📞

Đặc sắc ẩm thực đường phố Hà Nội

Kha Ninh 17:14 | 20/08/2024
Baoquocte.vn. Với bí quyết gia truyền tạo nên hương vị thơm ngon, hấp dẫn, các món ăn đường phố đặc trưng của Thủ đô Hà Nội luôn khiến thực khách nhớ mãi không quên.

Hà Nội 36 phố phường với những nét văn hoá ẩm thực lâu đời chưa bao giờ khiến thực khách gần xa thất vọng.

Trải qua nhiều năm tháng, những món ăn Hà Nội vẫn mang đậm hương vị xưa. Đa dạng, độc đáo cùng hương vị hấp dẫn, ẩm thực đường phố tạo nên nét đặc biệt trong văn hóa ẩm thực của Hà thành. Nhiều món được các chuyên gia ẩm thực đánh giá cao, thực khách bình chọn ngon nhất thế giới.

Ngoài sự hấp dẫn, các món ăn đặc trưng của Thủ đô còn tạo nên sự gắn kết giữa mọi người, giúp họ thưởng thức hương vị phong phú của ẩm thực Việt Nam khi hòa mình vào bầu không khí sôi động của đường phố Hà Nội.

Bún riêu

Món bún riêu được ăn kèm rau sống gồm xà lách thái nhỏ, vài loại rau thơm, hoa chuối... (Nguồn: Dân trí)

Trong một tập phim tài liệu về Hà Nội do kênh truyền hình CNN (Mỹ) thực hiện, món bún riêu cua được miêu tả như một sự tinh túy của ẩm thực Á Đông. Bún riêu cũng từng được chuyên trang Traveller của Australia vinh danh trong top 21 món ăn ngon nhất thế giới. Kết quả này dựa trên bình chọn của thực khách, du khách toàn cầu.

Bún riêu có nguồn gốc từ miền Bắc với cách chế biến khá cầu kỳ, phù hợp với tính cách tinh tế của người dân nơi đây.

Bát bún ngon có sự góp mặt của bún trắng, gạch cua nâu hồng, cà chua đỏ, hành lá xanh, chút mắm tôm cho dậy mùi, hành phi thơm, thêm đậu rán vàng, miếng giò tai rồi ăn kèm với các loại rau sống như: kinh giới, xà lách, rau mùi hay đọt chuối non… khi ăn vắt thêm chút chanh, ớt, dậy mùi hấp dẫn vô cùng.

Thành phần quan trọng để làm nên một tô bún riêu ngon đúng điệu chính là phải chọn được loại cua đồng nhỏ, thịt vàng. Những con cua để nấu bún còn sống, tươi ngon chứa đựng vị ngọt đậm đặc trưng, được làm sạch, xé bỏ các phần tanh bẩn, đem giã nhuyễn. Sau đó, cua được lọc lấy nước đun nhỏ lửa để thịt cua đóng thành bánh thật chắc nổi trên mặt nước. Gạch cua để riêng còn phần nước trong sẽ là phần nước dùng để chan bún.

Trong tiết Thu Đông Hà Nội pha chút lành lạnh, sẽ không còn gì tuyệt vời hơn khi được thưởng thức tô bún riêu nóng hổi, mang đậm vị phố phường Hà Nội.

Phở

Phở gà truyền thống Hà Nội không sử dụng quế, hồi mà chỉ có hành, gừng nướng cùng rễ mùi, rễ hành tạo phong vị nhẹ thanh riêng. (Nguồn: VNE)

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa tri thức dân gian phở Hà Nội vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ lâu, phở đã được xem là linh hồn của ẩm thực Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Không chỉ là món ăn truyền thống, phở còn mang trong mình nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội với bí quyết gia truyền, tạo nên hương vị thơm ngon, hấp dẫn.

Nhiều sử liệu ghi chép lại món phở tại Hà Nội được ra đời vào đầu thế kỷ XX. Phở vốn là một loại quà rong, được gánh đi rong và rao bán khắp phố phường Hà thành.

Mặc dù nhiều địa phương trong cả nước có món phở, nhưng phở gắn bó lâu đời với cuộc sống người dân Hà Nội, trở thành thức quà phổ biến. Chính nhu cầu thưởng thức thường xuyên món phở của người dân Thủ đô lại tác động đến kỹ thuật nấu nướng của các chủ quán, khiến phở Hà Nội ngon hơn, đặc trưng hơn.

