Nhỏ Bình thường Lớn

Đại sứ Anh Gareth Ward: Việt Nam dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu

Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho rằng, những cam kết của Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) là bước tiến thực sự.
Đại sứ Anh Gareth Ward: Mục tiêu phát thải ròng của Việt Nam là tham vọng nhưng có thể đạt được
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo thế giới dự họp tại Hội nghị COP26. (Nguồn: Đại sứ quán Anh tại Việt Nam)

Đại sứ đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của Hội nghị COP26 cũng như vai trò chủ nhà của Anh?

Sự tham dự của các nhà lãnh đạo thế giới và mức độ phủ sóng của các phương tiện truyền thông toàn cầu là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Hội nghị COP26 ở Glasgow là sự kiện quan trọng trong cuộc chiến ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu.

Khi thế giới trải qua nhiệt độ kỷ lục và thời tiết khắc nghiệt, nhu cầu ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp chưa bao giờ rõ ràng hơn.

Đại sứ Anh Gareth Ward: Cam kết tại COP26 là bước tiến thực sự, có thể đạt được của Việt Nam
Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward. (Nguồn: Đại sứ quán Anh tại Việt Nam)

Anh, Chủ tịch COP26 đã kêu gọi các quốc gia tăng tốc các hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Có bốn mục tiêu chính cho hội nghị COP26.

Thứ nhất là tăng cường cam kết của các quốc gia nhằm giảm lượng khí thải carbon để đảm bảo đưa phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ XXI.

Thứ hai là hợp tác chặt chẽ để giúp các quốc gia thích ứng, đặc biệt là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu như Việt Nam.

Thứ ba là huy động các quỹ cần thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bao gồm tăng lượng tài chính do các nước phát triển cung cấp cho các nước đang phát triển. Cuối cùng, chúng ta chỉ có thể vượt qua những thách thức của khủng hoảng khí hậu bằng cách làm việc cùng nhau.

Tại COP26, chúng ta phải hoàn thiện Quy tắc Paris (Paris Rulebook)- các quy định chi tiết giúp Thỏa thuận Paris có thể đi vào thực hiện.

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu phái đoàn của Việt Nam tham dự Hội nghị COP26 là một tín hiệu mạnh mẽ. Tôi đã thường xuyên thảo luận về biến đổi khí hậu với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Trong các cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, tôi đã thấy tính bền vững trong tầm nhìn đối với tăng trưởng kinh tế của ông quan trọng như thế nào. Chúng tôi chúc mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính với vai trò dẫn dắt về khí hậu, được thể hiện qua cam kết Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị COP26.

Tôi cũng hiểu rằng Việt Nam dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.

Ở Việt Nam, tôi đã tận mắt chứng kiến ​​lũ lụt đã ảnh hưởng như thế nào đến người dân, nhà cửa và sinh kế của họ.

Hội nghị COP26 đã khuyến khích các nước phát triển đưa ra các tuyên bố tài chính mới. Vương quốc Anh đã tăng cam kết tài chính liên quan đến khí hậu lên 11,6 tỷ bảng Anh trong 4 năm tới.

Đối với ASEAN, Vương quốc Anh đã cam kết 110 triệu bảng Anh thông qua Cơ chế Xúc tác Tài chính Xanh cho ASEAN (ACGF), hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh ở Việt Nam và các nước khác trong khu vực, trên các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giao thông hoặc hạ tầng đô thị sạch.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng thông báo rằng Nhóm Phát triển Cơ sở hạ tầng Tư nhân (PIDG) do Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh hỗ trợ sẽ cam kết đầu tư 210 triệu Bảng Anh nhằm thúc đẩy chuyển đổi các dự án xanh tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Chúng tôi chúc mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính với vai trò dẫn dắt về khí hậu, được thể hiện qua cam kết Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị COP26.

Việt Nam không đơn độc trong việc đưa ra các cam kết về khí hậu tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu.

