Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai phát biểu tại phiên đối thoại với Cao ủy Nhân quyền LHQ về Báo cáo về tình hình nhân quyền hàng năm, ngày 20/6. (Nguồn: TTXVN) |
Ngày 20/6, tham dự và phát biểu tại phiên đối thoại với Cao ủy Nhân quyền LHQ về Báo cáo về tình hình nhân quyền hằng năm, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ tại Geneva hoan nghênh nỗ lực của Cao ủy Nhân quyền LHQ cũng như của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) trong thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cao ủy Nhân quyền LHQ và OHCHR để giải quyết các vấn đề nhân quyền.
Đại sứ chia sẻ, mặc dù Việt Nam cũng như các quốc gia khác đối mặt với nhiều thách thức trong thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền nhưng Việt Nam vẫn quyết tâm đảm bảo người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người; đồng thời nhấn mạnh Việt Nam ưu tiên tập trung củng cố pháp quyền, minh bạch, an ninh và an toàn xã hội, cũng như tiến hành các cải cách cần thiết về pháp lý và kinh tế nhằm hỗ trợ cho quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 và phát triển bao trùm, bền vững.
Tin liên quan |
Việt Nam tham dự Khóa họp 52 Hội đồng Nhân quyền: Dấu ấn 'mở màn’ cho hành trình đầy quyết tâm |
Bên cạnh đó, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định, Việt Nam cam kết thúc đẩy đối thoại thực chất và hợp tác hiệu quả với tất cả các quốc gia thành viên và các cơ chế nhân quyền của LHQ; ủng hộ các nguyên tắc cơ bản về phổ quát, công bằng, khách quan, không chọn lựa, và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia; đối thoại và hợp tác thực chất cũng như tuân thủ các nguyên tắc nêu trên là cách thức hiệu quả nhất để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.
Trước đó, trình bày Báo cáo của Cao ủy Nhân quyền LHQ về tình hình nhân quyền hàng năm, Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Türk nhấn mạnh nhân quyền là nền tàng của LHQ, đến nay các quốc gia thành viên LHQ đã thành lập một hệ sinh thái các cơ quan về nhân quyền, trong đó có 10 cơ quan công ước nhân quyền; Hội đồng Nhân quyền trong đó có cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), các thủ tục đặc biệt; và OHCHR.
Ông Volker Türk cho rằng, trong bối cảnh kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna và tình hình ở nhiều nơi xung đột bùng phát, chương trình nghị sự về phát triển bền vững có nguy cơ chệch hướng, ô nhiễm môi trường đe dọa nhân loại, hợp tác giữa các quốc gia với hệ thống sinh thái các cơ quan nhân quyền quốc tế có vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy nhân quyền, trong đó 95 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cho phép OHCHR đặt văn phòng hoặc các hình thức hiện diện khác trên thực địa.
Cũng trong phát biểu, Cao ủy Volker Türk khẳng định UPR là cơ chế rà soát về nhân quyền và không vi phạm chủ quyền của các quốc gia.
Kêu gọi các quốc gia nỗ lực để triển khai các khuyến nghị được đưa ra theo cơ chế UPR, Cao ủy Volker Türk cho rằng các quốc gia nhìn chung đã hợp tác tích cực với các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền, bao gồm việc đón các thủ tục đặc biệt vào thăm.
Tuy nhiên, Cao ủy Volker Türkcũng nêu rõ, 19 quốc gia đã không đón bất kỳ thủ tục đặc biệt nào vào thăm trong 5 năm qua mặc dù đã nhận được từ 5 đề nghị trở lên từ các thủ tục đặc biệt; đặc biệt Cao ủy quan ngại về việc một số thủ tục đặc biệt trở thành đối tượng bị lạm dụng và đe dọa; về tình trạng nhiều nước không nộp các báo cáo về thực hiện các công ước nhân quyền đúng hạn, trong đó có 601 báo cáo đã quá hạn, cá biệt có báo cáo của 78 quốc gia đã quá hạn hơn 10 năm.
Ngoài ra, Cao ủy Volker Türk bày tỏ quan ngại về tình trạng đe dọa và trả đũa đối với những người hợp tác với LHQ, trong đó nhấn mạnh theo Nghị quyết 12/2 của Hội đồng Nhân quyền, Tổng thư ký LHQ đã có 30 báo cáo về đe dọa và trả đũa đối với những người hợp tác với LHQ, trong đó ghi nhận hơn 700 trường hợp trả đũa tại 77 quốc gia, trong Báo cáo năm 2022 ghi nhận các trường hợp đe dọa và trả đũa đối với những người hợp tác với LHQ tại 42 quốc gia, trong đó có 12 quốc gia hiện đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền.
