Hơn 11% dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh đói kém trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khiến thực trạng vốn đang diễn biến xấu qua từng năm này trở nên tồi tệ hơn trong năm 2020. (Nguồn: News247plus) |
Đây là nội dung chính của báo cáo thường niên "Thực trạng An ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới" của Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 14/7.
Các nền kinh tế thế giới trì trệ và thảm họa thiên nhiên gia tăng khiến ngày càng nhiều người rơi vào tình trạng đói kém, trong khi thực phẩm dinh dưỡng vẫn quá đắt đỏ đối với nhiều người trên thế giới. Thực trạng này không chỉ khiến tình trạng thiếu ăn thêm nghiêm trọng mà còn làm gia tăng tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành và trẻ nhỏ do các chế độ ăn mất cân bằng dinh dưỡng.
Báo cáo của LHQ chỉ ra sau nhiều thập kỷ liên tục giảm, số người đói kém trên thế giới bắt đầu có xu hướng tăng từ năm 2014. Nghiên cứu chỉ ra con người không chỉ cần đủ thực phẩm mà còn cần thực phẩm đủ dinh dưỡng, dẫn chứng những hậu quả nghiêm trọng về y tế và môi trường do chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng gây ra.
Năm 2019, gần 690 triệu người, tương đương 8,9% dân số thế giới, ở trong tình trạng đói kém, tăng thêm 10 triệu người chỉ trong vòng một năm và thêm 60 triệu người trong 5 năm qua. Nếu xu hướng này tiếp diễn, thế giới sẽ không thể đạt mục tiêu xóa bỏ đói nghèo vào năm 2030 được đặt ra cách đây 5 năm.
Báo cáo của LHQ ước tính vào năm 2030, hơn 890 triệu người chịu ảnh hưởng của tình trạng đói kém, tương đương 9,8% dân số toàn cầu.
Kết quả tổng hợp số người mất an ninh lương thực cả ở mức trung bình và nghiêm trọng trong năm 2019 cho thấy con số này tăng từ 690 triệu lên 2 tỷ người "không được tiếp cận thường xuyên những nguồn thực phẩm an toàn, dinh dưỡng và đầy đủ.
Đại dịch Covid-19, vốn tác động mạnh tại những quốc gia có tỷ lệ nghèo đói cao, có thể khiến thế giới có thêm 83 triệu đến 132 triệu người rơi vào cảnh thiếu ăn trong năm 2020. Ngay từ khi đại dịch chưa xảy ra, tình trạng đói kém trên toàn cầu đã diễn biến xấu.
Khoảng 25% dân số châu Phi có thể rơi vào cảnh đói kém vào năm 2030, cao hơn nhiều so với mức 19,1% hiện tại, một tỷ lệ vốn đã cao gấp đôi trung bình toàn cầu.
Tại châu Á, số người đói kém giảm khoảng 8 triệu người từ năm 2015, nhưng châu lục này vẫn là nơi tập trung hơn 50% tổng số người suy dinh dưỡng của toàn thế giới.
Các xu hướng tại khu vực Mỹ Latinh và Caribbe cũng xấu đi. So với năm 2015, số người đói kém ở khu vực này trong năm 2019 đã tăng thêm 9 triệu người
Báo cáo chỉ ra nguyên nhân chính khiến hàng triệu người trên thế giới rơi vào cảnh nghèo đói, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng là vì người dân không đủ tiền chi trả cho những bữa ăn lành mạnh.
Ở hầu hết các khu vực trên thế giới, tình trạng béo phì ở người trưởng thành có xu hướng nghiêm trọng hơn, với khoảng 3 triệu người không đủ tiền để đảm bảo các chế độ ăn lành mạnh gồm hoa quả, rau củ và thức ăn giàu protein. Hơn 57% dân số ở miền Nam sa mạc Sahara, châu Phi và Nam Á không đủ tiền để theo các chế độ ăn lành mạnh.
Tại những quốc gia thu nhập thấp, người dân phụ thuộc vào những loại thực phẩm giàu tinh bột như các loại ngũ cốc và củ, có giá thành chỉ bằng 60% những thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng lại không đủ những loại protein và các vitamin cũng như khoáng chất quan trọng để tăng sức đề kháng.
Đặc biệt, báo cáo chỉ ra 21,3% trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới, tương đương 144 triệu trẻ, chậm tăng trưởng vì thiếu dinh dưỡng, hầu hết ở châu Phi và châu Á. Có 6,9% trẻ trong nhóm này suy nhược cơ thể vì mất cân bằng dinh dưỡng và 5,6% mắc chứng thừa cân. Trong nhóm trẻ thừa cân, có 45% là trẻ châu Á, 24% là trẻ châu Phi.
Những thói quen tiêu thụ thực phẩm hiện tại được cho là sẽ khiến thế giới phải chi trả khoảng 1.300 tỷ USD chi phí y tế vào năm 2030. Và việc áp dụng các chế độ ăn lành mạnh hơn có thể giúp giảm tới 97% chi phí này. Báo cáo dẫn chứng thế giới có thể chỉ cần phải chi chưa đến 100 triệu USD cho chi phí y tế nếu áp dụng chế độ ăn chay. Ngoài ra, các chi phí liên quan tới khí thải gây hiệu ứng nhà kính do hệ thống sản xuất thực phẩm hiện nay gây ra cũng có thể giảm nếu con người lựa chọn những chế độ ăn khác.
Báo cáo kêu gọi thế giới cần khẩn cấp tái cân bằng các chính sách nông nghiệp và các biện pháp kích thích bởi giá thành các thực phẩm lành mạnh hoàn toàn có thể giảm nếu điều chỉnh các yếu tố như đa dạng hóa thực phẩm và chính sách dự trữ lương thực vốn đang thiên về dự trữ ngũ cốc.
Báo cáo do các cơ quan gồm Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Chương trình lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp thực hiện.