TIN LIÊN QUAN | |
Chính phủ Đức nhất trí kế hoạch quốc gia về chống biến đổi khí hậu | |
Australia sẽ hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương chống biến đổi khí hậu |
Hiệp định toàn cầu đầu tiên về biến đổi khí hậu đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11 vừa qua. Nhân sự kiện này, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bày tỏ vui mừng khi phát biểu rằng: “Ngày 4/11/2016 là một ngày lịch sử đối với hành tinh chúng ta, đánh dấu thời điểm Hiệp định về khí hậu chính thức có hiệu lực. Các cam kết kể từ ngày 12/12/2015 tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) từ nay không thể đảo ngược".
Trong khi đó, bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành mới của Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu nhấn mạnh: “Phải mất 20 năm để đạt được toàn bộ các điều khoản của Hiệp định Paris nhưng không mất tới một năm để Hiệp định chính thức có hiệu lực. Đây là bằng chứng cho thấy cộng đồng quốc tế đã đưa ra những biện pháp khẩn cấp để đối phó hữu hiệu với biến đổi khí hậu và điều này là kết quả của sự vận động của Pháp trong vai trò là quốc gia chủ trì COP21".
Hiện phiên họp đầu tiên của Hội nghị các Bên tham gia Công ước có hiệu lực (CMA1) được triệu tập tại Hội nghị COP22 đang diễn ra tại Marrakech (Morocco) từ 7-18/11. COP22 sẽ tập trung vào việc thực thi Hiệp định Paris đã được thông qua tại COP21.
Các nhà lãnh đạo thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu tại COP21. (Nguồn: UN) |
Cần một giải pháp lâu dài
Sau những lời chúc tụng cho thành công bước đầu của Hiệp định Paris, các quốc gia cần làm gì tiếp theo để đảm bảo rằng lộ trình cắt giảm khí phát thải sẽ được tôn trọng?
Được xây dựng trên một thỏa thuận chung, Hiệp định Paris thiết lập khuôn khổ cho cuộc chiến chống lại sự nóng lên của Trái Đất. Các mục tiêu của Hiệp định rất rõ ràng: hạn chế mức gia tăng nhiệt độ "tốt nhất là dưới 2°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ đến 1,5°C".
Những mục tiêu này được đánh giá là đầy tham vọng nếu so với mức phát thải hiện tại của toàn thế giới. Hầu hết quốc gia chủ chốt (các quốc gia có lượng phát thải lớn) đều thừa nhận rằng, nếu Hiệp định có thể trì hoãn hoặc thậm chí ngăn ngừa một số kịch bản đen tối thì Hiệp định này sẽ mang lại một giải pháp lâu dài cho sự nóng lên của Trái Đất.
Tuy nhiên, năm 2016 tiếp tục được ghi nhận là năm nóng nhất kể từ khi số liệu thống kê ghi nhận đầu tiên vào thế kỷ XIX, nhiệt độ đại dương tăng lên, sự tan chảy băng Greenland nhanh hơn dự kiến… Hồi đầu tháng 11, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã khẳng định rằng, mặc dù nhiều cam kết đã được đưa ra tại Hội nghị Paris nhưng "thế giới vẫn tiếp tục vận động theo hướng gia tăng nhiệt độ" và "thế giới phải khẩn trương và triệt để nhìn nhận lại tham vọng của mình để giảm khoảng 1/4 lượng khí thải toàn cầu gây hiệu ứng nhà kính, được lên kế hoạch từ nay cho đến năm 2030".
Người tuần hành chống biến đổi khí hậu. (Nguồn: The Atlantic) |
Cam kết cần phải được thi hành
Thực tế, việc thi hành các cam kết lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Là một văn bản của Liên hợp quốc, Hiệp định Paris dựa trên thiện chí của các quốc gia ký kết, bởi vậy các quốc gia cũng có quyền rút khỏi Hiệp định. Điều này đã từng xảy ra với Nghị định thư Kyoto và không có biện pháp trừng phạt nào được áp dụng trong trường hợp một quốc gia không làm giảm phát thải hoặc không đạt được mục tiêu của mình.
