TIN LIÊN QUAN | |
Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp tham gia Hội chợ từ thiện | |
Giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam tại Hy Lạp |
Xin Đại sứ cho biết những kết quả nổi bật trong quan hệ Việt Nam – Hy Lạp thời gian qua cũng như triển vọng của mối quan hệ này trong thời gian tới?
Quan hệ Việt Nam – Hy Lạp là một mối quan hệ rất thân thiện và đang có những biến chuyển tích cực. Cả hai quốc gia đã luôn ủng hộ lẫn nhau trên mọi lĩnh vực tại các diễn đàn trong khu vực và quốc tế.
Trải qua gần 45 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (15/4/1975), quan hệ song phương giữa Hy Lạp và Việt Nam ngày càng được thắt chặt. Đến tháng 2/2017, khi Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Kotzias thăm chính thức Việt Nam, quan hệ giữa hai nước đã có những chuyển biến rõ rệt.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Đại sứ Hy Lạp Ioannis E. Raptakis . (Ảnh: T. Anh) |
Kể từ sau chuyến thăm của Bộ trưởng Nikos Kotzias, hai nước chưa có nhiều các chuyến thăm chính thức, nhưng có hai dấu mốc đặc biệt, đó là: chuyến thăm và làm việc tại Hy Lạp của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng vào tháng 5/2018. Trong chuyến thăm, ông Võ Văn Thưởng đã có cuộc gặp và làm việc với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Hy Lạp, Phó Chủ tịch Quốc hội Hy Lạp, Tổng Thư ký đảng cánh tả cấp tiến Syriza cầm quyền,… Ông cũng trả lời phỏng vấn một trong những tờ báo lớn nhất của Hy Lạp, trong đó giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam với người dân Hy Lạp.
Chúng ta đã, đang và sẽ luôn tích cực ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương trong khu vực và quốc tế. Hy Lạp cũng ủng hộ việc Việt Nam ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.
Dấu mốc thứ hai đó là chuyến thăm Hy Lạp lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Chuyến thăm này là rất thích hợp để Việt Nam và Hy Lạp làm sâu sắc hơn mối quan hệ vốn đã gần gũi, và tìm ra những hướng đi mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Việt Nam và Hy Lạp có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa lâu đời, đều là nước đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Đại sứ có nhận xét gì về nhận xét này?
Cũng giống như Việt Nam, Hy Lạp cũng từng phải trải qua 400 năm đấu tranh giành độc lập. Nhưng đó không phải là điểm tương đồng duy nhất. Tôi được biết, trẻ em Việt Nam đều được học về những câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp. Đó là điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên về sự gần gũi về văn hóa giữa hai quốc gia. Chính vì vậy, Chính phủ Hy Lạp muốn cấp thêm nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam để theo học các khóa tiếng Hy Lạp tại Athens nhằm giúp đẩy mạnh ngoại giao văn hóa và ngoại giao nhân dân giữa hai nước.
Trong thời gian qua, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hy Lạp đã có sự tiến triển đáng kể, trao đổi thương mại song phương luôn tăng trưởng trên 20% trong 5 năm gần đây. Theo Đại sứ, hai nước nên tập trung vào những lĩnh vực nào để đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa hai bên hơn nữa?
Tiềm năng phát triển của quan hệ thương mại Việt Nam và Hy Lạp là rất lớn, cho dù kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia chưa cao (239 triệu USD trong năm 2016). Điều chúng ta cần làm chính là tăng cường các cuộc trao đổi và các chuyến thăm cấp cao nhiều hơn. Ngoài ra, Việt Nam và Hy Lạp hiện đang có hai hiệp định đang chờ ký kết, đó là Hiệp định về hợp tác về Vận tải Biển và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại hai nước.
Đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam Ioannis E. Raptakis. (Ảnh: Quang Đào) |
Bên cạnh đó, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang tiến dần đến việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Đây là một trong những hiệp định mang tính quyết định để đẩy mạnh thương mại song phương giữa Việt Nam và Hy Lạp nói riêng và giữa Việt Nam và EU nói chung. Việt Nam đang rất quan tâm đến việc ký kết và phê chuẩn EVFTA và Hy Lạp rất ủng hộ hiệp định này sớm được ký kết và có hiệu lực.
