📞

Đặc xá - Chính sách nhân văn, nhân đạo vì quyền con người

Thiếu tướng Trần Văn Thiện (*) 09:15 | 21/09/2024
Ngày đặc xá năm 2024 đang tới gần, dự kiến sẽ có hàng nghìn phạm nhân được hưởng niềm vui sớm trở về đoàn với gia đình, cộng đồng xã hội, sẵn sàng cho cơ hội làm lại cuộc đời.

Những con người từng một thời lầm đường, lạc lối, một lần nữa được trao cho cơ hội để sửa sai, tiếp tục được hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ với tư cách của một công dân. Đó chính là giá trị nhân văn, nhân đạo lớn nhất mà đặc xá mang lại cho những người phạm tội khi họ thực sự ăn năn, hối cải, tích cực lao động, cải tạo tiến bộ và quyết tâm hướng thiện, hoàn lương làm lại cuộc đời.

Toàn cảnh họp báo công bố Quyết định đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (Nguồn: VGP)

1. Kết quả của các đợt đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước những năm qua đã được Nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao, khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, kể cả những người đang chấp hành án phạt tù. Bên cạnh những giá trị cốt lõi mang tính nhân văn, nhân đạo, công tác đặc xá đã mang lại ý nghĩa tích cực trên nhiều phương diện của đời sống xã hội.

Về mặt xã hội, đặc xá đối với các phạm nhân có đủ điều kiện theo quy định có tác dụng khuyến khích những người bị kết án phạt tù đang chấp hành bản án tích cực học tập, lao động, chấp hành tốt các quy định, nội quy trại giam, lập công chuộc tội để mong được hưởng khoan hồng, sớm trở về đoàn tụ với gia đình và cộng đồng. Công tác đặc xá cũng góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Về kinh tế, việc đặc xá tha tù trước thời hạn góp phần giảm chi ngân sách nhà nước, giảm áp lực cho các trại giam, tạo điều kiện cho các trại giam nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng giáo dục cải tạo phạm nhân, chuẩn bị các cơ sở cần thiết cho phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng khi mãn hạn tù.

Về chính trị, việc công khai, dân chủ trong thực hiện các trình tự thủ tục xét đặc xá, việc thông tin đầy đủ cho các cơ quan thông tấn báo chí trong nước, quốc tế và tổ chức các đoàn cơ quan đại diện nước ngoài, phóng viên trong và ngoài nước tới các cơ sở giam giữ đã thể hiện rõ tính minh bạch trong thông tin, đồng thời giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ và thừa nhận chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, phần quan trọng đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, bôi nhọ, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Từ năm 2009 đến nay, Chủ tịch nước đã quyết định thực hiện 9 đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho trên 92.000 phạm nhân. Để người được đặc xá trở về sớm hoà nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội, các địa phương tiếp nhận người được đặc xá đã chủ động có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ sinh kế (vay vốn, tạo việc làm…).

Trong những năm qua, đa số người được đặc xá trở về nơi cư trú, làm ăn lương thiện, ổn định cuộc sống. Nhiều người trong số họ đã trở thành doanh nhân thành đạt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, được xã hội đánh giá cao. Tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội rất thấp, lần đặc xá gần đây nhất năm 2022, tính đến nay mới có 2 người trong tổng số 2.438 người được đặc xá tái phạm tội, chiếm tỷ lệ 0,08%.

Kết quả của công tác đặc xá những năm qua khẳng định những thành tựu đổi mới khá toàn diện, sâu sắc trong công tác thi hành án phạt tù, nhất là trong đổi mới việc giáo dục, cải tạo phạm nhân và Chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta không chỉ dừng lại ở việc đặc xá tha tù trước thời hạn mà còn được thể hiện trong việc tạo điều kiện để những người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2024 đã làm Trưởng đoàn liên ngành đi kiểm tra công tác đặc xá năm 2024 tại trại giam Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phúc. (Nguồn: BNG)

Để đạt được mục đích là giáo dục, cải tạo, đưa người được đặc xá trở lại cộng đồng và có cơ hội phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội và không tái phạm, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và mọi người dân cần tiếp tục quan tâm, theo dõi, động viên, tạo điều kiện giúp đỡ họ trở về hòa nhập cộng đồng. Gần đây nhất, ngày 7/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 76/CĐ-TTg yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp với MTTQ, các cơ quan, tổ chức kinh tế, đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng.

Tiếp tục theo dõi, quản lý, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Đối với những người được đặc xá có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì vận động các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội quan tâm giúp đỡ họ vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…

Các địa phương trên cả nước hiện đang duy trì hoạt động 355 mô hình tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng dưới nhiều hình thức khác nhau như: mô hình quĩ hỗ trợ, giúp đỡ vay vốn, tạo việc làm cho người có quá khứ lầm lỗi; mô hình tham gia quản lý, giáo dục người có quá khứ lầm lỗi; mô hình các câu lạc bộ; mô hình phát huy vai trò của người có uy tín tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi…

Tiêu biểu như Mô hình “Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự” của tỉnh Đồng Nai, đã huy động được trên 33 tỷ đồng nguồn vốn từ các doanh nghiệp cho trên 1.200 lượt người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá vay vốn; Mô hình “Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng” của tỉnh Đồng Tháp, đã giải ngân được trên 22 tỷ đồng cho gần 800 trường hợp người có quá khứ phạm tội vay vốn, tạo việc làm, phát triển sản xuất; Mô hình “Phiên chợ của tình người” do Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Sở Lao động - Thương binh, Xã hội tỉnh, đã tổ chức 06 phiên giao dịch việc làm cho gần 200 người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá được tư vấn, giới thiệu việc làm và tìm được việc làm phù hợp với điều kiện, khả năng của bản thân...

