Cách đây 79 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. (Ảnh: Quang Hòa) |
Phát minh vĩ đại của loài người
Tư tưởng “quyền con người” là một phát minh vĩ đại của loài người. Chúng ta phải ghi ơn những nhà tư tưởng đã đúc kết những thành quả đấu tranh của cả nhân loại cho quyền con người thành chân lý mà mọi dân tộc kể cả tại những quốc gia tự coi là cái nôi của các quyền con người vẫn đang tiếp tục đấu tranh để chân lý này được tỏa sáng thực sự, trở thành những nguyên tắc được áp dụng đối với từng cá nhân.
Nhiều tác phẩm văn học được viết ra ở những Thế kỷ Ánh sáng đã đề cập chủ nghĩa nhân văn và thân phận con người. Một trong những bộ sách tiêu biểu là tác phẩm “cuộc đời của Gargantua và của Pantagruel” (La vie de Gargantua et de Pantagruel) do nhà văn nhà người Pháp François Rabelais sáng tác hồi đầu thế kỷ XVI.
Khi nền kinh tế thị trường trở thành phương thức sản xuất thay thế phương thức sản xuất tự cung tự cấp, giai cấp tư sản đã sử dụng quyền con người làm phương tiện đấu tranh, tuyên truyền nhằm giành quyền lãnh đạo xã hội từ giai cấp quý tộc và tầng lớp tăng lữ.
Tiêu ngữ của nước Pháp “tự do bình đẳng bác ái” và câu mở đầu Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" chính là những khẩu hiệu được giai cấp tư sản sử dụng nhằm tập hợp đại đa số dân chúng thuộc “đẳng cấp thứ ba”.
Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên phân biệt tính phổ quát và tính đặc thù của quyền con người và nhận thức rằng đấu tranh giành độc lập dân tộc gắn liền với các quyền con người. Bản Yêu sách 8 điểm gửi đến Hội nghị Hòa bình Versailles và các tác phẩm: “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Người cùng khổ”, “Đường Cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, trước hết đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân An Nam, tố cáo tội ác của thực dân Pháp, vạch ra con đường cách mạng cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa hai tư tưởng này của thời đại.
Trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những câu văn bất hủ kể trên trích từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp và bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ.
Khi trả lời các nhà báo nước ngoài vào đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một cách giản dị, súc tích, đúc kết thành chân lý :"Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Nói rộng ra, đây chính là hai vế của các quyền con người: Độc lập dân tộc gắn liền với các quyền thiêng liêng bất cả xâm phạm cần được thực hiện đầu tiên cho từng người dân.
Sau những thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và những năm xây dựng đất nước, nhất là 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã giành và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và thực hiện được ham muốn tột bậc của Bác Hồ đối với mỗi người dân: “Cơm no, áo ấm, học hành”.
Việt Nam đã giành và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và thực hiện được ham muốn tột bậc của Bác Hồ đối với mỗi người dân: “Cơm no, áo ấm, học hành”. (Nguồn: TTXVN) |
Đổi mới trong thông tin đối ngoại về quyền con người
Thông tin đối ngoại từ khi đất nước giành được độc lập cho đến nay đã đảm đương và thực hiện tốt vai trò của mình về quyền con người.
Thành tựu nổi bật nhất là việc thông tin, tuyên truyền, thuyết phục quốc tế về quan điểm, đường lối chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về quyền con người, quá trình đổi mới về mối quan hệ chặt chẽ giữa đảm bảo độc lập dân tộc, an ninh quốc gia và thực hiện các quyền con người, cũng như nội dung các quyền con người.
Tiếp đến, thông tin về quyền con người đã được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của công tác thông tin đối ngoại cùng với các bộ, ban, ngành được giao phó công tác này là Bộ Ngoại giao, Bộ Công An. Những thành tựu đạt được qua các thời kỳ trong việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam đã được phân tích, đánh giá nghiêm túc, được quán triệt trong nước và thông tin đến các tổ chức quốc tế, cũng như công luận và chính giới các nước.
Những vấn đề cần suy nghĩ và thống nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện và kỷ nguyên kỹ thuật số, thông tin đối ngoại về quyền con người cần được đổi mới và sáng tạo như thế nào cả về nội dung và phương thức?
Quyền con người trước tiên là “cơm no, áo ấm, học hành” cho mọi người dân. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”. Trong Di chúc của Người, Bác Hồ đã căn dặn: Sau kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng “đất nước đàng hoàn hơn, to đẹp hơn".