Ấn Độ, Thái Lan, Nepal và Nigeria cũng đưa ra các cam kết phát thải ròng bằng “0” mới, có nghĩa là hiện tại 90% nền kinh tế toàn cầu được bao phủ bởi các cam kết phát thải ròng bằng “0”. Chúng tôi đã có thông tin liên quan đến các thông báo mới về “Đóng góp do Quốc gia tự quyết định” từ: Argentina, Brazil, Guyana, Ấn Độ, Mauritania, Morocco, Mozambique và Thái Lan.

Các chiến lược dài hạn mới đã được Jamaica, Kazakhstan và Mỹ công bố hoặc đệ trình. Khi chúng ta bước vào tuần thứ 2 của Hội nghị COP26, nước Chủ tịch Anh sẽ tiếp tục làm việc với các quốc gia và tạo điều kiện thảo luận để COP26 thành công, với mục đích là duy trì hy vọng hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò và những nỗ lực của Việt Nam cũng như hợp tác giữa hai nước trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp độ song phương và đa phương?

Tôi muốn nhấn mạnh rằng không quốc gia nào có thể đối mặt với thách thức này một mình, chúng ta phải làm việc cùng nhau và mọi quốc gia đều phải hành động. Nếu chúng ta không làm như vậy, những thế hệ con cháu sẽ không tha thứ cho chúng ta.

Mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam là tham vọng nhưng có thể đạt được. Mục tiêu này cho thấy một bước tiến thực sự của Việt Nam và sẽ góp phần không nhỏ để mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C trong tầm tay.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cũng nhất trí ủng hộ một số tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển từ sử dụng than đá sang năng lượng sạch, hỗ trợ thích ứng cho cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí metan. Tất cả các tuyên bố này củng cố hơn nữa cam kết của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong những năm qua, Anh và Việt Nam đã có nhiều dự án hợp tác về biến đổi khí hậu.

Ví dụ, một số địa phương ở Việt Nam rất dễ bị ảnh hưởng bởi các hình thái thời tiết khó lường, vì vậy chúng tôi đang làm việc cùng nhau để xây dựng nhà ở có thể chống lại lũ lụt ở miền Trung Việt Nam. Dự án này được tài trợ thông qua Quỹ Khí hậu Xanh, trong đó Anh là nhà tài trợ song phương lớn nhất. Một quỹ tương tự cũng đang hỗ trợ nông dân ở Tây Nguyên thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp, đối phó với các điều kiện thời tiết khác nhau tác động tới mùa màng.

Đại sứ Anh Gareth Ward: Mục tiêu phát thải ròng của Việt Nam là tham vọng nhưng có thể đạt được
Thủ tướng Anh Boris Johnson đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu. (Nguồn: TTXVN)

Một điều quan trọng không kém, Anh và Việt Nam đang làm việc cùng nhau về tăng trưởng và năng lượng xanh. Vốn phát triển của Anh, hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Infraco Asia đang đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng xanh.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng sạch - năng lượng mặt trời, gió và thủy điện. Vương quốc Anh là quốc gia dẫn đầu thế giới về điện gió ngoài khơi, vì vậy chúng tôi đang chia sẻ kinh nghiệm về cách Việt Nam có thể phát triển ngành điện gió ngoài khơi.

Chúng tôi đang nỗ lực kết hợp tài trợ của Chính phủ, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn của khu vực tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Cuối cùng, chính phủ phải cải thiện quy định và sau đó các doanh nghiệp sẽ hành động dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng. Khi các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, họ muốn sản xuất theo hướng xanh. Họ muốn có năng lượng sạch, và họ muốn sử dụng các công nghệ sạch để cung cấp sản phẩm cho thế giới.

Sau Hội nghị COP26, chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam và hỗ trợ việc thực hiện các cam kết về khí hậu mới cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, dựa trên tài chính khí hậu quốc tế.

Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác giữa hai nước thời kỳ hậu Covid-19?

