📞

Đại học Anh quốc Việt Nam đầu tiên

13:32 | 05/10/2009
SV Việt Nam đã quen thuộc với việc “du học tại chỗ” theo kiểu học 2 năm ở Việt Nam, 2 năm ở nước ngoài và lấy bằng quốc tế. Tuy nhiên, bây giờ SV không cần học 2 năm ở nước ngoài nữa mà vẫn có bằng đạt chuẩn quốc tế bởi sự có mặt của ĐH Anh quốc Việt Nam. Nhân chuyến làm việc của ông Peter Ingham - Cố vấn đào tạo/giảng viên chính của trường ĐH Staffordshire và là cố vấn đào tạo cho ĐH Anh quốc Việt Nam, TG&VN đã có cuộc trò chuyện với ông.
Ông Peter Ingham

Được biết trường ĐH Anh quốc Việt Nam đào tạo các ngành Quản trị kinh doanh quốc tế, Tài chính kế toán (do ĐH Staffordshire cấp bằng) và Tài chính ngân hàng (do ĐH London cấp bằng). Điều gì khiến trường có lựa chọn này?

 

Chúng tôi có nghiên cứu về các ngành nghề đào tạo tại Việt Nam và nhận thấy chúng tôi còn có nhiều cơ hội để phát triển ngành nghề này tại đây.

 

ĐH Anh quốc Việt Nam có khởi đầu là một tòa nhà ở trung tâm thành phố Hà Nội, mà chưa có đầy đủ cơ sở về khuôn viên, không gian, cây xanh, thảm cỏ… vốn những gì mà người Việt Nam được biết khi nói về các trường ĐH tại Anh quốc. E rằng trường sẽ phải chịu sự cạnh tranh rất nhiều?

 

Những ai có nhận xét như vậy quả là rất tinh ý. Lộ trình xây dựng ĐH Anh quốc Việt Nam có 4 giai đoạn: Xây dựng trung tâm tại Hà Nội; Xây dựng trung tâm tại TP. HCM, Xây dựng khuôn viên ĐH tại ngoại thành Hà Nội và Xây dựng khuôn viên ĐH tại TP. HCM.

 

Chúng tôi cũng đã xác định khó khăn là thời gian đầu sẽ không có nhiều học viên. Khi chất lượng được khẳng định, số lượng học viên sẽ tăng lên. Còn nói về mô  hình với trung tâm học tập trước, rồi mới đến khuôn viên ĐH, tôi cho rằng đây không phải là một sự khác biệt. Bởi chính ĐH Staffordshire cũng đã hợp tác với các đối tác tại Thượng Hải, Bắc Kinh, lúc ban đầu, họ cũng chỉ có một tòa nhà trung tâm, thậm chí còn không đẹp bằng tòa nhà của ĐH Anh quốc Việt Nam. Chỉ sau 2 năm, họ đã có một khuôn viên ĐH rộng đẹp. Tôi cho đây là sự phát triển về mô hình rất bình thường về mặt thương mại của các trường ĐH.

 

Vậy theo ông, ưu thế nổi bật của ĐH Anh quốc Việt Nam là gì?

 

Tôi cho rằng ưu thế về chi phí và chất lượng học tập mới là điểm nổi bật của ĐH Anh quốc. Và điều này có thể cạnh tranh với du học tại chỗ ở Việt Nam. Chi phí học tập chỉ bằng 1/3 – ½ khi SV theo học tại Anh. Quan trọng là việc hòa nhập với môi trường học tập.

 

Việc học tập tại Việt Nam và học ĐH tại Anh là rất khác nhau. Nếu SV sang Anh học ngay, họ có thể gặp những vấp váp về cách sống, cách học, cách nghiên cứu, giảng dạy. Còn nếu theo học tại ĐH Anh quốc Việt Nam, SV sẽ giảm thiểu những khác biệt, bỡ ngỡ đó để tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, việc học tại ĐH Anh quốc, giáo trình của Staffordshire nhưng nội dung học lại sử dụng các chủ đề đang nóng tại Việt Nam cũng khiến cho việc học sát với nội dung công việc sau này của SV hơn.

 

Một trong những điểm nhấn thường các trường ĐH quốc tế quảng bá là việc mở chi nhánh ra bao nhiêu nước, có bao nhiêu học viên theo học trên thế giới. Với ĐH Anh quốc Việt Nam thì sao, thưa ông?

 

 Xu thế phát triển của ĐH Anh quốc Việt Nam khác với các trường khác ở chỗ chúng tôi không mở chi nhánh mà đi theo hướng mở trường, kết hợp với các đối tác có uy tín trên thế giới. Vào những giai đoạn sau, khi đã phát triển, ĐH Anh quốc Việt Nam sẽ mở rộng hợp tác với các trường ĐH khác ở Anh.

 

ĐH Anh quốc Việt Nam không chỉ dành riêng cho HS, SV Việt Nam mà còn cho SV tất cả các nước nếu có nhu cầu. Cá nhân tôi cảm thấy rất hài lòng khi đến tòa nhà trung tâm của ĐH Anh quốc Việt Nam, dường như tôi đang đi trong phòng học của ĐH Staffordshire vậy. Có thể gọi đây là một yếu tố quốc tế hóa chăng?

 

Xin cảm ơn ông!    

- Dự án ĐH Anh quốc Việt Nam được khai trương vào tháng 8/2008, nhưng phải 1 năm sau mới được hiện thực hóa. Đây là trường ĐH đầu tiên tại Việt Nam có 100% vốn nước ngoài, có giấy phép tại Việt Nam cho việc cung cấp các chương trình GD bậc cao của nước Anh.

 

2 đối tác liên kết của ĐH Anh quốc Việt Nam là ĐH London và ĐH Staffordshire. Ban giám đốc trường cộng tác với Tổ chức GD-ĐT Apollo trong chương trình dự bị ĐH dành cho các thí sinh chưa đủ tiêu chuẩn tiếng Anh cho đầu vào ĐH.

 

- HS không phải thi đầu vào ĐH Anh quốc Việt Nam, mà tùy thuộc vào điểm trung bình của các môn học ở phổ thông. Các thí sinh bắt buộc phải hoàn thành năm học lớp 12 (ở Việt Nam) hoặc tương đương và đạt được yêu cầu trình độ tiếng Anh tối thiểu là IELTS 6.0 hoặc TOEFL PBT 547 hoặc tương đương. Đối với khóa học tài chính ngân hàng, các thí sinh còn phải có điểm IELTS trung bình tối thiểu là 6.5 và điểm trung bình môn toán là 7,0.

       

           

Diệu Ngọc (thực hiện)