Vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được thể hiện rõ trong Chỉ thị 45-CT/TW, ông có thể cho biết những kết quả nổi bật thời gian qua?
Chương trình hành động của Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) các nhiệm kỳ đã đề ra mục tiêu thông qua tuyên truyền, vận động, tập hợp để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh.
Về phương thức, MTTQVN phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện công tác NVNONN. Đó là, thông qua Chương trình phối hợp, thống nhất hành động hằng năm của Ủy ban Trung ương MTTQVN, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN và các tổ chức thành viên thống nhất xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung triển khai công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chương trình hành động, lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN tới cộng đồng NVNONN.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Phùng Khánh Tài trả lời phỏng vấn. (Ảnh: An Lê) |
Chúng tôi cũng tích cực phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN trong công tác NVNONN. Đó là phối hợp trong công tác tham mưu, nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NVNONN; phối hợp vận động kiều bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các phong trào thi đua yêu nước; phối hợp chia sẻ, trao đổi thông tin về tình hình cộng đồng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhằm đề xuất với Đảng, Nhà nước đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NVNONN; phối hợp đánh giá, đề xuất về tiêu chí lựa chọn người tiêu biểu tham gia Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQVN là NVNONN các khóa; phối hợp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động liên quan, khen thưởng NVNONN.
Về mặt nội dung, MTTQVN các cấp tham gia công tác vận động, tập hợp NVNONN qua công tác thông tin, tuyên truyền đến cộng đồng người Việt về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cộng đồng NVNONN với Đảng, Nhà nước. Việc quan tâm xây dựng các cơ chế, phương thức phù hợp để cập nhật tình hình, nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của NVNONN là nhiệm vụ quan trọng của MTTQVN.
Chúng tôi cũng tham gia xây dựng, tuyên truyền, phổ biến và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NVNONN; vận động NVNONN tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương đất nước; đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường về tổ chức bộ máy, lực lượng làm công tác vận động NVNONN.
Đặc biệt, chúng tôi tập hợp, đoàn kết người tiêu biểu ở nước ngoài vào Uỷ ban MTTQVN các cấp. Đây chính là lực lượng nòng cốt đại diện cộng đồng NVNONN để thường xuyên phản ánh, thông tin về tình hình hoạt động của các Hội NVNONN; thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước.
Đâu là những khó khăn và mặt còn hạn chế, thưa ông?
Có thể nói, hiện vẫn còn một bộ phận các cơ quan chức năng và nhân dân trong nước cho rằng, người Việt Nam khi đi ra nước ngoài thì là người nước ngoài, mọi quyền lợi, nghĩa vụ khi về nước đều phải đối xử như người nước ngoài. Do đó, nhiều nhận thức đã sai lệch, phân biệt đối với kiều bào, thậm chí có tâm lý nghi ngờ.
Mặt khác, công tác thông tin, tuyên truyền đối với NVNONN chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan làm công tác vận động, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài chưa chặt chẽ và đồng bộ cũng làm ảnh hưởng, hạn chế công tác vận động, tập hợp NVNONN của MTQT.
Vậy ông có thể chia sẻ những phương hướng triển khai công tác vận động, tập hợp đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới?
Từ thực tiễn công tác vận động, tập hợp NVNONN của MTTQVN trong thời gian qua có thể xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau.
Về nhiệm vụ, chúng tôi xác định được địa bàn trọng điểm, thông tin tình hình cộng đồng NVNONN để tham mưu phương thức, nội dung, hình thức vận động, tập hợp phù hợp kịp thời, hợp lý, đồng thời huy động nguồn lực toàn xã hội, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia công tác đối với NVNONN vì mục tiêu độc lập dân tộc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng. Mọi người Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, nguồn gốc xuất thân, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều có chỗ đứng trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Về giải pháp, thứ nhất, cần đổi mới nội dung, phương thức nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối với NVNONN, trong đó tập trung vào đổi mới và nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ và căn bản, tiến tới thống nhất trong nhận thức của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và toàn thể các tầng lớp nhân dân. Cần xóa bỏ tư duy cũ mặc cảm nặng nề về quá khứ lịch sử; định kiến về thành phần xã hội, phân biệt đối xử về địa vị xã hội, về dân tộc, về tôn giáo, về giàu nghèo và trình độ phát triển để hướng tới sự cởi mở, thông cảm, tôn trọng và sự tin cậy đối với kiều bào theo đúng tinh thần của Nghị quyết 36-NQ/TW “cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
Thứ hai, MTTQ thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NVNONN là cầu nối để tổ chức cho NVNONN tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước theo quy định; thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NVNONN; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tập hợp kiến nghị của NVNONN để phản ảnh với Đảng và Nhà nước; tổ chức, lôi cuốn người Việt Nam ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động và triển khai.
