📞

Đại sứ Phạm Sanh Châu sắp trả lời phỏng vấn tại UNESCO

11:34 | 26/04/2017
Ông là người Việt Nam duy nhất trong 9 ứng cử viên trên toàn thế giới cho vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, ông sẽ là người thứ 6 bước vào cuộc thi vào lúc 9h30 (giờ Paris) ngày 27/4, tức 14h30 giờ Hà Nội. 

Được biết, quá trình phỏng vấn sẽ được truyền trực tiếp qua internet, vào lúc 9h45. Đại diện nhóm các nước Đông Âu là người đầu tiên đặt câu hỏi cho ứng viên Việt Nam, tiếp theo là các nước thuộc nhóm Mỹ Latin, châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi, Trung Đông và Tây Âu. Lần lượt, 9 ứng cử viên được phỏng vấn trong hai ngày 26 và 27/4.

Theo quy định mới, cuộc phỏng vấn này có thời lượng tối thiểu 90 phút. Trong thời gian đó, đại diện giám khảo 58 nước sẽ hỏi ứng viên bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến UNESCO.

Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết: “Ban Giám khảo sẽ hỏi rất cặn kẽ, từ việc giải quyết tài chính của UNESCO thế nào, vấn đề nhân sự ra sao… Nghe vậy nhưng không hề đơn giản  bởi UNESCO có ngân sách là 567 triệu USD, với 3.000 nhân sự tại hơn 200 quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, nếu không hiểu rõ về tổ chức này, cũng như cách điều hành của Tổ chức… thì rất khó làm hài lòng Ban Giám khảo”.

Đại sứ Phạm Sanh Châu. (Ảnh: Tuấn Anh)

Được biết, để trở thành ứng cử viên cho chức Tổng Giám đốc UNESCO, ứng cử viên phải hội đủ 5 tiêu chí: Thứ nhất là phải biết về hệ thống Liên hợp quốc; Thứ hai là có đủ số năm công tác tại UNESCO; Thứ ba là có kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo ở đất nước mà họ sống; Thứ tư là có khả năng truyền thông, khả năng hùng biện; Và, cuối cùng là phải sử dụng thành thạo ít nhất hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Pháp.

Chia sẻ với TG&VN, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho rằng, để đảm nhiệm tốt vai trò người đứng đầu của một tổ chức lớn nhất thế giới về văn hóa thì trước tiên, các ứng viên phải là người tiêu biểu về đạo đức. Tiếp theo, đó phải là người có tầm nhìn - để có thể vạch ra những kế hoạch hành động cụ thể, dài hơi và bền vững. Thứ ba, UNESCO là tổ chức đa quốc gia, nên ứng viên phải là người biết gắn kết mọi người, phát huy sức mạnh tập thể.

Theo hiến chương của UNESCO, vị trí Tổng Giám đốc do Hội đồng chấp hành đề cử và được Đại hội đồng bổ nhiệm với nhiệm kỳ là 4 năm. Vị trí Tổng giám đốc có thể được bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ và chỉ được bầu nhiều nhất là 2 nhiệm kỳ. Tổng giám đốc là người điều hành cao nhất của UNESCO.

Theo trang web chính thức của UNESCO, người được Hội đồng Chấp hành đề cử sẽ được lựa chọn thông qua hình thức bỏ phiếu kín vào phiên họp thứ 202 của Hội đồng này, tổ chức vào tháng 10/2017. Sau đó, Chủ tịch Hội đồng Chấp hành sẽ thông báo cho Đại hội đồng UNESCO vào phiên họp thứ 39 của Đại hội đồng vào tháng 11/2017 về ứng cử viên do Hội đồng Chấp hành đề cử. Đại hội đồng khi ấy sẽ xem xét trường hợp được đề cử và sau đó bỏ phiếu kín về người do Hội đồng Chấp hành đề xuất.