Điều bắt buộc duy nhất mà các quốc gia cam kết thực hiện là báo cáo định kỳ về mức phát thải và các hành động thực hiện để giảm thiểu chúng. Do đó, trong tương lai, các quốc gia cần phải bảo đảm rằng các cam kết của mình sẽ được thi hành lâu dài.
Quá trình chuyển đổi năng lượng
Một điểm quyết định đến sự thành công của Hiệp định Paris nữa là quá trình chuyển đổi năng lượng. Tom Murley, Chủ tịch tập đoàn tái tạo năng lượng HgCapital nhận định: “Hiệp định Paris chỉ là bước khởi đầu. Sau sự kiện này, thế giới phải tập trung vào việc đạt được các mục tiêu đã đề ra”. Tuy nhiên, để thực hiện những mục tiêu này đòi hỏi rất nhiều điều, bao gồm cơ hội đầu tư mới vào năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; áp dụng tiêu chuẩn mới trong xây dựng để đạt hiệu quả cao hơn về năng lượng; quy định về năng lượng tái tạo; tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô và các nhà máy điện; thống kê lượng CO2 và thuế carbon...
Stephanie Pfeifer, Giám đốc của IGCC, đại diện cho 128 nhà đầu tư từ 9 quốc gia của Liên minh châu Âu, cho biết: "Các nhà đầu tư đang chờ đợi những dấu hiệu rõ ràng từ các công ty dầu khí cho thấy họ đang thay đổi mô hình kinh doanh để gắn kết với mục tiêu khống chế sự nóng lên của khí hậu dưới mức 2°C và họ cam kết can dự vào một quá trình chuyển tiếp hướng tới nền kinh tế giảm khí carbon".
Các nguồn năng lượng tái tạo. (Nguồn: TANG Energy) |
Nhìn chung, các tín hiệu tích cực đầu tiên trong công cuộc chống biến đổi khí hậu đang dần xuất hiện. Mới đây, một nghiên cứu của các công ty kiểm toán và tư vấn đã chỉ ra rằng các nền kinh tế G20 đã giảm 2,8% lượng khí thải carbon trong năm 2015, mức giảm cao nhất kể từ năm 2000 và việc sử dụng năng lượng tái tạo trên thế giới có chiều hướng gia tăng. Theo các chuyên gia, công suất lắp đặt thủy điện, năng lượng Mặt Trời hay năng lượng gió sẽ đạt 825 GW (GW) trong năm 2021, hơn 42% so với hiện nay.
Bàn về vấn đề này, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), kêu gọi: "Trong khi COP22 đang diễn ra tại Marrakech, chúng ta phải khẩn trương lấy lại tinh thần mà chúng ta đã có một năm trước đây vì chúng ta không còn một hành tinh nào khác để thay thế".
Được nhất trí thông qua ngày 12/12/2015, Hiệp định Paris được ký kết chính thức vào tháng 4 tại New York, với sự tham gia của 175 quốc gia trong đó có Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia phát thải khí hàng đầu. Những điều kiện có hiệu lực đã được đáp ứng kể từ tháng 5 và các văn bản có hiệu lực vào ngày 4/11. Tính đến ngày 4/11/2016, có 97/195 quốc gia phê chuẩn Hiệp định này. |
WHO nhấn mạnh vai trò y tế trong đối phó biến đổi khí hậu Ngày 11/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi đưa lĩnh vực y tế trở thành ưu tiên trọng tâm tại Hội nghị ... |
COP22 thúc đẩy thế giới cùng thực thi Hiệp định Paris Chủ tịch COP22 Salaheddine Mezouar ngày 6/11 cho biết hội nghị đặt mục tiêu thiết lập các quy tắc để thực hiện Hiệp định Paris ... |
Các quốc gia cần tiếp tục duy trì đà hành động chống biến đổi khí hậu Đó là một trong những thông điệp mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh nhân dịp Hiệp định Paris về biến đổi ... |