Kỳ vọng của tôi là Hiệp định EVFTA sẽ sớm được phê chuẩn vào cuối năm nay. Đây là một Hiệp định đầy tham vọng và toàn diện nhất mà EU triển khai với một quốc gia đang phát triển. Khi chính thức có hiệu lực, FTA này sẽ là một chuẩn mực mới của EU về cách tiếp cận nền kinh tế đang có sự phát triển đáng khen ngợi như Việt Nam. Về phía Việt Nam, các bạn đang thể hiện sự năng động để tiến tới hội nhập quốc tế vì sự thịnh vượng của người dân.
Có một số lĩnh vực sẽ được đẩy mạnh khi FTA này được phê chuẩn, ví dụ như kiểm dịch thực vật và nông nghiệp. Hoạt động xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp giữa hai bên sẽ thuận lợi hơn khi Việt Nam có cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp tới toàn bộ các quốc gia trong khu vực EU.
Có thể nói, nếu hợp tác hàng hải - lĩnh vực tiềm năng nhất bởi Hy Lạp là một trong những quốc gia sở hữu đội tàu lớn nhất trên thế giới - được triển khai thì đây sẽ trở thành một động lực lớn trong thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Bên cạnh đó, du lịch cũng là một lĩnh vực mà chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa. Cả Việt Nam và Hy Lạp đều đang có nền kinh tế đang trên đà phát triển mạnh mẽ và nhờ đó, người dân Việt Nam có thêm điều kiện để đi tới các quốc gia nằm ngoài khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2017, chúng tôi ghi nhận có khoảng 100.000 visa sang châu Âu được cấp cho người Việt Nam.
Đại sứ Ioannis Raptakis trả lời phỏng vấn với phóng viên báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Linh) |
Ngoài ra, cũng có rất nhiều người dân Hy Lạp mong muốn được đến Việt Nam để thăm quan những di tích lịch sử lâu đời cũng như đến với các bãi biển thơ mộng. Nhưng do Việt Nam và Hy Lạp không có đường bay thẳng và quá trình xin visa cũng mất nhiều thời gian nên số du khách Hy Lạp đến với Việt Nam chưa đánh giá đúng nhu cầu của chúng tôi. Tuy nhiên, Hy Lạp đang tham gia vào dự án miễn visa khi đến Việt Nam du lịch như Việt Nam đã thực hiện với các nước châu Âu như: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy. Khi vấn đề này được khắc phục, chúng tôi tin rằng số lượng khách du lịch Hy Lạp tới Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể.
Được biết, Đại sứ mới bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam từ tháng 10/2017. Trước đó, Đại sứ đã có cơ hội tới thăm Việt Nam chưa?
Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Tôi đã từng biết đến Việt Nam qua những câu chuyện lịch sử và qua sách vở. Ngoài ra, ở Hy Lạp, tôi rất thích được đi du lịch lên phía Bắc, nơi có thành phố Edessa là một địa phương có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng và là quê hương của Alexander Đại đế. Và tôi đã được tiếp cận với lịch sử Việt Nam tại thành phố này. Trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất, Edessa là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân và có một khoảng thời gian làm việc tại đây. Hiện lãnh đạo thành phố Edessa đang nghiên cứu, xem xét việc xây dựng tượng đài và công viên mang tên Hồ Chí Minh tại thành phố Edessa.
Không những thế, tôi có khá nhiều bạn bè là người gốc Việt sinh sống và làm việc trên khắp châu Âu. Tôi đã được nghe về một nền văn hóa đa dạng hàng nghìn năm tuổi, những danh lam thắng cảnh với hàng loạt câu chuyện lịch sử phía sau, những dãy núi hùng vĩ, những bãi biển với bãi cát trải dài làm mê hoặc lòng người,… do đó, đến với Việt Nam thực sự là một giấc mơ có thật đối với tôi. Ước mong lớn nhất của tôi, đó là việc thực hiện một chuyến đi “xuyên Việt” bằng xe máy để có thể thưởng thức được rõ nhất vẻ đẹp của đất nước các bạn.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Hy Lạp Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Kotzias, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bulgaria Ekaterina Zaharieva và Bộ trưởng ... |
Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam Chiều nay (4/6), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam Ioannis E. Raptakis. |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Đại sứ Hy Lạp Ioannis E. Raptakis Đại sứ Ioannis E. Raptakis khẳng định, Hy Lạp sẽ tích cực thúc đẩy triển khai Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện ... |