Một số hoạt động bạo động, đốt phá đã nổ ra ở Pakistan sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị bắt. (Nguồn: AP) |
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Anh James Cleverly ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ: “Chúng tôi chỉ muốn đảm bảo rằng bất cứ điều gì diễn ra ở Pakistan đều phù hợp với pháp quyền, với hiến pháp”.
Về phần mình, ông James Cleverly lưu ý, Anh có “mối quan hệ thân thiết và lâu dài” với Pakistan - thành viên Khối thịnh vượng chung… Chúng tôi muốn thấy nền dân chủ hòa bình tại đây. Chúng tôi muốn thấy pháp quyền được tôn trọng".
Trước đó cùng ngày, đài truyền hình GEO (Pakistan) cho biết, ông Khan đã bị lực lượng bán quân sự thuộc Văn phòng Kiểm toán quốc gia (NAB) Pakistan bắt giữ ngay bên ngoài Tòa án thượng thẩm Islamabad liên quan đến một vụ án tham nhũng.
Ngay sau đó, những người ủng hộ chính trị gia này đã xuống đường biểu tình ở nhiều thành phố lớn trên cả nước như Islamabad, Karachi, Peshawar hay Lahore - quê nhà của nhà lãnh đạo đảng đối lập PTI và có hành động quá khích như chặn đường cao tốc, đốt lốp xe gây khói lớn.
Đụng độ đã nổ ra, cảnh sát được cho là đã sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông. Những người ủng hộ cũng phản đối động thái trên trước cửa tòa nhà Cao ủy của Pakistan tại London, Anh.
Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rana Sanaullah nói, vụ bắt giữ trên “tuân thủ các quy định của pháp luật”. Tối cùng ngày, Tòa án Tối cao Pakistan cũng ra phán quyết khẳng định, vụ bắt giữ là hợp hiến.
Tuy nhiên, đảng đối lập PTI và những người ủng hộ cho rằng, đây là hành động trái phép và các lực lượng bắt giữ đã có hành vi thô bạo với cựu Thủ tướng của đất nước Nam Á này.