📞

Đặc khu kinh tế nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

17:20 | 20/03/2014
Tại Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và Cơ hội đang diễn ra ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh sáng 20/3, ngay sau phiên khai mạc là phiên họp tổng thể về “Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”. Theo đó, việc xây dựng mô hình đặc khu kinh tế đã được thế giới thực hiện hơn 30 năm qua và tại Việt Nam mô hình này cũng đã được nghiên cứu, lựa chọn địa bàn để đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, vẫn cần có sự nhìn nhận đánh giá những kinh nghiệm, bài học thực tiễn để có thể xây dựng đặc khu kinh tế tại Việt Nam.
Giáo sư, Tiến sĩ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trả lời phỏng vấn báo chí.

Việt Nam cần có đặc khu kinh tế

Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, các khu kinh tế tự do (đặc khu kinh tế) trên thế giới là kết quả cụ thể của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Mục đích xây dựng các đặc khu kinh tế là nhằm thu hút các nguồn lực (công nghệ hiện đại, nguồn vốn, nhân tài, ý tưởng phát triển...) từ bên ngoài nhằm tạo ra những cực tăng trưởng, kích hoạt các vùng kinh tế, nền kinh tế phát triển. Đồng thời, đặc khu kinh tế cũng là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế mới trước khi trở thành thể chế, chính sách của cả nước. Tiền thân của mô hình đặc khu kinh tế là các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế tự do. Các mô hình này có lịch sử phát triển từ lâu với sự hình thành các "Cảng tự do" đầu tiên ở Italia vào năm 1547 và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào đầu thế kỷ 18. Mô hình "Cảng tự do" sau đó được mở rộng trên phạm vi một vùng lãnh thổ trở thành Khu mậu dịch tự do như Singapore (1819) và Hồng Kông (1842). Đến nay trên thế giới đã có hơn 3.500 khu kinh tế tự do tại 135 quốc gia.

Ở Việt Nam, năm 2002, mới xây dựng thí điểm mô hình khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) và đến nay đã có 18 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích khoảng 54.000 ha. Những khu kinh tế này đã đạt được các kết quả nhất định xét về các mặt thu hút đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết công việc làm ăn cho hàng vạn lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương... Tuy nhiên, thể chế ở các khu kinh tế này chỉ tập trung vào các ưu đãi về thuế, về tiền thu đất... nên không đủ sức cạnh tranh so với các khu kinh tế tự do trong khu vực và trên thế giới. Nghĩa là Việt Nam chưa có một đặc khu kinh tế nào đã được xây dựng theo đúng nghĩa của nó.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Ông Vương Đình Huệ chỉ rõ, Việt Nam là nước có lợi thế lớn về kinh tế biển, đảo với hơn 50 cảng biển, 40 vũng, vịnh, 3.000 hòn đảo lớn nhỏ; là một trong 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển (3.260 km). Vì thế, việc xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo các cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Kết luận số 74-KL/TW ngày 17/10/2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khoá XI) đã ghi rõ: "Sớm xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện một số đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt". Ba khu kinh tế tiêu biểu đầu tiên gồm Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đã được lựa chọn.

Kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Theo Giáo sư Đào Nhất Đào, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu đặc khu kinh tế Trung Quốc chia sẻ: “Đi trước thử trước” là chính sách đặc thù mà Trung Quốc dành cho các đặc khu kinh tế. Năm 1979, lần đầu tiên Trung Quốc đề xuất khái niệm đặc khu kinh tế và triển khai thực hiện với các biện pháp như: miễn giảm thuế quan, chính sách ưu đãi làm chiến lược, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút phương pháp quản lý khoa học kỹ thuật tiên tiến... Từ đó Trung Quốc có quy mô, tốc độ phát triển, chất lượng và năng lực sáng tạo công nghệ của đặc khu kinh tế được nâng cao rõ rệt. Cùng với đó là mức sống, chất lượng cuộc sống, cho đến môi trường sống của nhân dân cũng được cải thiện.

Nêu ví dụ về Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Giáo sư Đào Nhất Đào cho rằng, đây chính là một trong những điển hình thành công. Thâm Quyến đã đi đầu theo chính sách đặc biệt “đi trước thử trước” của Trung Quốc để từ một làng cá nhỏ trở thành một đô thị lớn quốc tế hóa. Thâm Quyến đã có những bước phát triển phi thường về kinh tế, GDP cũng từ 179 triệu tệ năm 1979 lên gần 1,45 nghìn tỉ tệ năm 2013, tạo nên “tốc độ Thâm Quyến”.

Giáo sư Đào Nhất Đào, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc trả lời phỏng vấn báo chí.

Chỉ ra rằng, trên thế giới đã có 50% các đặc khu kinh tế được thành lập vấp phải thất bại, ông Andrew Grant, Giám đốc hợp danh cao cấp, lãnh đạo toàn cầu Khối Khu vực công Tập đoàn Mc Kinsey Singapore nhấn mạnh để đi đến thành công cần thời gian dài như: Thâm Quyến cần đến 30 năm, Khu vực tự do Jebel Ali (Trung Đông) ra đời 1985... Các yếu tố tiên quyết để xây dựng các khu kinh tế này là: tiếp cận hiệu quả ra thị trường quốc tế qua hạ tầng giao thông vận tải, cạnh tranh bằng luật định, tiếp cận nhân tài. Theo đó các yếu tố tạo điều kiện gồm: hoạt động kinh tế là ưu tiên hàng đầu, Chính phủ cung cấp cơ sở hạ tầng cơ bản, nếu khu vực tư đứng ra cung cấp cơ sở hạ tầng thì hoạt động này sẽ được trợ cấp chéo, thu hút đầu tư là trách nhiệm của chủ đầu tư nhưng được cơ quan chức năng tạo điều kiện và hỗ trợ.

