trương loại bỏ dần việc sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc, nên đã quyết định chuyển giao gấu về cho Trung tâm vì mục đích nhân đạo.
Tại sân trước của nhà trường, cá thể gấu được cứu hộ bằng phương pháp ghép lồng vận chuyển vào lồng nuôi hiện tại và dụ sang bằng thức ăn ngon như mật ong, sữa đặc có đường, và hoa quả khô như khoai lang và chuối khô. Phương pháp này thường được thực hiện khi địa điểm cứu hộ rộng rãi, và gấu không căng thẳng, biểu hiện hợp tác với đồ ăn ngon và các y tá, bác sỹ.
Cá thể gấu cái được Tổ chức đặt tên là Valerie (với mong muốn cô gấu sẽ luôn mạnh khoẻ), phản ứng rất tốt với sữa đặc có đường và nhanh chóng bước sang lồng vận chuyển. Gấu sau cứu hộ sẽ được chuyển ngay về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc trong ngày.
Sau cứu hộ, gấu sẽ trải qua 45 ngày cách ly, được khám sức khoẻ và chữa trị các bệnh tật, thương tổn, trước khi được ghép nhóm và hòa nhập tại các khu bán tự nhiên.
Bác sỹ thú y Kate Shipton - Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam cho biết: “Quan sát lâm sàng cho thấy, mắt phải của gấu bị thương tổn nặng và có vẻ ảnh hưởng đến tầm nhìn, nhưng để chắc chắn về thị lực của gấu Valerie có còn không thì chúng tôi cần kiểm tra sức khoẻ kỹ lưỡng khi về đến Trung tâm với đầy đủ máy móc, thiết bị.
Ngoài ra thì cô gấu này khá nhẹ cân, da có nhiều vết trầy xước và vết thương hở do dụi đầu vào các nan sắt, răng tương đối tốt. Nói chung, sức khoẻ của gấu sẽ được cải thiện rõ rệt và cô gấu này sẽ sớm phục hồi khi về nơi có điều kiện chăm sóc tốt nhất.”
Quá trình cứu hộ có sự chứng kiến và tham gia của Cán bộ Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, các cán bộ Kiểm lâm của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, và đại diện Phòng kiểm dịch động vật Chi cục Thú y Hà Nội, và hỗ trợ đặc biệt của Phó giám đốc Vườn quốc gia Tam Đảo (ông là người hỗ trợ vận động chuyển giao gấu về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam).
Từ năm 2007 tới nay, Tổ chức Động vật châu Á đã cứu hộ được 211 cá thể gấu ngựa và gấu chó (cả gấu con và gấu sống lâu năm trong các chuồng cũi) tại nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Riêng đầu năm 2019 tới nay, Tổ chức Động vật châu Á đã thực hiện 6 chuyến cứu hộ, đưa 10 cá thể gấu từ Hà Nội, Lạng Sơn, Nha Trang, Vĩnh Phúc về chăm sóc và phục hồi tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.
Tổ chức Động vật châu Á đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam hướng tới chấm dứt 100% số trại gấu còn lại trên địa bàn cả nước và đưa được thêm khoảng 800 cá thể gấu nữa về các cơ sở cứu hộ, lộ trình từ năm 2017 tới 2022.
Thống kê mới nhất cho thấy, hiện cả nước còn khoảng hơn 600 cá thể gấu nuôi trong các trang trại, trong khi gấu ngoài tự nhiên chỉ còn vài trăm cá thể. Cuối năm 2005, Chính phủ Việt Nam tiến hành lập hồ sơ và quản lý gấu trên cả nước nhằm mục đích quản lý số lượng gấu đang nuôi nhốt, chấm dứt tình trạng săn bắt gấu từ tự nhiên về nuôi.
Phần lớn gấu ngựa nuôi nhốt trong các trang trại vì mục đích thương mại và có lẽ khoảnh khắc duy nhất mà những cá thể này được ra khỏi lồng sắt là khi bị gây mê để trích hút mật. Một số cá thể gấu được nuôi nhốt với mục đích làm cảnh hoặc để biểu diễn trong các công viên hoặc rạp xiếc.
Không chỉ ở Việt Nam, việc sử dụng động vật biểu diễn xiếc vấp phải nhiều làn sóng phản đối của những người yêu động vật và cộng đồng bởi những kịch mục sử dụng động vật không phản ánh các hành vi tự nhiên của chúng, đồng thời quá trình huấn luyện, và nuôi nhốt hầu hết không đảm bảo được phúc lợi tối thiểu của con vật.
Trên thế giới hiện nay đã có 47 quốc gia và vùng lãnh thổ loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc, thậm chí có những quốc gia đã cấm sử dụng tất cả các loài động vật biểu diễn xiếc.
Cứu hộ 9 cá thể gấu ngựa tại một trang trại ở Bình Dương Ngày 26/6, Tổ chức Động vật châu Á (AAF) đã cứu hộ toàn bộ 9 cá thể gấu ngựa tại một trang trại tại thị ... |
Cứu hộ 3 cá thể động vật quý hiếm tại Đắk Lắk Sáng 12/9, Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) đã cứu hộ thành công một cá thể gấu chó và hỗ trợ cứu hộ ... |
Tiếp sức cho hoạt động cứu hộ gấu ở Việt Nam Ngày 8/4/2013, hai nhà hảo tâm Australia là ông bà Richard và Joanna Collins đã sang thăm Việt Nam và thăm lại 4 chú gấu ... |