📞

Đã đến lúc ASEAN tỏa sáng

18:00 | 16/12/2016
Bước vào năm thứ 2, AEC sẽ phát triển mạnh mẽ với những tiềm năng không thể phủ nhận trong bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều biến động.

Ông Anthony Couse, một CEO khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc tập đoàn JLL đã khẳng định như vậy trong một bài viết đăng trên The Nikkei Asian Review ngày 14/12. JLL là tập đoàn quản lý đầu tư và dịch vụ. JLL hoạt động tại 80 quốc gia với hơn 1.000 địa điểm trên toàn thế giới, với doanh thu hàng năm lên đến 5,4 tỷ USD.

Ông Anthony Couse, một CEO khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc tập đoàn JLL. (Nguồn: The Nikkei Asian Review)

Việt Nam – bước đà mới

Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, mô hình của một số thỏa thuận kinh tế đa phương như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nguy cơ sụp đổ. Thay vào đó, các quốc gia đang tạo động lực để thúc đẩy việc hiện thực hóa Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một thỏa thuận tự do thương mại bao gồm 10 nước thành viên ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Bộ trưởng Thương mại Indonesia đã kêu gọi kết thúc đàm phán RCEP vào năm 2017 để thúc đẩy vị thế của ASEAN.

Sau một năm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đi vào triển khai, thực hiện tham vọng hội nhập 10 nền kinh tế khu vực, các nền kinh tế ASEAN, với tổng dân số lên tới 622 triệu người, đã tiếp tục tăng trưởng bền vững khoảng 5% so với mức 3,52% của thế giới.

Một số quốc gia thành viên Hiệp hội như Malaysia, Singapore đã phải đối mặt với vấn đề tăng trưởng thấp, một số thành viên khác có mức tăng trưởng nhích lên không đáng kể. Trong khi đó, Việt Nam chứng kiến xu hướng hoàn toàn ngược lại khi có mức tăng trưởng mạnh mẽ như tăng trưởng GDP khoảng 6% trong năm nay, lĩnh vực bất động sản khởi sắc so với năm 2015, chứng minh là một nền kinh tế mạnh trong khu vực.

Các dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam đạt mức kỷ lục là 15 tỷ USD trong năm 2016. Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đạt 983 triệu USD trong 10 tháng đầu năm nay, nổi bật là đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh - Trung tâm kinh tế của đất nước. Các lĩnh vực bán lẻ và khách sạn cũng phát triển mạnh. Tháng 8 vừa qua, TP. Hồ Chí Minh chào đón cửa hàng bách hóa lớn nhất của Việt Nam có tên Takashimayam tại trung tâm Thành phố. Bên cạnh đó, các khu nghỉ dưỡng tích hợp tại Hội An cũng đang được xây dựng và dự kiến hoàn thiện vào năm 2019, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cũng sẽ có khách sạn 5 sao đầu tiên vào tháng 6/2017.

Mặc dù vậy, Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia trong khu vực vẫn không tránh khỏi các vấn đề về cơ sở hạ tầng.

Có thể nói rằng, một số những cải cách của chính phủ gần đây như các yêu cầu tài chính chặt chẽ hơn cho các nhà đầu tư bất động sản và việc nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài đã tạo điều kiện để các nước ASEAN trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) đang thay đổi từng ngày nhờ đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. (Nguồn: The Nikkei Asian Review)

Philippines - điểm đến hứa hẹn

Bên cạnh Việt Nam, các nhà đầu tư quốc tế cũng đang hướng tới thị trường Philippines. Cả hai nước đều có dân số đông và một nửa trong số đó ở độ tuổi dưới 40. Philippines cũng có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ở mức 6%/năm, tuy nhiên, vẫn bị ảnh hưởng nhất định từ những tác động địa chính trị trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Ngành gia công phần mềm tiếp tục khiến nhu cầu về bất động sản, trụ sở làm việc ở Philippines tăng cao. Số lượng các văn phòng cho thuê ở Philippines đã tăng đáng kể và giá thuê tăng 7,8% trong quý 3 năm 2016 so với cùng kỳ năm ngoái. Tầng lớp trung lưu Philippines ngày càng tăng, đồng nghĩa lĩnh vực bán lẻ cũng có cơ hội phát triển, tạo điều kiện cho các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế.

Mặc dù vậy, các nền kinh tế ASEAN vẫn gặp phải một số thách thức có thể được coi là thách thức truyền thống của Hiệp hội như sự chênh lệch trong khoảng cách phát triển cũng như sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ giữa các nước thành viên. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia như Lào, Campuchia, Myanmar còn hạn chế, quá trình thông qua chính sách ở nhiều quốc gia còn nhiều vấn đề. Những vấn đề này đã khiến quá trình hội nhập khu vực gặp phải không ít khó khăn.

Có thể nhận thấy rõ những thách thức đang tồn tại song vẫn có nhiều điều được mong chờ khi AEC bước vào năm thứ 2. Khu vực Đông Nam Á có những tiềm năng phát triển rất lớn, con người Đông Nam Á có một năng lượng tràn trề và sẵn sàng cho công cuộc phát triển. Các nhà lãnh đạo ASEAN cần phải nỗ lực hơn nữa để tìm ra cách sao cho AEC phù hợp với hoạt động thương mại quốc tế, vốn đang vô cùng phức tạp.

(theo The Nikkei Asian Review)