📞

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga: Bản lĩnh đối ngoại kiên định của Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN vượt qua sóng gió

Nguyễn Phạm 08:00 | 13/11/2020
TGVN. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp của Ban Thư ký quốc gia về ASEAN đã có những đánh giá về ý nghĩa của kỳ hội nghị lần này trong một năm 2020 đặc biệt.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đánh giá của Đại sứ về những điểm đáng chú ý của Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 lần này?

Kỳ hội nghị lần này là hoạt động lớn khép lại một năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Đây không chỉ là năm Chủ tịch ASEAN thường niên và định kỳ luân phiên, nó có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều, đã được bạn bè quốc tế và các thành viên ASEAN đánh giá. Đó là, vai trò và sáng kiến của Việt Nam, sự kiên định về bản lĩnh đối ngoại của Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN vượt qua sóng gió của đại dịch Covid-19.

Trong khi nhiều khuôn khổ hợp tác quốc tế như Diễn đàn hợp tác Á–Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC),... cho tới các khuôn khổ toàn cầu đều bị tác động mạnh mẽ, thì có lẽ ASEAN là điểm sáng lớn nhất trong bức tranh hợp tác chung trên thế giới hiện nay. Đà hợp tác không những được duy trì mà còn được thúc đẩy, nâng tầm hơn bao giờ hết để trở nên toàn diện. Với những sáng kiến, chương trình sáng tạo và năng động, chúng ta rất tự hào vì đã đóng góp được cho ASEAN.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 lần này khẳng định tất cả nỗ lực của cả một năm chúng ta đã đề ra trên tất cả các phương diện. Trong khuôn khổ kỳ hội nghị lần này sẽ thông qua một chương trình nghị sự quan trọng, đó là khung phục hồi tổng thể của ASEAN sau đại dịch Covid-19. Đây là vấn đề vô cùng lớn bởi đại dịch đã đảo lộn tất cả nỗ lực toàn cầu gần 30 năm qua về xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế, phát triển bền vững,… ASEAN đã kịp thời có giải pháp để ứng phó với khủng hoảng Covid-19 và phục hồi.

Một dấu ấn khác của kỳ hội nghị lần này là việc ASEAN khẳng định về một ASEAN kiên định và gắn kết; bền vững và hòa bình; trung lập. Có được những điều đó, ASEAN mới có thể phát huy được vai trò và phát triển vững mạnh. Khẳng định của ASEAN trong năm nay với những tuyên bố, đặc biệt là kỳ hội nghị lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng để định hướng cho ASEAN đến 2025 và thậm chí là cả sau đó.

Thêm vào đó, Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 đưa ra những quyết định lớn về tăng cường vai trò của ASEAN trên toàn cầu, trong thực hiện các cam kết quốc tế; thực hiện phát triển bền vững và trong các vấn đề hòa bình, an ninh; tăng cường quyền năng của phụ nữ; phát triển quan hệ của ASEAN với các đối tác,…Như vậy, kỳ hội nghị lần này khép lại một năm thành công với nhiều dấu ấn ở tầm mức cao của ASEAN, định hướng ASEAN trong nhiều năm tới.

Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN cũng là một điểm nhấn trong kỳ hội nghị quan trọng lần này. Đại sứ có thể chia sẻ rõ hơn về ý nghĩa của Hội nghị?

Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN mang tính dấu ấn của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 và là một trong những hội nghị quan trọng của kỳ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37. Trong ASEAN, có thể nói đây là hội nghị mang tính lịch sử, hội nghị cấp cao lần thứ 2 của Lãnh đạo nữ ASEAN trong lịch sử 53 năm hình thành và phát triển.

Là hội nghị lần thứ 2 của các lãnh đạo nữ ASEAN, thế nhưng tầm mức và thời điểm cũng như tính thiết thực của hội nghị lần này có thể nói ở tầm mức rất cao, toàn diện so với giai đoạn trước. Trong ASEAN, vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới cũng như vai trò của phụ nữ đã được bàn trong khoảng hơn 40 năm nay, đã hình thành được một số cơ chế như Ủy ban phối hợp trong ASEAN hợp tác về phụ nữ và bình đẳng giới. Thế nhưng, chỉ đến lần này, các vấn đề về bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ trong ASEAN mới được bàn một cách toàn diện với những chuỗi hoạt động lớn ở tầm bộ trưởng và cấp cao do Việt Nam đề xuất.

