Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 79 Philémon Yang phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, ngày 22/9. (Nguồn: UN) |
Ý tưởng về Hội nghị thượng đỉnh Tương lai để thảo luận về tương lai của thế giới được đưa ra dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc (LHQ) vào năm 2020 khi đại dịch Covid-19 “đánh thức” thế giới về nhu cầu thay đổi mô hình quản trị toàn cầu trong thế kỷ XXI một cách toàn diện.
Tạo dựng cơ sở cho thế hệ mai sau
Trước thềm Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 79, Hội nghị thượng đỉnh Tương lai lần đầu tiên diễn ra tại New York từ ngày 22-23/9 với sự tham gia của lãnh đạo các nước, nhằm tìm kiếm đồng thuận, cam kết chung trong giải quyết các thách thức dài hạn đối với loài người và cải cách hệ thống quản trị toàn cầu.
Tại Hội nghị, hầu hết các nước tham dự đều nhất trí thông qua Hiệp ước vì tương lai, với năm chương và 56 dòng hành động cụ thể trong các lĩnh vực: Phát triển bền vững và tài trợ cho phát triển; hòa bình và an ninh quốc tế; khoa học, công nghệ, đổi mới và hợp tác kỹ thuật số; thanh niên và các thế hệ tương lai; và cải cách quản trị toàn cầu. Hiệp ước kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an hướng tới mục tiêu tăng tính đại diện, minh bạch và hiệu quả hơn, tăng cường vai trò của Đại hội đồng và Hội đồng kinh tế - xã hội. Một nhóm gồm bảy nước đã đưa ra bản sửa đổi do quan ngại các vấn đề liên quan đến chủ quyền và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, song đề xuất này đã không được thông qua.
Đáng chú ý, Hiệp ước vì Tương lai có hai phụ lục về Thỏa thuận Kỹ thuật số toàn cầu và Tuyên bố về các thế hệ tương lai có ý nghĩa quan trọng. Thỏa thuận Kỹ thuật số toàn cầu đặt ra năm mục tiêu chính về hợp tác số toàn cầu, bao gồm thu hẹp khoảng cách số giữa các nước, mở rộng sự tham gia vào nền kinh tế số, thúc đẩy không gian số an toàn và bảo mật, quản trị dữ liệu có trách nhiệm và tăng cường quản trị quốc tế về AI. Tuyên bố về các thế hệ tương lai đặt ra các nguyên tắc chỉ đạo và cam kết cụ thể nhằm bảo vệ lợi ích của các thế hệ tương lai.
Nhiều nỗ lực, nhiều thách thức
Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khoá 79 diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức phức tạp. Với chủ đề “Không bỏ lại ai phía sau: Cùng hành động vì hòa bình, phát triển bền vững và nhân phẩm cho thế hệ hiện tại và tương lai”, sự kiện quy tụ khoảng 194 đại diện các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế tham gia và thảo luận về các vấn đề cấp bách thế giới đang phải đối mặt.
Tuần lễ bắt đầu với “Thời khắc Mục tiêu phát triển bền vững” lần thứ tư. Theo đó, các nước đánh giá tiến độ thực hiện 17 mục tiêu thiên niên kỷ đầy tham vọng đến năm 2030 như xóa đói giảm nghèo, bất bình đẳng và thúc đẩy phát triển bền vững. Mặc dù có tiến bộ đáng khích lệ, nhưng cũng nhiều mục tiêu chưa đạt được tiến độ dự kiến.
Từ ngày 24-28/9 diễn ra cuộc tranh luận chung. Đây là diễn đàn chính cho lãnh đạo các nước phát biểu. Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức toàn cầu, nhấn mạnh tầm quan trọng của dân chủ và cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine. Ông Biden công bố kế hoạch tặng 1 triệu liều vaccine mpox (ngừa bệnh đậu mùa khỉ) cho các nước châu Phi, thể hiện cam kết của Mỹ trong giải quyết các vấn đề y tế toàn cầu.
Ngày 25/9, trong cuộc họp toàn thể nhằm tìm cách giải quyết các hiểm họa đến từ biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao. LHQ mô tả việc xâm lấn bờ biển là “mối đe dọa hiện hữu”, tác động trực tiếp đến cuộc sống của gần một tỷ người sống ở các vùng ven biển thấp trũng.
Ngày 26/9, các cuộc thảo luận tập trung nội dung giảm thiểu nguy cơ chiến tranh và thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân. Các đại biểu tham dự cũng thảo luận về việc cắt giảm ngân sách quân sự và thúc đẩy khu vực không có vũ khí hạt nhân ở Trung Đông mặc dù Nga và Trung Quốc không tham gia bàn đàm phán. Cùng ngày, đại diện các nước tham gia phiên thảo luận về các mối đe dọa của tình trạng gia tăng kháng thuốc kháng khuẩn, nguyên nhân trực tiếp gây ra gần 1,3 triệu ca tử vong trên toàn thế giới vào năm 2019.
Xung đột ở Ukraine, Dải Gaza, Sudan… cho thấy việc ngăn ngừa và giải quyết xung đột tại Diễn đàn lớn nhất hành tinh chưa thực sự hiệu quả. Các cuộc họp Đại hội đồng năm nay thảo luận về nội dung cải cách LHQ, đặc biệt là Hội đồng Bảo an. Tổng thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh đây là nhu cầu cấp thiết, không thể trì hoãn thêm nữa. Mỹ đề xuất thêm ghế thường trực cho các nước châu Phi để tăng tính đại diện của Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, đạt được đồng thuận về các nội dung cải cách còn rất nhiều thách thức.
Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ năm nay phản ánh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức phức tạp, từ xung đột vũ trang đến biến đổi khí hậu và bất bình đẳng toàn cầu. Mặc dù có nhiều nỗ lực hợp tác, kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Tương lai và diễn biến trong Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 79 cho thấy những khó khăn trong việc đạt được đồng thuận quốc tế. Điều này càng nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì đối thoại và tăng cường các kênh ngoại giao để giải quyết khác biệt, hướng tới xây dựng một trật tự quốc tế toàn diện và bao trùm vì một tương lai tốt đẹp cho nhân loại.
| Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên Thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam cho một tương lai hoà bình, ổn định, hợp tác, ... |
| Đại hội đồng LHQ khóa 79: Nhóm họp giữa lúc bất ổn gia tăng trên toàn cầu, nỗ lực 'không để ai bị bỏ lại phía sau' Chiều 10/9 tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Đại hội đồng LHQ khóa 79 đã khai mạc phiên họp toàn ... |
| Giải pháp toàn cầu, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn Với lịch sử gần 80 năm hình thành và phát triển, Liên hợp quốc hiện là diễn đàn đa phương quan trọng hàng đầu để ... |
| Mỗi quốc gia đều đóng một vai trò quan trọng trong bản giao hưởng lớn của thời đại Chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam về tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh hoà bình, ổn định là nền tảng ... |
| Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79: Thông điệp của những nhà lãnh đạo thế giới tại phiên thảo luận chung cấp cao 155 người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của các quốc gia thành viên, cùng đại diện các tổ chức quốc tế và khu ... |