Chiều 21/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. |
Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động kéo dài, cần phải có dự án luật về phòng chống dịch. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến hành lang pháp luật về hội nhập vì nhiệm kỳ vừa qua Việt Nam tham gia nhiều hiệp định quan trọng về thương mại và đầu tư.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh chóng, nguy hiểm và diễn biến phức tạp, khó lường, khó có thể nói dịch sẽ sớm chấm dứt ở Việt Nam cũng như toàn cầu. “Tuy nhiên, theo tìm hiểu, cho đến nay Quốc hội chưa có bất kì một văn bản chính thức nào về phòng chống dịch”, đại biểu nói.
Đại biểu bày tỏ mong muốn Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản quy định cụ thể về vấn đề phòng chống đại dịch Covid-19, qua đó thể hiện quyết tâm của Quốc hội trong công cuộc chống dịch ở Việt Nam; hoặc đưa vào Chương trình những Luật có liên quan đến vấn đề phòng chống dịch bệnh như Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân và Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm …
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) nhấn mạnh yêu cầu phải đưa vào chương trình Luật khám chữa bệnh sửa đổi, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khiến hình thức khám chữa bệnh từ xa phổ biến hơn. “Vì chưa có luật điều chỉnh nên khó giải quyết nhiều vấn đề, ví dụ như việc khám bệnh, kê đơn thuốc từ xa thì phải chịu trách nhiệm như thế nào?”, đại biểu nói.
Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hoà) cũng nhấn mạnh công tác xây dựng luật cũng nên đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nên xem xét sớm Luật về phòng bệnh và nâng cao sức khoẻ người dân, Luật về tình trạng khẩn cấp.
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện công tác xây dựng, điều chỉnh luật chỉ tập trung nhiều vào các luật về “nội địa”. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và Bộ Tư pháp quan tâm đến hành lang pháp luật về hội nhập vì nhiệm kỳ thời gian vừa qua Việt Nam đã tham gia một số hiệp định quan trọng về thương mại - đầu tư như CPTPP, EVFTA, RCEP…
Đại biểu đề nghị bổ sung 2 đạo luật vào chương trình lập pháp 2022, sửa đổi Luật trọng tài thương mại từ năm 2010 đã có nhiều lạc hậu và nâng cấp Nghị định hoà giải thương mại lên thành luật.
Cho ý kiến cụ thể về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), chỉ ra rằng, dự án Luật này cần tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa kịp thời những vấn đề được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Trung ương sau khi tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp một cách thận trọng, kỹ lưỡng trong quá trình soạn thảo để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang), bày tỏ sự tán thành cao việc đưa dự án Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đây là dự án Luật quan trọng, cần nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng. Vì vậy, thống nhất xem xét thông qua tại ba kỳ họp.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) phát biểu. |
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị không bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội; không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình những dự án chưa bảo đảm chất lượng, không bảo đảm hồ sơ theo quy định. Không lạm dụng hình thức văn bản nghị quyết để sửa luật. Việc đề xuất xây dựng một luật sửa nhiều luật phải được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế để thúc đẩy sự phát triển nhưng không tạo ra những khó khăn phức tạp mới trong hệ thống pháp luật và trong quá trình thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) đề xuất chú trọng nâng cao kỹ năng xây dựng luật… cho đại biểu, nhất là đại biểu trúng cử lần đầu, nâng cao hơn nữa kỹ năng phản biện chính sách của các đại biểu, cần coi trọng lấy ý kiến của các hiệp hội, người dân từ đó có sự phân tích, tiếp thu, cần thiết thì phải lập nhóm chuyên gia, có sự đầu tư nguồn lực khi xây dựng các dự án luật.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) khẳng định công tác lập pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Quốc hội và vẫn còn nhiều tồn tại bên cạnh những thành quả. Công tác lập pháp nên dành thời gian thảo luận nhiều hơn ở kỳ họp tới, cần đầu tư nguồn lực cho công tác này.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, việc thông qua một dự án luật trong 2 kỳ họp hay 3 kỳ họp thì phụ thuộc nhiều vào chất lượng chuẩn bị hồ sơ Dự án luật. Do đó, nếu khả năng chuẩn bị Dự án luật tốt, khẩn trương thì có thể đẩy nhanh hơn tiến trình thông qua luật, đảm bảo luật có hiệu quả đưa và đưa vào thực tiễn một cách sớm nhất.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. |
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cho biết việc chuẩn bị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là sự tiếp nối nhất quán của Chính phủ cũ và mới. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, sẽ có một số dự án luật được Chính phủ tiếp tục bổ sung vào chương trình, riêng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ đưa dự án luật này vào chương trình là sự cố gắng rất lớn.
Về phòng chống Covid-19, Chính phủ và các bộ, ngành đang làm hết sức, một số việc cần xử lý trong thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ đã sẵn sàng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội một số luật liên quan đến phòng chống Covid-19, thúc đẩy sản xuất-kinh doanh.
Kết luận một số nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sau thời gian thảo luận khẩn trương, sôi nổi, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Đồng thời, các đại biểu cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực, đề xuất thêm nhiều biện pháp để tiếp tục đổi mới phương pháp xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ xây dựng các dự án luật, pháp lệnh trong thời gian tới.
| Bốn nội dung trong ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV Thứ Tư, ngày 21/7, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc ... |
| Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 21/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn ... |