Trả lời phỏng vấn ngày 20/7 của Aljazeera (Qatar), Tổng thống Erdogan cũng bác bỏ những ý kiến cho rằng ông đang trở nên độc đoán và nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ đang bị đe dọa.
Ông khẳng định: "Chúng tôi vẫn sẽ duy trì chế độ dân chủ nghị viện và không bao giờ rời xa hệ thống đó".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: CNN) |
Ngày 20/7, kênh truyền hình NTV (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin trong quá trình điều tra tất cả thẩm phán quân sự cũng như các công tố viên được xem có liên quan đến vụ đảo chính xảy ra ngày 15/7, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ công tác 262 thẩm phán quân sự và công tố viên. Cùng ngày, một quan chức giấu tên của Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết chính quyền nước này đã đình chỉ công tác 900 cảnh sát ở thủ đô Ankara vì bị tình nghi có liên hệ với một phong trào Hồi giáo do giáo sĩ Fethullah Gulen. Như vậy, kể từ sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ công tác và bắt giữ khoảng 50.000 quân nhân, cảnh sát, thẩm phán, công chức và giáo viên trong các chiến dịch truy quét những đối tượng tình nghi. |
Cũng theo ông Erdogan, những vụ bắt giữ gần đây sẽ cung cấp cho giới chức Ankara nhiều cái tên trong những ngày tới. Ngoài ra, ông cho rằng sẽ là sai lầm lớn nếu Mỹ không cho dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ, bởi Ankara đang cung cấp cho Washington tất cả các bằng chứng.
Ngoài việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ công bố một loạt biện pháp khẩn cấp nhằm bình ổn đất nước và hạn chế những thiệt hại về kinh tế do hoạt động "làm trong sạch" bộ máy công quyền sau đảo chính, ngày 20/7, Tổng thống Erdogan cũng đã chủ trì một cuộc họp an ninh đầu tiên kể từ sau vụ đảo chính.
Lực lượng không quân nước này cũng đã tiến hành đợt không kích đầu tiên nhằm vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq, coi đây như hành động khẳng định chính quyền của ông Erdogan đã giành được quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các lực lượng vũ trang.
Cùng ngày, Tổng thống Erdogan đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng ở nước này, nhằm truy lùng những kẻ đứng sau âm mưu đảo chính bất thành vừa qua.
Một cuộc họp nội các Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: EPA) |
Phát biểu tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Ankara, ông Erdogan khẳng định tình trạng khẩn cấp là cần thiết "nhằm nhanh chóng loại bỏ những phần tử của tổ chức khủng bố có liên quan đến âm mưu đảo chính". Thổ Nhĩ Kỳ đang cáo buộc những người ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đứng sau cuộc đảo chính này. Thông báo trên được đưa ra sau cuộc họp kéo dài gần 5 giờ của Hội đồng An ninh Quốc gia do ông Erdogan chủ trì.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo này cũng cho rằng nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ, một ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu (EU), sẽ không bị tổn hại bất chấp lệnh tình trạng khẩn cấp. Lệnh này cho phép Tổng thống và Nội các thông qua những luật mới và hạn chế hay đình chỉ các quyền và quyền tự do khi được xem là cần thiết, mà không cần có sự chấp thuận của Quốc hội.
Ankara ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng sau cuộc đảo chính ngày 15/7. (Nguồn: CNN) |