Cùng chung quan điểm đó, ông Parth Shri Tewari, chuyên gia Ngân hàng thế giới cho rằng, đặc khu kinh tế cần được khoanh vùng về mặt địa lý, có cơ chế đặc thù để có thể thu hút các nhà đầu tư vào khu vực này, cần kết hợp cả cấp độ quốc gia, chiến lược của tỉnh, tạo ra được nhiều việc làm và thu hút được nhiều đầu tư. Vì vậy muốn xây dựng thành công đặc khu kinh tế cần mời những nhà đầu tư tham gia vào đặc khu trước sau đó bắt tay vào việc thiết kế tổng thể.

Điều kiện cần cho đặc khu kinh tế.

Ông Vương Đình Huệ khẳng định, muốn xây dựng thành công đặc khu kinh tế, Việt Nam cần sớm xây dựng, thông qua Luật về đặc khu kinh tế (hoặc Luật về đặc khu hành chính - kinh tế) đã có trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá XIII. Xác định được những vị trí có lợi thế địa kinh tế thuận lợi nhất để xây dựng các đặc khu kinh tế. Tìm kiếm, vận động các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có ảnh hưởng và sức mạnh tài chính, công nghệ. Xây dựng, ban hành các thể chế hành chính và kinh tế của các đặc khu kinh tế cần phải hiện đại, mang tầm quốc tế, có sức cạnh tranh vượt trội với các đặc khu khác đã hình thành trên thế giới. Và cuối cùng những cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài nước ngoài phải được xem trọng.

Theo giáo sư Đào Nhất Đào, ý tưởng xây dựng đặc khu kinh tế tại Vân Đồn sẽ thành công bởi Vân Đồn và Việt Nam có các điểm tương đồng với Thâm Quyến và Trung Quốc. Để thành công, bà Đào chỉ ra ba vấn đề cần làm: xây dựng cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu; cần có giải pháp thu hút du khách nước ngoài vì đây phải là khu du lịch quốc tế và cuối cùng là bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực.

Ông Parth Shri Tewari, chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Hội thảo.
Trong khi đó, ông Andrew Grant đã đưa ra 11 khuyến nghị mang tính chiến thuật dành riêng cho Quảng Ninh để thu hút đầu tư. Đó là: nhận diện các nhà đầu tư ưu tiên cho các ngành quan trọng, các dự án mục tiêu và tìm hiểu nhu cầu của họ; cung cấp danh sách cập nhật các dự án ưu tiên; hồ sơ đầu tư đơn giản, rõ ràng; giảm thời gian xử lý và phê duyệt; hỗ trợ nhà đầu tư đi thực địa theo yêu cầu; hỗ trợ nhà đầu tư khi triển khai; xây dựng và duy trì mối quan hệ với nhà đầu tư; xây dựng thương hiệu và đề xuất giá trị rõ ràng cho Quảng Ninh; tính minh bạch và định hướng chính sách trong dài hạn; xử lý những vướng mắc lớn cản trở đầu tư; hoạt động hiệu quả Cơ quan Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA).

Chốt lại những điều kiện cần và đủ cho đặc khu kinh tế Vân Đồn, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định, điều quan trọng nhất phải từ thể chế, thể chế mới có thể tạo được những đột phá cho đặc khu kinh tế.

Với Thâm Quyến, 35 năm xây dựng đặc khu kinh tế đã tạo nên 4 kỳ tích. Một là tìm ra hình mẫu xây dựng một thể chế mới kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, Thâm Quyến đã xây dựng được thị trường trong nước và mở cửa thị trường nước ngoài xây dựng khu chế xuất, cảng biển, lấy cải cách thúc đẩy mở cửa. Hai là nơi kiểm chứng sự thành công của con đường mới thực hiện hiện đại hóa, trên nguyên tắc tuân thủ mục tiêu, chấp nhận quy tắc thông hành kinh tế thị trường, không phủ định thông lệ quốc tế, mở cửa các biên giới. Ba là dám đi trước, tạo tinh thần mới, thúc đẩy cuộc cách mạng đổi mới quan niệm của hàng tỷ người dân Trung Quốc. Với những cơ chế hoàn toàn mới này, trong bối cảnh rất nhiều ý kiến, quan niệm trái chiều khác nhau, Thâm Quyến đã được Quốc vụ Viện Trung Quốc trao “thượng phương bảo kiếm” đó là nếu sai lầm Quốc vụ viện sẽ chịu trách nhiệm. Bốn là, bằng thành tựu phát triển của Thâm Quyến ngày nay đã chứng minh tự do phát triển con người là động lực phát triển xã hội, động lực thực hiện giấc mơ Trung Quốc.

Tuấn Anh