Bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện thường trú kiêm Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. (Ảnh: Phương Trang) |
Bên lề Hội thảo quốc tế tham vấn về dự thảo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra ngày 22/10, bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện thường trú kiêm Trưởng phòng Quản trị và tham gia, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, đã bày tỏ sự ghi nhận, ủng hộ nỗ lực thực hiện và thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam.
Bà đánh giá như thế nào về việc Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế tham vấn dự thảo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện UPR chu kỳ III?
UNDP hoan nghênh sáng kiến của Việt Nam khi đã và đang triển khai các bước để hoàn thành Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện UPR chu kỳ III để gửi lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Điều này thể hiện một ý chí, cam kết chính trị đối với Hội đồng Nhân quyền nói riêng và với tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh là Liên hợp quốc nói riêng.
Chúng tôi cũng rất hoan nghênh hội thảo tham vấn hôm nay. Hội thảo thể hiện mong muốn tăng cường chất lượng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện UPR chu kỳ III của Việt Nam. Đồng thời cho thấy Việt Nam tự nguyện mong muốn đạt được những bước tiến thực chất trong thực hiện và thúc đẩy nhân quyền ở trong nước, và thực sự triển khai hành động để tăng cường việc thực hiện quyền con người trong một số lĩnh vực.
Đại dịch Covid-19 trong hai năm qua đã tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thụ hưởng quyền con người của người dân. Vậy việc thực hiện và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao trong bối cảnh dịch bệnh?
Rõ ràng đại dịch Covid-19 đã làm chậm lại nhiều tiến trình của Việt Nam, đặc biệt là trong việc xoá đói giảm nghèo, thu hẹp bất bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số… Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh vực trên, tuy nhiên đại dịch lại làm cho các tiến bộ đó bị chững lại.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn tiếp tục cam kết để có thể đạt được những bước tiến xa hơn trong việc thực hiện quyền con người trong những lĩnh vực trên. Cùng với sự nỗ lực phòng chống, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, chúng tôi thấy Việt Nam đã có những kết quả đặc biệt nổi bật trong việc thúc đẩy những quyền về kinh tế xã hội.
Bên cạnh những nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật quốc gia về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam còn tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Bà nghĩ sao về điều này?
Việc tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người đã thể hiện nỗ lực, ý chí, và sự nghiêm túc của Việt Nam muốn thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế.
Tôi đặc biệt đánh giá cao mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao của Việt Nam. Hiện Việt Nam đang là nước thu nhập trung bình và tôi thấy sự quyết tâm cao độ, khát khao của Việt Nam thể hiện qua việc cải thiện khuôn khổ pháp luật cũng như tư pháp để đạt được tiến độ phát triển kinh tế ngang với những nước phát triển.
Bên cạnh đó, UNDP cũng hoan nghênh các bước tiến của Việt Nam nhằm hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật quốc gia về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Đây là những bước tiến quan trọng giúp cải thiện về khuôn khổ pháp luật, đồng thời đưa Việt Nam đến gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Và bằng chứng rõ ràng nhất là việc thực hiện các khuyến nghị UPR Việt Nam chấp thuận mà chúng ta đang thảo luận ở đây.
Hội thảo quốc tế tham vấn dự thảo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện UPR chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 22/10. (Ảnh: Thu Trang) |
Trong các khuyến nghị UPR chu kỳ III, bà thấy lĩnh vực nào Việt Nam thực hiện tốt nhất?
Trong các khuyến nghị UPR chu kỳ III, một số lĩnh vực Việt Nam đã thực hiện và có đạt được sự tiến bộ đáng kể như tôi đã đề cập ở trên, đó là bảo trợ xã hội, xoá đói giảm nghèo và bình đẳng giới. Đó là những lĩnh vực mà Việt Nam thực hiện rất tốt và so sánh với các nước trong khu vực thì Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh vực này.
Quyền tiếp cận thông tin, tự do Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng, cũng là một trong những lĩnh vực Việt Nam làm khá tốt vì tôi không thấy bất kỳ một sự hạn chế nào trong việc tiếp cận Internet. Tuy nhiên, riêng đối với người nước ngoài ở Việt Nam thì vẫn còn ít những trang web, cổng thông tin và có cả ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh để họ có thể tiếp cận thông tin. Vì vậy, cần bổ sung nhiều nền tảng mở để mọi người có thể tiếp cận thông tin dễ dàng hơn.
Việt Nam đang tham gia ứng cử vào vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Theo bà, Việt Nam có nhiều khả năng trúng cử vào vị trí này không?
Như những điều tôi đã chia sẻ, Việt Nam đã và đang có những bước tiến tốt trong việc thực hiện và thúc đẩy quyền con người, đây là cơ sở vững chắc để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền, và là lợi thế trong quá trình vận động.
Thứ nhất, Việt Nam đã tự nguyện làm Báo cáo giữa kỳ thực hiện UPR chu kỳ III. Đây là một quyết định đúng đắn, phản ánh những cam kết, nỗ lực nhất quán của Việt Nam để tiếp tục ổn định kinh tế-xã hội, bảo đảm quyền con người.
Thứ hai là các cam kết của Việt Nam trong các lĩnh vực cụ thể như xoá đói giảm nghèo, bình đẳng giới… và việc phê chuẩn các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Tất cả những điều này đều là các bước đi đúng hướng để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Cá nhân tôi cho rằng Việt Nam có nhiều khả năng trúng cử thành viên của Hội đồng Nhân quyền. Và tôi cũng mong muốn điều này trở thành sự thực để Việt Nam có thể sẽ vận động cho các chương trình nghị sự nhân quyền của thế giới.
Xin cảm ơn bà!
Việt Nam đang tham gia ứng cử vào vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. (Nguồn: TTXVN) |