Ngày 6/4, Đặc phái viên của Mỹ về Iran Robert Malley đã “bất ngờ” hiện diện tại Vienna (Áo), trong lúc phái đoàn của Iran và các nước E3+2 (Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga) đang nhóm họp tại đây. Ẩn ý sau nước đi này là gì?
Đặc phái viên của Mỹ về Iran Robert Malley bất ngờ có mặt cùng lúc với phái đoàn Iran và các nước E3+2 tại Vienna, Áo. (Nguồn: AFP) |
Cờ bí…
Không khó để nhận ra rằng động thái này thể hiện mong muốn của Mỹ về đối thoại với Iran. Trả lời câu hỏi của phóng viên ngày 6/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, tuy luôn “cởi mở” với ý tưởng đàm phán trực tiếp với Iran, song Washington vẫn “thoải mái” với cách làm “gián tiếp” như mong muốn của Tehran.
Theo ông, sự có mặt của Đặc phái viên Robert Malley tại Vienna, dù chưa có kế hoạch gặp mặt trực tiếp phái đoàn Iran, sẽ giúp tạo hiệu ứng “tương tác thời gian thực” cho các trao đổi gián tiếp với Iran thông qua đồng minh châu Âu và Trung Quốc, Nga.
Mỹ không kỳ vọng tạo ra “bước đột phá ngay lập tức” cho bế tắc hiện nay và vì thế, mục đích của phái đoàn Mỹ trong chuyến công tác tới Vienna là có cái nhìn rõ nét hơn về một lộ trình khả quan, hướng tới mục tiêu cuối cùng là cả Mỹ và Iran “cùng tuân thủ” những gì đã cam kết.
Giới quan sát cho rằng nỗ lực vãn hồi JCPOA có ý nghĩa quan trọng với cá nhân Tổng thống Biden cũng như đội ngũ an ninh-đối ngoại, khi nhiều người đã tham gia sâu vào quá trình đàm phán và coi JCPOA là di sản đối ngoại “để đời” của những tháng ngày phụng sự đất nước thời ông Obama.
Tuy nhiên, gần ba tháng sau lễ nhậm chức, Tổng thống Biden vẫn chưa có được một bước tiến, dù nhỏ, để thực hiện lời hứa đưa ra trong chiến dịch tranh cử vào mùa Thu năm trước, là đưa nước Mỹ quay trở lại JCPOA.
Theo giới quan sát, khác với sự quyết liệt khi thực hiện lời hứa đưa nước Mỹ trở lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, thế khó với ông với JCPOA nằm ở chính sự bất cập về nội dung của thỏa thuận này với Mỹ và đồng minh.
Chính sách của ông Donald Trump đã làm lộ rõ bất cập trong cách tiếp cận của ông Barack Obama với Iran, cụ thể nhất là JCPOA, văn bản mà ông Trump từng gọi là “thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử”.
Khác với sự quyết liệt khi thực hiện lời hứa đưa nước Mỹ trở lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, thế khó với ông với JCPOA nằm ở chính sự bất cập về nội dung của thỏa thuận này với Mỹ và đồng minh. |
Dư luận Mỹ cho rằng bất cập thứ nhất của Thỏa thuận là chỉ mới tập trung vào chương trình hạt nhân của Iran, mà chưa đụng đến các vấn đề khác như chương trình tên lửa đạn đạo, những hành vi tài trợ khủng bố hay hoạt động ngầm của Iran làm xáo trộn an ninh và ổn định khu vực.
Bất cập thứ hai là những điều khoản đạt được trong Thỏa thuận liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran chưa đủ mạnh, chẳng những không triệt tiêu được nguy cơ sở hữu vũ khí hạt nhân của Iran, mà còn tạo điều kiện cho nước này phát triển năng lực hạt nhân lớn hơn.
Luồng quan điểm này được đẩy lên cao dưới thời người tiền nhiệm và đã tạo thành sức ép nội bộ lớn đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden.
Ngày 9/3/2021, hơn 140 nghị sỹ lưỡng đảng tại Hạ viện đã đồng ký gửi một lá thư tới ông chủ Nhà Trắng, kêu gọi Washington hướng đến một thỏa thuận toàn diện, không chỉ giải quyết các vấn đề liên quan đến các chương trình hạt nhân của Iran mà còn phải bao gồm những vấn đề an ninh khu vực.
Phải đi từng bước
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, nhất quán với chủ trương đề cao công cụ ngoại giao, coi trọng vai trò của đồng minh, đối tác, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã từng bước thực hiện cách tiếp cận “ngoại giao có nguyên tắc”.
