📞

Cựu Ngoại trưởng Philippines muốn tịch thu tài sản Trung Quốc vì tàn phá Biển Đông

10:34 | 10/06/2020
TGVN. Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng, Philippines có quyền tịch thu các tài sản của Trung Quốc ở nước này để bồi thường cho việc tàn phá môi trường ở Biển Đông.
Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario. (Nguồn: Reuters)

Viện dẫn một nghiên cứu của Viện nghiên cứu khoa học hàng hải thuộc Đại học Philippines, cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario nói, Trung Quốc nợ Philippines hơn 230 tỷ Peso (hơn 4,6 tỷ USD) vì đã tàn phá các rạn san hô và các hình thái sinh vật biển khác với các hoạt động phi pháp ở Biển Đông.

“Khi xác định được mức độ thiệt hại, giới chức Philippines có quyền tịch thu tài sản của Chính phủ Trung Quốc ở Philippines để bù đắp khoản mà Trung Quốc nợ người dân Philippines”, ông Rosario phát biểu tại một hội thảo ngày 8/6.

Cựu quan chức Philippines nói thêm: “Các tài sản này có thể bao gồm các lợi ích của Chính phủ Trung Quốc trong Tập đoàn điện lưới quốc gia Philippines (NGCP) và Tập đoàn viễn thông China Telecom - doanh nghiệp viễn thông lớn thứ 3 ở Philippines”.

Tập đoàn điện lực Trung Quốc sở hữu khoảng 40% cổ phần của NGCP kể từ năm 2008. Một bản tin của báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hồi cuối năm ngoái tính rằng, về lý thuyết, Trung Quốc có thể cắt nguồn cung điện cho toàn bộ đất nước Philippines chỉ bằng một cú dập cầu dao và Philippines sẽ chìm trong bóng tối 24-48h tùy thuộc vào mức độ tác động để giành lại được quyền kiểm soát và khởi động lại mạng lưới điện.

Trong khi đó, China Telecom sở hữu 40% cổ phần của liên doanh viễn thông Dito Telecommunity. Nhiều chuyên gia và giới chức Philippines đã bày tỏ lo ngại về các rủi ro an ninh do China Telecom tham gia thị trường Philippines.

Ông Rosario cũng hối thúc chính phủ Philippines đưa vấn đề Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông ra Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ông Rosario và cựu Phó Chánh án Tòa Tối cao Antonio Carpio cho rằng, chỉ nỗ lực đa phương mới có thể gây sức ép buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, trong đó có phán quyết hồi tháng 7/2016 của Tòa trọng tài thường trực về bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc.

(theo Dân trí, Rappler)