Thứ ba, MTTQVN phối hợp với các cơ quan hữu quan chú trọng nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền cho cộng đồng để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ hơn về đất nước cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; về quyền lợi và nghĩa vụ của mình; tuyên truyền, vận động NVNONN đoàn kết cộng đồng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tôn trọng pháp luật nước sở tại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát triển phong trào học tiếng Việt, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ủy ban Trung ương MTTQVN trao Bằng khen cho các tập thể bà con kiều bào. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thứ tư, MTTQVN phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhà nước về NVNONN tập trung củng cố các hội đoàn truyền thống, khuyến khích các hình thức tập hợp mới. Cần tổng kết đánh giá việc thí điểm công nhận và tạo điều kiện để các chi hội NVNONN tham gia là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam... để xây dựng cơ chế phù hợp, cụ thể trong triển khai thực hiện.
Thứ năm, MTTQVN tích cực tham gia hòa hợp dân tộc để xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trong công tác nghiên cứu, nắm tình hình, mở rộng phạm vi tiếp xúc, đẩy mạnh việc vận động, đấu tranh với các nhóm, cá nhân có tư tưởng thù địch, không vì lợi ích chung của dân tộc, thúc đẩy xu hướng hướng về quê hương đất nước, hỗ trợ các lực lượng tích cực trong cộng đồng. Tổ chức các đoàn công tác liên ngành do MTTQVN chủ trì tăng cường tiếp xúc, vận động những nhân vật có ảnh hưởng trên chính trường và trong cộng đồng, tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với một số tổ chức, cá nhân.
Thứ sáu, chúng tôi sẽ phát huy hơn nữa vai trò của các Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQVN là người Việt Nam ở nước ngoài, các cá nhân có uy tín, có ảnh hưởng trong cộng đồng, các doanh nhân, chuyên gia, trí thức tiêu biểu trong tập hợp, đoàn kết cộng đồng tại nước sở tại. Phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn Đối ngoại và Kiều bào trong việc tư vấn giúp Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN giám sát, phản biện chính sách và những nội dung có liên quan đến NVNONN; nghiên cứu, đề xuất ý kiến về các nội dung có liên quan đến công tác vận động, tập hợp NVNONN.
Ông có đánh giá gì về việc thường xuyên tổ chức cho người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến và tham gia vào các sự kiện chính trị - xã hội của đất nước?
Tôi khẳng định Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN đã và đang phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN triển khai rất tốt nội dung này.
Đáng chú ý là thời gian qua, hai bên đã phối hợp: tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đại diện người Việt Nam ở nước ngoài góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII...; tổ chức Diễn đàn “ Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2016-2020”; Tọa đàm “ Người Việt Nam ở nước ngoài với tâm huyết phát triển đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế”; Hội nghị lãnh đạo các tổ chức hội đoàn NVNONN... Các buổi hội nghị, tọa đàm, gặp gỡ trí thức, doanh nhân NVNONN, các thanh thiếu niên kiều bào... nhằm lắng nghe, chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm, phát huy tiềm năng trí tuệ của NVNONN đóng góp ý kiến và tham gia vào các sự kiện chính trị - xã hội của đất nước đã góp phần xây dựng đất nước thời kỳ hội nhập.
Ngoài ra, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQVN còn lựa chọn người Việt Nam tiêu biểu ở các khu vực trọng điểm, các nước có đông NVNONN tham gia Uỷ ban Trung ương MTTQVN các khóa (từ khóa V đến khóa IX đã có 75 người Việt Nam tiêu biểu tham gia Ủy ban Trung ương MTTQVN, hiện tại khóa IX là 16) và Ủy ban MTTQVN, cơ quan chấp hành của các tổ chức thành viên ở các cấp.
Xin cảm ơn ông!