Những thương hiệu phở gia truyền (có hơn 2 đời làm) thường chỉ chuyên với phở bò và phở gà. Nước phở thơm ngọt được hầm từ xương. Bánh phở trắng, mềm, cộng thêm hương vị của thịt gà hay bò, cùng một số gia vị như: chanh, ớt, hành tây, hồ tiêu… vừa đậm đà vừa đặc sắc.

Món phở cũng thể hiện sự tinh tế của người Hà thành không chỉ trong nấu nướng mà còn trong thưởng thức. Các chuyên gia ẩm thực, nhà nghiên cứu và cả giới nhà văn, nhà thơ đều thừa nhận rằng: Phở là một thứ quà đặc biệt của Thủ đô, không phải chỉ riêng nơi đây mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon.

Bún chả

Bún chả trở thành món ngon nổi tiếng khắp thế giới. (Nguồn: Vietnamnet)

Bún chả là món ăn của Việt Nam, bao gồm bún, chả thịt lợn nướng trên than hoa và bát nước mắm chua cay mặn ngọt, ăn kèm rau sống. Món ăn xuất xứ từ miền Bắc, hiện diện từ lâu ở Thủ đô nên có thể coi đây là một trong những đặc sản đặc trưng của ẩm thực Hà thành. Bún chả có nét tương tự món bún thịt nướng ở miền Trung và miền Nam, nhưng nước mắm pha có vị thanh nhẹ hơn.

Bát bún chả thường có cùng một lúc chả viên và chả miếng. Tuy nhiên, tùy theo sở thích ăn uống mà có khi thực khách chỉ chọn một trong hai loại trên. Chả được nướng thơm lừng, béo ngậy, ăn kèm với bún mềm, các loại rau sống như xà lách, mùi, tía tô, bạc hà… cùng nước chấm đậm đà (hay thường gọi là nước mắm) tạo nên sự hòa quyện giữa kết cấu và hương vị khiến thực khách càng thèm ăn thêm.

Bún chả là món ăn mang lại niềm vui thực sự cho cả người dân địa phương và du khách quốc tế đang tìm kiếm một trải nghiệm ẩm thực Việt Nam đích thực.

Ốc luộc

Bát ốc sau khi được chế biến nóng hổi, tỏa ra mùi thơm hấp dẫn. (Nguồn: Vinwonders)

Ốc là món ăn phổ biến ở Hà Nội từ lâu lắm rồi. Hè ăn ngon mát mà mùa Đông ăn lại càng thích vì ấm sực trong lòng. Món ốc luộc được xem là một lựa chọn tuyệt vời cho hành trình khám phá ẩm thực Thủ đô.

Ốc Hà Nội đúng kiểu là loại ốc vặn hay ốc mít luộc, nhể ốc bằng gai bưởi hoặc miếng sắt tây cắt vát. Hương vị đặc trưng của khay ốc hấp và mùi sả, lá chanh kết hợp với nước mắm đậm đà tạo nên sức hút đặc biệt, làm tăng thêm niềm vui khi thưởng thức trong những cuộc trò chuyện vui vẻ.

Bánh mì

Bánh mì chả nóng rất nổi tiếng và quen thuộc với người dân Thủ đô. (Nguồn: Giò chả Long Đỉnh)

Chúng ta dễ dàng bắt gặp những cửa hàng bánh mì trên đường phố Hà Nội. Là món ăn quen thuộc, bánh mì hiện đa dạng hơn xưa rất nhiều, tùy vào nguyên liệu thành phần bên trong mà bánh mì có nhiều tên gọi khác nhau: bánh mì kẹp thịt, chả, trứng, patê…

Tuy được kết hợp độc đáo giữa phương Đông với phương Tây, bánh mì Hà Nội vẫn sở hữu những nét riêng với nguyên liệu địa phương đa dạng: Một chút rau thơm, một vài miếng dưa chuột kèm theo nước sốt chua ngon, cùng với thịt, xúc xích, nem khoai hay thịt xiên, trứng… tùy thuộc vào yêu cầu của thực khách.