Từ Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, chúng ta đã có sáng kiến tổ chức phiên đặc biệt của các nhà lãnh đạo nữ ASEAN về tăng quyền năng, vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên số. Tiếp đó đến Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 53, cũng đã có một phiên họp đặc biệt khi lần đầu tiên các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bàn về vai trò của phụ nữ đóng góp vào duy trì hòa bình và an ninh bền vững. Đến kỳ họp Hội nghị Cấp cao 37 lần này, Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN bàn một cách toàn diện, ở tầm cao về vai trò và đóng góp của phụ nữ. Sự kiện lần này là động lực, cơ hội rất lớn cho phụ nữ ASEAN, đồng thời đánh dấu một quyết tâm ở mức cao nhất của các nước ASEAN.

Đại sứ đánh giá như thế nào về những đóng góp của phụ nữ ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển và bền vững?

Vai trò của phụ nữ trong ASEAN cũng như trên thế giới hiện nay trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội rất quan trọng. Bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ đã trở thành một mục tiêu chung của nhân loại trong việc thực hiện chương trình phát triển bền vững đến 2030.

Thế nhưng, hơn bao giờ hết, không phải chỉ vì những con số như phụ nữ chiếm tới 50% dân số thế giới thì đương nhiên phải tham gia vai trò lãnh đạo hay phải đóng góp mà còn là nhu cầu tất yếu của các nước trong bối cảnh vô cùng phức tạp như đại dịch Covid-19 với những hệ lụy khôn lường về mọi mặt.

Trong bối cảnh đó, phụ nữ là đối tượng bị tác động mạnh mẽ nhất và hiểu rõ nhất những tác động từ y tế tới đời sống, giáo dục, việc làm, thu nhập,… Do vậy, tiếng nói của phụ nữ đóng góp vào giải pháp chung cho việc ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như việc phục hồi hậu đại dịch là vô cùng quan trọng nhằm có được những giải pháp sáng tạo và toàn diện hơn.

Vai trò của phụ nữ trong phục hồi hậu đại dịch còn có một ý nghĩa quan trọng khác, đó là trong thời đại số đòi hỏi sự phát triển bền vững, các tiếp cận đa chiều, đa chủ thể, phát huy trí tuệ của tất cả thành phần, trong đó có vai trò của phụ nữ. Đại dịch Covid-19, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho thấy tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh mềm của phụ nữ, năng lực kết nối, năng lực cảm thông, thấu hiểu, bao dung cũng như khả năng thích ứng linh hoạt,… Trong ASEAN, chúng ta thấy rất rõ rằng ASEAN muốn có vai trò toàn cầu thì phải đóng góp vào những mục tiêu chung của nhân loại hiện nay, trong đó có bình đẳng giới và trao quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái.

Hợp tác tiểu vùng trong ASEAN đang được đẩy mạnh, Đại sứ đánh giá như thế nào về lĩnh vực hợp tác này?

Qua đại dịch Covid-19 hay những thiên tai có thể thấy rất rõ thách thức về phát triển ngày càng không lường và tương tác với nhau để tạo ra những hệ lụy rất lớn đối với người dân, các vùng miền, đặt biệt là các vùng sâu, vùng xa. Những khu vực như vậy luôn luôn là một ưu tiên hợp tác của ASEAN, tuy vậy, chưa có chương trình hay dự án hợp tác cụ thể nào. Lần này, hợp tác tiểu vùng đã đẩy lên thành một vấn đề lớn để ASEAN định hướng, thúc đẩy hợp tác. Hợp tác đó không chỉ là ở các nước ASEAN lục địa, các nước ASEAN ngoài biển đảo cũng có nhiều vùng sâu, vùng xa nghèo và trình độ phát triển thấp.

Chúng ta đã nắm được những quan tâm chung đó qua các thách thức phát triển hiện nay. Chúng ta thấy rõ an ninh không chỉ là an ninh về biên giới, lãnh thổ mà còn là an ninh về con người, nếu chúng ta không xử lý tốt sẽ có những tác động lớn, thậm chí là sự tồn vong của đất nước. Đây là một vấn đề mới và được nâng tầm hơn lên trong ASEAN, cách tiếp cận mới cũng rộng lớn hơn và trở thành một trọng tâm ưu tiên.