Tại Khóa họp 53 Hội đồng Nhân quyền từ ngày 19/6-14/7, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó một chủ đề trọng tâm của Việt Nam là quyền con người trong biến đổi khí hậu (BĐKH).
Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines sẽ đồng tổ chức phiên thảo luận chuyên đề về biến đổi khí hậu và quyền con người với chủ đề “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với việc hiện thực hóa đầy đủ quyền lương thực”; đồng thời, sẽ giới thiệu dự thảo Nghị quyết năm 2023 về BĐKH và quyền con người, với chủ đề “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sinh kế và ảnh hưởng của những tác động này đối với quyền con người”.
Đây là Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người được Việt Nam, Bangladesh và Philippines giới thiệu hàng năm kể từ năm 2014, để Hội đồng Nhân quyền xem xét, thông qua với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng chủ đề cụ thể (như quyền trẻ em, quyền sức khoẻ, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh BĐKH).
Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng và thông qua Nghị quyết này cũng như trong các hoạt động của Nhóm nòng cốt phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với BĐKH, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, Đoàn Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với một số đối tác tiến hành tổ chức thảo luận chuyên đề về chống bạo lực, phân biệt đối xử và quấy rối dựa trên cơ sở giới tính tại nơi làm việc, đồng thời tích cực tham dự các phiên thảo luận của Khóa họp cũng như các tham vấn dự thảo nghị quyết, các sự kiện bên lề.
Khóa họp 53 Hội đồng Nhân quyền tiếp tục được tổ chức từ ngày 19/6-14/7, theo hình thức kết hợp giữa họp trực tiếp tại Geneva và trực tuyến, là Khóa họp thường kỳ thứ hai trong năm nay. Khóa họp này bao gồm 5 phiên thảo luận chuyên đề, các thảo luận về 87 báo cáo chuyên đề, cũng như các thảo luận, đối thoại với 37 thủ tục đặc biệt và các cơ chế nhân quyền của LHQ; tham vấn, xem xét thông qua khoảng 28 dự thảo nghị quyết; và xem xét thông qua quyết định bổ nhiệm 4 nhân sự cho các thủ tục đặc biệt.
Cũng trong khuôn khổ Khóa họp còn có các phiên thảo luận, đối thoại về tình hình nhân quyền tại một số nước cụ thể như Myanmar, Sri Lanka, Nicaragua, Sudan, Afghanistan, Iran, Syria, Belarus, Venezuela, Ukraine.
Ngoài ra, tại Khóa họp này, Hội đồng Nhân quyền cũng sẽ hoàn thành thủ tục thông qua toàn thể Báo cáo UPR chu kỳ IV của 13 nước.
| Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền do Việt Nam chủ trì thúc đẩy đồng thuận, hòa hợp, hàn gắn và hợp tác Nghị quyết truyền tải các thông điệp lớn và tích cực về hợp tác và đoàn kết quốc tế, tôn trọng tính đa dạng, hòa ... |
| Đối thoại nhân quyền ASEAN 2023 thúc đẩy quyền con người trong khu vực Đối thoại nhân quyền ASEAN 2023 là sáng kiến của Indonesia được các nước thành viên ASEAN ủng hộ. |
| Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai: Thương mại và đầu tư là công cụ quan trọng giúp Việt Nam tạo đột phá Chuyến thăm Việt Nam của Tổng giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala cho thấy quan tâm cao của WTO đối với sự phát triển của Việt Nam ... |
| Đại sứ Nguyễn Trung Kiên: Từ 'bức tranh' hợp tác tích cực đến quyết tâm thúc đẩy thực chất quan hệ Việt Nam-Slovenia Slovenia có thế mạnh về các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có thể giúp Việt Nam tăng chất lượng sản phẩm, từ ... |
| Nhóm bạn bè Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 khẳng định thúc đẩy đối thoại và hợp tác để bảo vệ giá trị của UNCLOS Ngày 12/6, tại trụ sở Liên hợp quốc (New York), Hội nghị các nước thành viên Công ước Luật Biển lần thứ 33 (SPLOS 33) ... |