Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth, ngày 26/5/2020. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Câu chuyện này là quan sát của tôi sau khi tới đây được hơn hai tháng, từ cuối tháng 10/2019.
Tôi không thể ngủ được vào cái đêm đội tuyển U22 Việt Nam giành chức vô địch ở Philippines. Không phải vì những ồn ào phát ra từ những đoàn xe máy và tiếng kèn do thanh niên Việt Nam hâm mộ bóng đá chạy khắp phố phường để ăn mừng khoảnh khắc chiến thắng lịch sử của đội nhà. Đó là một chiến thắng to lớn sau nỗ lực suốt 60 năm qua. Chiến thắng này của đội tuyển Việt Nam khiến tôi thao thức cả đêm để nghĩ về nền văn minh này và về đất nước này.
Lý do phía sau chiến thắng là gì?
Ít nhất những người theo dõi bóng đá đều có nhận thức chung rằng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam có được do ba yếu tố: sự chuẩn bị chiến lược có hiệu quả, quyết tâm và tinh thần của cầu thủ và huấn luyện viên. Trước mỗi giải đấu, luôn có một nghiên cứu, phân tích chuyên sâu về điểm mạnh, điểm yếu của các đối thủ cũng như cơ hội ghi điểm. Mỗi cá nhân cầu thủ, đặc biệt là những cầu thủ hàng đầu của đối thủ, luôn là đối tượng nghiên cứu. Trên cơ sở kết quả đó, huấn luyện viên sắp xếp sơ đồ thi đấu và kỹ thuật tấn công. Kết quả là khán giả cũng như người hâm mộ có thể thấy trong nhiều trường hợp, đối thủ thì khó tìm ra cơ hội chống trả. Hơn nữa, để lựa chọn cầu thủ, huấn luyện viên đưa ra nhiều tiêu chí rất chi tiết và khắt khe để có được những cầu thủ hiệu quả, bản lĩnh nhất. Chỉ những người có kỷ luật cao mới được lựa chọn. Huấn luyện viên trang bị cho những cầu thủ này tinh thần thi đấu rất cao, mỗi cầu thủ coi mình như một “người lính Cụ Hồ”, sẵn sàng làm hết sức mình vì lợi ích quốc gia. Đáng chú ý là trong trận chung kết, hình ảnh Bác Hồ được người hâm mộ Việt Nam giơ cao trên khán đài.
Chiến thắng của đội tuyển quốc gia có ý nghĩa gì đối với Việt Nam?
Thành công là tín hiệu cho thế giới biết rằng Việt Nam đang ở bước ngoặt lịch sử. Hơn nữa, thành công của bóng đá Việt Nam trên sân cỏ khiến tôi phải nhớ lại quan sát của mình trong suốt hơn hai tháng ở đất nước này.
Quan sát đầu tiên
Năm 2020, Việt Nam tiếp nhận vị trí luân phiên làm Chủ tịch ASEAN. Ít tuần trước khi tiếp nhận vị trí này, Việt Nam đã đặt ra 5 ưu tiên, đó là: 1) Duy trì hoà bình, an ninh và ổn định; 2) Hội nhập và kết nối kinh tế; 3) Thúc đẩy nhận thức và bản sắc ASEAN; 4) Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hoà bình và phát triển bền vững; 5) Nâng cao năng lực thích ứng, hiệu quả hoạt động của ASEAN.
Trong số 5 ưu tiên này, có thể nhận thấy thuật ngữ “hoà bình và an ninh” được sử dụng tới hai lần từ ưu tiên 1 tới 4. Điều này cho thấy Việt Nam là một nước Chủ tịch có trách nhiệm, xác định một cách cẩn thận lợi ích của tất cả các nước thành viên và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, ngay cả trong hành trình trước khi rời vị trí Chủ tịch, Việt Nam đã tính đến mọi khía cạnh về lợi ích chung của từng thành viên để xây dựng 5 ưu tiên.
Quan sát thứ hai
Việt Nam trở thành Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) nhiệm kỳ 2020-2021. Đây là lần thứ hai Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực của HĐBA sau nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2008-2009. Trong nhiệm kỳ này, Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ với tư cách là thành viên của tổ chức quốc tế này. Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức mới nổi, nhiều vấn đề khó lường trước cùng với sự bất đồng lớn giữa các nước thành viên của HĐBA, Việt Nam coi đây là dịp góp phần bảo vệ và duy trì hoà bình thế giới.
Là một Ủy viên không thường trực, Việt Nam đã triển khai lực lượng tới Bệnh viện dã chiến cấp 2 làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình quốc tế của Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Hơn nữa, Việt Nam là thành viên và gắn bó với nhiều diễn đàn kinh tế, đã ký quan hệ đối tác song phương và đa phương với nhiều quốc gia, tổ chức ở trong và ngoài khu vực.
Tính đến tháng 11/2019, Việt Nam đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 31,79 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. GDP của Việt Nam năm 2019 tăng 7,02%, vượt kế hoạch dự kiến là 6,6% tới 6,8%.
Hai góc nhìn trên cùng với chiến thắng của đội tuyển bóng đá cho thấy một tín hiệu rõ ràng rằng nền văn minh này bắt đầu bước sang một chương mới, hướng tới một nền kinh tế đầy triển vọng, một mô hình quốc gia xã hội chủ nghĩa của thế giới, nơi hoà bình và an ninh được coi là lợi ích cốt lõi. Việt Nam đang chuyển biến nhanh nhờ ba yếu tố: 1) Chuẩn bị về chiến lược; 2) Cam kết, và 3) Tinh thần của người dân.
Năm nay, Việt Nam kỷ niệm 25 năm tham gia ASEAN. Tôi muốn nhân cơ hội này chúc mừng thắng lợi của các nhà lãnh đạo Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và đặc biệt là người dân Việt Nam trong cuộc chiến và phòng ngừa đại dịch Covid-19. Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm, khen ngợi từ nhiều nước trên thế giới. Mặc dù, hiện nay đại dịch vẫn chưa kết thúc nhưng Việt Nam đang cho thấy quốc gia này đang thu hút sự chú ý của các đối tác là các công ty đa quốc gia, các tổ chức khu vực và toàn cầu.
Tôi tin rằng với vai trò Chủ tịch ASEAN và Uỷ viên không thường trực HĐBA, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt hai trọng trách này và sẽ thành công với cả 5 ưu tiên đã đề ra, góp phần duy trì và củng cố hoà bình, an ninh cũng như sự thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.