Những lời giáo huấn này của Người bao hàm những quan điểm và ý tưởng sâu sắc, rộng lớn hơn cả về nội dung và phương thức thông tin đối ngoại về quyền con người trong thời bình, nhất là trong hoàn cảnh quốc gia và quốc tế hiện nay.
Đoàn Việt Nam và Hoa Kỳ tại Đối thoại Nhân quyền lần thứ 27. (Ảnh: Bảo Chi) |
Bên cạnh những phương thức thông tin truyền thống đã được đổi mới, chúng tôi xin gợi ý thêm một số việc nên làm: Đó là tiến hành nghiên cứu sâu rộng về quyền con người hiện nay trong quan hệ quốc tế, nhất là những biểu hiện mới về quyền con người và cách thức thông tin, tuyên truyền của những quốc gia gần với Việt Nam; xây dựng khung lý thuyết cho thông tin đối ngoại nói chung và về quyền con người nói riêng; áp dụng công nghệ số trong thông tin đối ngoại về quyền con người; tổ chức diễn đàn về quyền con người trên phương tiện truyền thông đại chúng; vận động học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài, thậm chí có quan điểm không hẳn trùng khớp với ta về quyền con người viết về quyền con người ở Việt Nam; lựa chọn người có kiến thức sâu rộng về quyền con người, am hiểu truyền thông quốc tế làm công tác thông tin đối ngoại.
Những thành tựu đạt được về thông tin đối ngoại nói chung và về thông tin đối ngoài về quyền con người ở Việt Nam nói riêng trong 40 năm qua là đáng tự hào và trên thực tế đã được ghi nhận trong các tổ chức quốc tế chuyên môn về nhân quyền cũng như trong công luận.
Điều cần suy nghĩ là chúng ta chưa theo kịp, hay nói theo cách khác là “chưa đi trước đón đầu” về những quan niệm mới, nội dung mới đối với quyền con người hiện đại.
Trên thực tế, nhận thức, nội dung, cũng như phương thức tiếp cận quyền con người trong quan hệ quốc tế và trong nhiều nước đã thay đổi sâu rộng, liên tục theo chiều hướng mở rộng nội dung quyền con người và lấy việc thực hiện và thúc đẩy quyền con người là một tiêu chí trong thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương cũng như trong nhìn nhận vị thế của một quốc gia trong cộng đồng quốc tế.
Đối thoại về quyền con người mà Việt Nam đang tiến hành định kỳ với một số nước và tổ chức quốc tế là một minh chứng. Nhiều cán bộ vẫn nhìn nhận quyền con người là lĩnh vực nhạy cảm, ngại nói, ngại thông tin về quyền con người. Bước đột phá tiếp theo có lẽ là phải đổi mới thực sự trong tư tưởng và nhận thức về quyền con người, tiếp đến là đổi mới trong thông tin đối ngoại nói chung và về quyền con người nói riêng.
Tiếp nối của các nỗ lực truyền thông về quyền con người trong thời gian qua cũng như góp phần tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2024), Báo Thế giới và Việt Nam (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ tổ chức Hội thảo “Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới” vào ngày 19/12 tại Hà Nội. Hội thảo nhằm tạo một diễn đàn kết nối đại diện các đơn vị, cơ quan báo chí, nhà nghiên cứu, học giả trực tiếp tham gia vào công tác thông tin đối ngoại về quyền con người, mở ra không gian trao đổi chính sách và học thuật, gợi mở nhiều phương pháp mới, hiệu quả trong triển khai công tác thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới, trong bối cảnh mới, khi đất nước sắp bước vào kỷ nguyên vươn mình. |
| Quyền dân tộc và quyền con người trong Tuyên ngôn Độc lập Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám - 1945 là giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân ... |
| Kết quả thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới Có thể khẳng định rằng những kết quả, thành tựu to lớn trên lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người mà ... |
| Bồi dưỡng nâng cao kiến thức về thông tin đối ngoại và kỹ năng truyền thông trong kỷ nguyên mới Từ ngày 11-12/12, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ ... |
| Giá trị thời đại của Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 Quyền con người, quyền công dân được xác định là vấn đề trọng tâm trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về ... |
| Thông tin đối ngoại và bảo vệ quyền con người: Kết hợp hài hòa giữa ‘xây’ và ‘chống’ Tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, ... |