Thông qua việc tham vấn, trao đổi với các “cổ đông” liên quan cả trong và ngoài nước, Washington một mặt muốn vận động sự ủng hộ của nội bộ, mặt khác tìm kiếm và tranh thủ sự hỗ trợ của đồng minh, đối tác.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đứng trước áp lực tìm kiếm một thỏa thuận JCPOA toàn diện hơn với Iran. (Nguồn: Reuters) |
Ở trong nước, chính quyền Tổng thống Joe Biden duy trì kênh trao đổi thông tin và tham vấn chặt chẽ với Quốc hội, làm rõ từng động thái nhỏ trong quá trình xử lý vấn đề.
Điều trần tại Quốc hội vào tháng trước, Ngoại trưởng Antony Blinken đã đưa ra cam kết sẽ tham vấn chính thức với lưỡng viện trước khi có quyết định gỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Iran.
Đồng thời, để giải tỏa chỉ trích từ nội bộ về những bất cập của JCPOA, chính quyền Tổng thống Biden nhất quán phát đi thông điệp về quyết tâm theo đuổi một thỏa thuận toàn diện, “mạnh hơn và lâu dài hơn” với Iran, được xây dựng dựa trên những điều khoản cốt lõi của Thỏa thuận hiện nay.
Với bên ngoài, chính quyền Tổng thống Joe Biden coi trọng và kiên trì trao đổi, tham vấn chặt chẽ với đồng minh và đối tác, trong đó, nhóm E3 (Anh, Pháp và Đức) giữ vai trò nòng cốt. Đặc biệt, trong các tiếp xúc với đồng minh châu Âu, dù trực tuyến hay trực tiếp, Ngoại trưởng Mỹ Blinken luôn thể hiện coi trọng và họp riêng với nhóm E3 để thảo luận những vấn đề về Iran, cũng như biện pháp tăng cường hợp tác để đối phó với hành vi gây bất ổn khu vực của nước này.
Với Trung Quốc và Nga, dù cạnh tranh chiến lược tiếp tục diễn ra gay gắt, song chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng thường xuyên khẳng định mong muốn tìm kiếm cơ hội cộng tác từ hai nước này trong giải quyết vấn đề Iran.
Thông qua việc tham vấn, trao đổi với các “cổ đông” liên quan cả trong và ngoài nước, Washington một mặt muốn vận động sự ủng hộ của nội bộ, mặt khác tìm kiếm và tranh thủ sự hỗ trợ của đồng minh, đối tác. |
Sự linh hoạt, khéo léo của Mỹ về Iran được thể hiện qua ba động thái sau.
Đầu tiên, ngay khi có tin Iran “chốt” cử phái đoàn gặp trực tiếp chuyên gia của nhóm E3+2 (Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga) tại Vienna vào ngày 6/4, Washington đã nhanh chóng cử Đặc phái viên về Iran Robert Malley tới và “nhờ cậy” hỗ trợ của E3+2 để có các tương tác ban đầu, dù là gián tiếp, với Iran.
Thứ hai, chính quyền của ông Joe Biden cũng khéo léo tìm cách giải bài toán “con gà và quả trứng”.
Trước đây, cả Mỹ và Iran đều đưa ra lập trường cứng rắn yêu cầu bên kia phải nhượng bộ trước khi ngồi lại đàm phán.
Cụ thể, Mỹ đưa ra điều kiện tiên quyết yêu cầu Iran phải tuân thủ trở lại cam kết theo JCPOA rồi mới tính việc dỡ “một vài” lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Iran muốn Mỹ phải dỡ bỏ “tất cả” các lệnh trừng phạt nhắm vào Tehran trước khi có bước đi tương xứng.
Tại “đàm phán gián tiếp” lần này, phía Mỹ đã đề xuất cách làm song song, tiến hành họp đồng thời hai nhóm chuyên gia riêng biệt, một về “chương trình hạt nhân của Iran” và một về “các lệnh trừng phạt của Mỹ”.
Với cách làm này, hai vấn đề sẽ cùng lúc được thảo luận, không tạo ấn tượng bên nào phải nhượng bộ trước mà vẫn mang lại hiệu ứng tích cực, cho thấy thiện chí của cả hai bên.
Thứ ba, trong cuộc họp báo ngày 6/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Mỹ để ngỏ khả năng dỡ bỏ các trừng phạt không nằm trong khuôn khổ JCPOA. Đây rõ ràng là bước đi tích cực từ phía Mỹ.
Nhìn chung, các bên tại Vienna đều không quá kỳ vọng vào khả năng tạo đột phá từ các trao đổi lần này, song việc Mỹ và Iran bắt đầu “đàm phán gián tiếp” vẫn được dư luận khu vực và quốc tế đánh giá cao.
Cho tới nay, phản ứng từ nội bộ Mỹ, Iran và các nước liên quan là tương đối tích cực, tạo bầu không khí thuận lợi để các bên sớm trở lại bàn đàm phán trực tiếp, phá vỡ bế tắc hiện nay.