Tôi rất lạc quan về triển vọng quan hệ Anh-Việt Nam trong tương lai. Hai nước đã có một số cam kết tích cực nhân chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Johnson và Thân vương xứ Wales; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Elizabeth Truss và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Priti Patel.

Ngoài ra, hai bên đã ký kết 26 thỏa thuận với giá trị hơn 1,5 tỷ USD và chúng tôi đã trao khoản tài trợ y tế trị giá 500.000 bảng Anh.

Chúng tôi hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Anh-Việt Nam vào năm 2023.

Năm ngoái, hai nước đã ký kết “Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Vương quốc Anh: Định hướng phát triển trong 10 năm tới”.

Sau đó, chúng tôi cam kết sẽ làm sâu sắc hơn thương mại và đầu tư song phương; hợp tác để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và chống biến đổi khí hậu; cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh chung; tăng cường hợp tác giáo dục; và thúc đẩy quyền con người.

Vì vậy, tôi tin rằng mối quan hệ Anh-Việt Nam sẽ tiếp tục được tăng cường, ngay cả khi chúng ta học cách sống chung với Covid-19. Trước đại dịch Covid-19, hợp tác y tế giữa hai nước đã thực sự thành công khi Anh hỗ trợ Việt Nam tiếp cận vaccine và trang thiết bị y tế.

Anh vừa trở thành Đối tác Đối thoại của ASEAN, đâu là tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới, thưa Đại sứ?

ASEAN là tổ chức đa phương nổi bật với 650 triệu dân và được dự đoán là thị trường lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Mối quan hệ mạnh mẽ giữa Anh và ASEAN là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại và cam kết toàn cầu của chúng tôi.

Vương quốc Anh vui mừng trở thành Đối tác Đối thoại mới đầu tiên của ASEAN trong 25 năm qua. Tư cách Đối tác Đối thoại mới sẽ cho phép chúng tôi thúc đẩy sâu rộng hơn giữa hợp tác cùng có lợi Anh-ASEAN. Vương quốc Anh sẽ hợp tác với ASEAN và các thành viên trên một loạt các vấn đề như an ninh hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia, thương mại, đầu tư, biến đổi khí hậu, môi trường, khoa học-công nghệ và giáo dục.

Cụ thể về thương mại, các thị trường ASEAN rất năng động thu hút các doanh nghiệp Anh, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng và giáo dục.

Vương quốc Anh và ASEAN đã có những liên kết thương mại mạnh mẽ. Thương mại giữa Vương quốc Anh và các quốc gia ASEAN trị giá 33,8 tỷ bảng Anh vào năm 2020, đưa ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 ngoài EU của Vương quốc Anh.

Vương quốc Anh là một trong 10 nhà đầu tư hàng đầu tại ASEAN, hỗ trợ việc làm và tạo điều kiện cho các công ty của Anh tăng cường sự hiện diện tại khu vực. Chúng tôi quyết tâm xây dựng mối quan hệ dựa trên những nền tảng vững chắc. Tư cách Đối tác Đối thoại mới của ASEAN sẽ giúp làm sâu sắc thêm các liên kết này.

Về hỗ trợ phát triển, Vương quốc Anh là một đối tác phát triển lâu đời ở Đông Nam Á. Hợp tác phát triển của Vương quốc Anh với ASEAN bao gồm hỗ trợ thương mại và thịnh vượng chung; hợp tác về khoa học và nghiên cứu; xây dựng khả năng chống chịu với khí hậu và tăng trưởng carbon thấp; ứng phó với Covid-19.

Vương quốc Anh đang hỗ trợ ASEAN hơn 50 triệu Bảng Anh, cùng các hỗ trợ rà phá bom mìn dành cho các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bom mìn và vật liệu chưa nổ.

COP26: Cơ hội biến thương mại trở thành động lực để hành động vì khí hậu

COP26: Cơ hội biến thương mại trở thành động lực để hành động vì khí hậu

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 và Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mang ...

Những thông điệp đáng chú ý tại COP26

Những thông điệp đáng chú ý tại COP26

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), các nhà ...