Hoạt động có hiệu quả của các mô hình trên thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc tự giác, tích cực của các ban, ngành đoàn thể, cộng đồng xã hội trong công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.

Trước đó, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTD ngày 17/8/2023 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù nhằm tạo điều kiện giúp những người lầm lỗi có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đây là cơ chế tín dụng đầu tiên dành riêng cho 02 nhóm đối tượng được vay vốn gồm: người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 6.000 người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá nhận được vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền trên 500 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Các phạm nhân cải tạo tốt đã được Chủ tịch nước đặc xá trong các dịp trước đây. (Nguồn: CAND)

2. Mọi công tác chuẩn bị cho đặc xá theo Quyết định số 758/2024/QĐ-CTN về đặc xá năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945- 2/9/2024) và 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) của Chủ tịch nước ban hành ngày ngày 30/7/2024 vừa qua, đang được triển khai tích cực, công khai, minh bạch tại các cơ sở giam giữ trên toàn quốc.

Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024 được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; niêm yết công khai tại các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự, Công an cấp huyện; phổ biến tới tất cả cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ thi hành án và thông báo cho các phạm nhân.

Các cơ sở giam giữ tổ chức cho phạm nhân có đủ điều kiện viết đơn đề nghị đặc xá và bản cam kết; tổ chức họp tổ, đội phạm nhân để bình xét, bỏ phiếu giới thiệu phạm nhân đủ điều kiện; Hội đồng của các trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập danh sách, hồ sơ người đủ điều kiện đề nghị đặc xá gửi các Tổ thẩm định liên ngành của Hội đồng tư vấn tiếp tục kiểm tra, thẩm định.

Các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh căn cứ kết quả thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách và chuyển về Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá để tổng hợp và chuyển danh sách cho các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá thẩm tra.

Sau khi có kết quả thẩm tra của các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá, Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá tổng hợp lập các danh sách để Hội đồng tư vấn đặc xá xét duyệt, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Đồng thời, danh sách phạm nhân đủ điều kiện được được các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện niêm yết công khai tại các buồng giam, nhà thăm gặp để mọi phạm nhân và thân nhân gia đình phạm nhân biết và đối chiếu.

Có thể khẳng định, việc xét đề nghị đặc xá cho phạm nhân được tiến hành theo quy trình hết sức chặt chẽ, công khai, dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, điều kiện theo quy định. Hồ sơ đề nghị đặc xá được kiểm tra, thẩm định qua nhiều cấp với sự tham gia của nhiều cơ quan ban, ngành chức năng và đặc biệt là sự giám sát của các tổ chức xã hội và Nhân dân.

Ngày 18/9, Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2024 họp xét duyệt danh sách đề nghị Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân đủ điều kiện đặc xá nhân dịp 79 năm Quốc khánh và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2024, nhấn mạnh, nhân đạo và khoan hồng đối với người phạm tội là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Pháp luật nước ta vừa thể hiện tính nghiêm minh đối với người phạm tội, kiên quyết trừng trị nghiêm khắc các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố chống đối, tái phạm nguy hiểm. Đồng thời luôn khoan hồng, tha thứ đối với người phạm tội thành khẩn, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải và tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ sửa chữa sai lầm, trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội.

Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024 một lần nữa khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người một cách công bằng, bình đẳng đối với mỗi công dân, kể cả những người đang chấp hành án phạt tù. Điều này đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống các văn bản pháp lý như Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật Thi hành tam giam, tạm giữ năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019…

Các quyền cơ bản của phạm nhân đều được bảo đảm như quyền được ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế, nhận quà hay bưu phẩm, gặp thân nhân, tiếp xúc lãnh sự, người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự…, giúp họ yên tâm cải tạo, tu dưỡng đạo đức và đặc xá chính là sự động viên cao nhất nếu họ cải tạo tốt, thực sự hướng thiện, hoàn lương.

Thực tiễn cho thấy các quy định của pháp luật đã bảo đảm đầy đủ các quyền con người, không phân biệt là người nước ngoài hay công dân Việt Nam. Đó là minh chứng sắc bén để phản bác lại các luận điệu, thông tin sai sự thật của những cá nhân, tổ chức có ý đồ xấu, cố tình xuyên tạc về tình hình bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

Bên cạnh đó việc xem xét, đề nghị đặc xá cho những phạm nhân có quốc tịch nước ngoài trên cơ sở công bằng, minh bạch cũng giúp cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn về chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.

Dự kiến trong đợt đặc xá năm 2024 sẽ có hàng nghìn phạm nhân được hưởng niềm vui sớm trở về đoàn với gia đình, cộng đồng xã hội, sẵn sàng cho cơ hội làm lại cuộc đời. Những con người từng một thời lầm đường, lạc lối một lần nữa được trao cho cơ hội để sửa sai, tiếp tục được tận hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ với tư cách của một công dân.

(*) Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an