Tham gia buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Tiến sỹ Phạm S; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, cùng đại diện các sở, ngành và chính quyền nhiều huyện, thành trên địa bàn.
Đoàn Đại sứ châu Âu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, Đại sứ Vương quốc Hà Lan Nienke Trooster đã đề cập một số vấn đề như tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên giải quyết áp lực đặt ra do người dân phá rừng để sản xuất nông nghiệp như thế nào trong khi hầu hết người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên sống trong rừng? Chương trình phát triển Tây nguyên bền vững do Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) khởi xướng đã được thực hiện tại Lâm Đồng như thế nào? Việt Nam và tỉnh Lâm Đồng cần làm gì để giải quyết các vấn đề về phát triển bền vững?...
Đại sứ Thụy Sỹ Beatrice Maser đưa ra ý kiến về vấn đề định giá nước trong sản xuất nông nghiệp mà Việt Nam dự kiến áp dụng sau nhiều năm miễn phí nước tưới nông nghiệp; vấn đề về quản trị tài nguyên nước; hoặc những vấn đề Việt Nam và Lâm Đồng cần IDH hỗ trợ...
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đã giới thiệu với các Đại sứ về các mô hình thử nghiệm chính sách, tìm các nguồn lực hỗ trợ của Việt Nam. Thứ trưởng Thắng nói: "Từ năm 2010 đến nay, vùng Tây Nguyên Việt Nam đã bị mất 180.000 ha rừng. Nhiều khu vực ở Tây Nguyên hiện nay không còn rừng, nước thì cạn kiệt. Chính phủ Việt Nam đang triển khai rà soát toàn bộ các nguồn tài nguyên nước ở vùng hạn để có giải pháp quản lý.
Về những quy định định giá nước sẽ được nêu rõ tại Dự Luật tưới tiêu dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm nay. Nếu quản trị tốt nguồn nước thì quá trình xóa đói giảm nghèo cho người dân sẽ dễ dàng thực hiện – Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nói.
Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) phối hợp cùng chính phủ Việt Nam trong công tác phát triển vùng. (Nguồn: IDH) |
Tại Việt Nam, IDH đã chọn vùng Tây Nguyên để hỗ trợ từ năm 2015 và tỉnh Lâm Đồng là địa phương thí điểm. Hiện tại, Lâm Đồng đang triển khai các dự án cảnh quan cà phê bền vững (còn gọi là chương trình ISLA tỉnh Lâm Đồng).
Điểm nổi bật của chương trình này là các nội dung Hợp tác công – tư trong công nghệ thủy lợi và tưới tiết kiệm (thực hiện thí điểm tại huyện Đơn Dương); Nghiên cứu hóa chất nông nghiệp và thiết kế hệ thống kiểm soát, đào tạo nông dân… (thực hiện thí điểm tại thành phố Bảo Lộc).
Lâm Đồng hiện nay là điển hình tiêu biểu về bảo vệ rừng, quản trị tài nguyên nước và đưa giá trị sản xuất nông nghiệp tăng cao nhằm giảm áp lực tăng diện tích đất sản xuất.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Tiến sỹ Phạm S nhấn mạnh: Với diện tích rừng hiện nay còn 532.000 ha, trong đó có 162.000 ha rừng thông ba lá đặc dụng, Lâm Đồng đã làm tốt việc bảo vệ nguồn nước cho các lưu vực sông lớn. Trong đó, có sông Đồng Nai ảnh hưởng đến 12 tỉnh, thành phố phía Nam.
Với điều kiện sản xuất rải đều từ độ cao 200m – 1.600m so với mực nước biển, nền kinh tế nông – lâm nghiệp của Lâm Đồng rất đa dạng và phong phú. Hằng năm, Lâm Đồng luôn nghiên cứu, đưa vào trồng các loại giống cây lâm nghiệp mới có hiệu quả cao, đẩy nhanh tốc độ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Ngoài ra, Lâm Đồng còn chủ đồng phối hợp với 6 tỉnh xung quanh mình xây dựng quy chế bảo vệ rừng. Do đó, công tác quản trị nguồn nước, bảo vệ rừng tại Lâm Đồng được thực hiện tốt. Lâm Đồng cũng là tỉnh đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị, đồng thời giảm áp lực tăng diện tích đất sản xuất – ông S nhấn mạnh.
Đại sứ các quốc gia Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sỹ đánh giá cao những hoạt động của Lâm Đồng trong việc quản trị rừng, nguồn nước bền vững. Dự kiến IDH sẽ tiếp tục hỗ trợ Tây Nguyên và Lâm Đồng triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án hợp tác công tư trên diện rộng để hỗ trợ bảo vệ, quản trị rừng, nguồn nước bề vững; giúp nông dân phát triển kinh tế bằng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững.
Trong hai ngày 22 - 23/6, Đại sứ các quốc gia Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sỹ đi tìm hiểu thực tế từng vùng triển khai thực hiện các chương trình, dự án.