Đến dự Diễn đàn có một số cán bộ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, cán bộ của Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao, các thầy cô giáo Khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, cùng hơn 50 sinh viên năm thứ ba chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, Học viện Ngoại giao.
Đại sứ Mỹ Kritenbrink nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến mới, Mỹ đưa ra chiến lược xây dựng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trong đó, Mỹ ủng hộ ASEAN tiếp tục đóng vai trò “trung tâm trong khu vực”. Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN.
Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, thậm chí với tốc độ tăng trưởng vào hàng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. Đại sứ nói: “Chúng tôi muốn thấy một Việt Nam phát triển thành công, độc lập và là một đối tác đầy triển vọng”.
Mối quan hệ Mỹ - Việt phát triển dựa trên những nền tảng tốt đẹp. Khi Thượng nghị sĩ John McCain qua đời tháng 8/2018, hàng trăm người Việt Nam đã bày tỏ sự tiếc thương và ghi vào sổ tang, coi ông như một “người bạn lớn” của Việt Nam. Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Peter Peterson từng nói rằng những gì hai nước đạt được trong mối quan hệ song phương này không phải là “điều kì diệu” - hàm ý không xảy ra một cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những nỗ lực không ngừng của cả hai bên.
Quan hệ Mỹ - Việt, mặc dù còn một số thách thức, đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực hợp tác, nổi bật nhất là 5 lĩnh vực: hợp tác an ninh, giải quyết hậu quả chiến tranh, kinh tế và thương mại, hợp tác năng lượng và ngoại giao nhân dân.
Trên lĩnh vực hợp tác an ninh, nhằm góp phần củng cố an ninh và ổn định trong khu vực, hai bên cam kết thúc đẩy hòa bình và tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế. Đại sứ đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm tin chiến lược giữa hai nước và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng niềm tin này.
Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử, đã gửi quân y tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Điều này cho thấy hai nước có thể trở thành đối tác cùng tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Ngoài ra, quân đội hai bên cùng hợp tác chia sẻ thông tin trong việc phòng chống bão lụt, thiên tai.
Toàn cảnh buổi nói chuyện. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Việc cùng nhau hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh là bước đi cần thiết để hướng tới một tương lai rộng mở và tích cực, bao gồm xử lí chất độc hóa học, chất độc màu da cam và tiếp tục tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh. Hai bên đã nỗ lực tiến hành tẩy độc dioxin ở Sân bay Đà Nẵng và xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa.
Về lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, quan hệ Mỹ - Việt đang phát triển nhanh. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt gần 54 tỷ USD. Mặc dù vậy, vẫn còn tồn tại việc gia tăng thâm hụt thương mại song phương.
Hợp tác về năng lượng cũng được hai nước quan tâm, do Việt Nam cần phải đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng để giữ vững sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng năng lượng cần phải đi kèm với việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Cuối cùng, Đại sứ chia sẻ về ngoại giao nhân dân, tình hữu nghị và triển vọng hợp tác giữa hai nước. Số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ đã vượt con số 30.000 và số lượng học sinh, sinh viên Mỹ sang Việt Nam ngày càng tăng cao. Có nhiều chương trình trao đổi cho học sinh, sinh viên như YSEALI, học bổng Fullbright, SUSI,… Đại sứ khẳng định một trong những mục tiêu hàng đầu của Mỹ là ngày càng đẩy mạnh hợp tác giáo dục với Việt Nam. Việc phát triển du lịch giữa hai nước cũng đầy triển vọng.