Đại sứ Phạm Việt Anh tiếp đại diện các đối tác Hà Lan trong hợp tác về trồng trọt với Việt Nam. |
Đây là hình thức hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước, có sự tham gia và hỗ trợ của các viện nghiên cứu và cơ quan Chính phủ, Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội và Đại sứ quán Việt Nam tại La Haye.
Từ năm 2016, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan mà nòng cốt là Bộ phận Thương vụ đã phối hợp với một số đối tác Hà Lan hình thành ý tưởng lập diễn đàn kết nối các đối tác làm việc trong lĩnh vực trồng trọt, một ngành mà Hà Lan vốn có nhiều thế mạnh, có thể bổ sung và hỗ trợ rất tốt cho Việt Nam. Như hạn gặp mưa, sau một thời gian kết nối, vận động tích cực của cả hai phía, những thành viên sáng lập ban đầu đã gặp gỡ, trao đổi và thúc đẩy cả nội dung và thủ tục cần thiết để ngày 10/4/2019, Cục Trồng trọt- Bộ Nông nghiệp Việt Nam đại diện cho các đối tác Việt Nam và Diễn đàn doanh nghiệp trồng trọt Hà Lan - Việt Nam kịp ký Thỏa thuận hợp tác trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Hà Lan tại Việt Nam.
Tiệc kết nối sau Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác NVHBP. |
Mô hình hoạt động của Hiệp hội là sự hợp tác, kết nối, cùng làm việc, tạo mối quan hệ lâu bền thông qua việc chia sẻ kiến thức, công nghệ, kinh nghiệm và nguồn lực của các đối tác trong chuỗi giá trị thuộc lĩnh vực trồng trọt. Qua Hiệp hội này, các đối tác Hà Lan mong muốn tham gia vào thị trường Việt Nam đang phát triển năng động, đồng thời thúc đẩy chia sẻ và thương mại công nghệ, giống cây của Hà Lan vào Việt Nam.
Cũng qua Hiệp hội này, các đối tác Hà Lan mong muốn góp phần đưa ngành trồng trọt của Việt Nam lên một tầm cao mới dựa trên việc thiết lập và áp dụng một cách hiệu quả những cách thức và phương pháp của Hà Lan để cho ra đời những sản phẩm rau, hoa, quả, cây xanh sạch, chất lượng cao và bền vững.
Mục tiêu của Hiệp hội: - Tạo ra lợi nhuận cho thành viên, - Phát triển và triển khai những dự án cụ thể trong và ngoài Hiệp hội, - Sản xuất sạch, sản phẩm tươi nhờ phương pháp trang trạithông minh, - Rút ngắn chuỗi cung ứng, giảm thiểu tiêu hao và rác thải, - Tăng thu nhập và lợi nhuận cho người sản xuất. Nhiệm vụ của Hiệp hội: - Xác minh các cơ quan, tổ chức và đối tác thương mại để thành viên có thể yên tâm kết nối lâu bền - Chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực để hỗ trợ tham gia thị trường đang nổi của Việt Nam đồng thời thúc đẩy, chia sẻ và thương mại các công nghệ Hà Lan vào Việt Nam. - Tạo điều kiện cho các thành viên Việt Nam thâm nhập thị trường Châu Âu. |
Tuy mới thành lập nhưng Hiệp hội đã có10 hội viên vàng, gồm 9 hội viên Hà Lan và 1 gương mặt doanh nghiệp Việt là Công ty Thiên Điểu, đơn vị chuyên nhập khẩu giống hoa từ Hà Lan về trồng tại Việt Nam từ ngót 10 năm nay. Hiệp hội có 2 hội viên Bạc (Khu Công nghiệp Sinh Thái Nam Cầu Kiền và Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình), trên 20 thành viên khảo sát (Exlporer), cùng nhiều đơn vị hỗ trợ từ Việt Nam, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Học viện Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu Rau quả, UBND các tỉnh Thái Bình, Vĩnh Phúc, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM… Về phía Hà Lan có Tổ chức PUM, Trường Đại học Wageningen, Phòng Thương mại Hà Lan – Việt Nam (NVCC), Tổ chức NL.IN.BUSINESS...
Từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp trở lực lớn là dịch Covid-19, Hiệp hội cũng đã tổ chức khá thường xuyên hoạt động. Các thành viên và đối tác hỗ trợ đã tích cực đồng tổ chức và tham gia các cuộc hội thảo chuyên sâu cả trong Nam và ngoài Bắc, giới thiệu tiềm năng, nhu cầu, phương pháp, công nghệ và giải pháp, như: ‘Bồi dưỡng kiến thức về trồng hoa công nghệ cao Hà Lan’ cho cán bộ và học viên Trường Nông nghiệp Thái Bình, ‘Hội thảo tham vấn xây dựng Trung tâm Trưng bày Nông nghiệp Công nghệ cao tại Khu Công nghiệp Sinh Thái Nam Cầu Kiền – Hải Phòng’… Diễn đàn này đã thiết thực đem lại cho hội viên nhiều kiến thức và cơ hội bổ ích.
Những thành viên đầu tiên của NVHBP. |
Tạm thời, các bên chưa có được nhiều dự án chung. Các thành viên vẫn đang nỗ lực khắc phục các chênh lệch về quy mô, trình độ công nghệ, sự khác biệt trong thói quen canh tác, thổ nhưỡng, cây trồng, sự đòi hỏi của thị trường…để đem lại thành quả tích cực các thành viên trong thời gian sớm nhất.
Buổi tiếp không còn thuần túy là cuộc chào xã giao, mà đã trở thành cuộc trao đổi ý kiến với nhiều câu hỏi, thể hiện sự băn khoăn, quan tâm của các đối tác Hà Lan đối với cơ chế vận hành, sự hỗ trợ của Nhà nước ta đối với nông dân và các dự án nông nghiệp... Đại sứ Việt Nam khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và có chính sách ưu tiên cho nông nghiệp, mong muốn phát triển nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng theo hướng hiện đại và bền vững để tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, chất lượng cao, không chỉ cho tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu. Vì vậy, Việt Nam cần sự góp sức của công nghệ và kinh nghiệm tiên tiến của nhiều nước, trong đó có Hà Lan.
Đại sứ cũng khẳng định, đây là mô hình hợp tác có sự tham gia hỗ trợ tích cực từ Chính phủ Việt Nam, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, cũng như từ phía Hà Lan là Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội. Vì vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan sẽ tích cực hợp tác, hỗ trợ NVHBP tìm kiếm đối tác Việt Nam, cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách và tình hình phát triển nông nghiệp Việt Nam để NVHBP thông tin lại cho các đối tác Hà Lan. Mặt khác, Đại sứ quán cũng sẽ nỗ lực thông tin để ngày càng nhiều người Việt Nam biết đến mô hình hợp tác này để tham gia và hưởng lợi.
Trong trao đổi với Đại sứ Phạm Việt Anh, Ban lãnh đạo và đại diện các thành viên Hà Lan trong Hiệp hội đã thông tin vắn tắt về tình hình triển khai một số dự án cụ thể tại Việt Nam. Các đối tác Hà Lan đánh giá Việt Nam là nơi có tiềm năng dồi dào để phát triển trồng trọt công nghệ cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu do có tài nguyên đất tốt, nguồn nhân lực cho nông nghiệp chất lượng và sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền, đồng thời, bày tỏ mong muốn góp phần đưa ngành trồng trọt của Việt Nam lên một tầm cao mới dựa trên việc thiết lập và áp dụng một cách hiệu quả những cách thức và phương pháp của Hà Lan để cho ra đời những sản phẩm rau, hoa, quả, cây xanh sạch, chất lượng cao và bền vững.
Đại sứ Phạm Việt Anh đề nghị Lãnh đạo NVHBP và các đối tác Hà Lan cần cảm thông, chia sẻ nhiều hơn, có nhiều hình thức phong phú và linh hoạt hơn trong cách thức hợp tác, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả hợp tác. Đồng thời, Đại sứ ta cũng kêu gọi mỗi đối tác Hà Lan hãy là một nhà đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt nhiều tiềm năng của Việt Nam với một thị trường lớn 90 triệu dân, lực lượng lao động nông nghiệp dồi dào và là cửa ngõ vào các thị trường ASEAN và khu vực.
Nội dung cuộc trao đổi và các ý kiến gợi ý của Đại sứ được các đối tác Hà Lan hưởng ứng và đánh giá cao. Buổi gặp gỡ kết thúc trong không khí thân tình và hữu nghị.