Những chiếc bánh mì trước khi đến tay thực khách đều được làm nóng, giúp lưu giữ trọn hương vị hấp dẫn với đủ vị giòn tan của bánh cộng thêm vị đậm đà của nguyên liệu bên trong. Tất cả làm nên chiếc bánh mì thơm ngon, cuốn hút.

Trải qua nhiều năm tháng, những món ăn Hà Nội vẫn mang đậm hương vị xưa đặc trưng.

Bánh đúc nóng

Bánh đúc nóng Hà Nội có hương vị rất riêng, làm cho người dùng nhớ mãi không quên. (Nguồn: VTC news)

Bánh đúc nóng là một trong số những món ngon Hà Nội được nhiều người yêu thích. Thông thường, bánh được làm từ bột gạo, khuấy cùng nước vôi trong. Sau khi bánh nguội, người dùng sẽ cắt từng miếng có dạng hình vuông, chấm với tương Bần. Lúc này, mùi lạc béo béo bùi bùi ẩn trong từng miếng bánh dẻo dai, thấm vị tương đậm đà.

Tuy nhiên, dưới sự sáng tạo của người dân Thủ đô, món bánh đúc được biến tấu thành bánh đúc nóng vô cùng hấp dẫn.

Món bánh đúc nóng được nấu từ bột gạo và nước vôi trong với phần bánh mềm mịn. Để giúp bánh đúc nóng thơm ngon hơn, người bán sẽ thêm thịt nạc xay nhỏ xào với mộc nhĩ, rắc thêm mùi, rau thơm, hành phi hòa cùng nước mắm chua ngọt, tạo thành một hương vị ngọt ngào tự nhiên.

Bún ốc

Bún ốc luôn là món ăn ưa thích của du khách mỗi khi đến Thủ đô. (Nguồn: Dân Việt)

Bún ốc có nguồn gốc từ khá lâu. Trải qua bao năm, bún ốc cũng vì thế mà có nhiều thay đổi, nhiều cách chế biến khác nhau, nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng Hà Nội. Sở dĩ bún ốc mang đậm hương vị truyền thống, nét đặc trưng của người Thủ đô bởi các nguyên liệu đều có ở mảnh đất này.

Nói đến bún ốc, người ta nhắc ngay đến bún ốc Hà Nội. Từ vị chua thanh của giấm bỗng, một chút cay của ớt hòa quyện thêm vị bùi của những con ốc, hành lá thái nhỏ cho đến vị thơm ngọt của cà chua, đậu phụ. Ăn kèm bún ốc còn có rau thơm, giá, tía tô tạo nên hương vị thơm ngon, đậm đà.

Ngoài món bún ốc nóng hổi, Hà Nội còn nổi tiếng với món bún ốc nguội. Đa số thực khách thích ăn bún ốc nguội vào mùa Hè, bởi hương vị thanh mát, nhẹ nhàng, không chứa dầu mỡ.

Để có những bát bún ốc nguội ngon, người bán thường phải ra các chợ chọn những mẻ ốc vặn, ốc mít không nhớt, không tanh. Sau đó, họ đem ốc về ngâm và xát cho sạch. Khâu này cần làm kỹ vì nước dùng lấy từ chính nước luộc ốc.

Ốc luộc vừa đủ để thịt vẫn được tươi, và vị phai ra nước. Nước luộc ốc sẽ được đun thành canh để thực khách thưởng thức. Nước dùng chính là nước luộc hoà cùng giấm bỗng, gia giảm sao cho vừa miệng. Bún ăn cùng bún ốc nguội phải là bún đồng xu, còn gọi là bún hến, bún vẩy ốc. Chuẩn vị nhất là bún của làng Phú Đô.

Điểm làm nên hương vị đặc trưng cho nước dùng là giấm bỗng từ nếp cái hoa vàng. Giấm bỗng có nơi tự ủ nên vị sẽ khác nhau. Dù ăn được cay hay không thì thực khách cũng nên cho một chút ớt chưng để bát bún ốc nguội của thêm màu sắc đậm đà, vị cay làm bật vị thanh chua, thơm dịu trong nước dùng.

Chỉ với những nguyên liệu giản đơn, người Hà Nội xưa đã tạo ra món ăn thu hút rất nhiều thực khách.