Nhỏ Bình thường Lớn

Đại sứ quán Phần Lan tại Mỹ: Vừa xanh, vừa kinh tế

Không chỉ dừng lại ở việc cải tạo sứ quán thành tòa nhà xanh thân thiện với môi trường, Đại sứ quán Phần Lan ở Mỹ cũng đi đầu trong việc hình thành ý thức của nhân viên sứ quán về một cuộc sống xanh.
Đại sứ Phần Lan tại Mỹ Koukku – Ronde.

Quyết định biến Đại sứ quán Phần Lan ở Mỹ thành biểu trưng của một công trình xanh thân thiện với môi trường được xúc tiến mạnh mẽ vào năm 2000 khi người chịu trách nhiệm bảo trì sứ quán tìm cách cắt giảm chi phí năng lượng ngày càng tăng cao của Đại sứ quán.

"Chúng tôi đã có một tòa nhà rất tốt, nhưng hóa đơn điện và nước cũng rất cao", Đại sứ Phần Lan Ritva Koukku-Ronde nói. "Và khi quản lý của chúng tôi bắt đầu thay thế các bóng đèn cũ bằng các loại bóng đèn mới tiết kiệm năng lượng hiệu quả hơn, ông ấy cũng đã để mắt đến hệ thống điều hòa nóng lạnh, vòi nước,… để tìm cách tiết kiệm năng lượng."

Cuối cùng, những bước cải tạo được tiến hành ở Đại sứ quán Phần Lan ở Mỹ đã không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng hiệu quả mà còn trở thành một tòa kiến trúc xanh với những điểm nhấn kiến trúc bền vững trong số các sứ quán ở Washington.

Bền vững và thẩm mỹ

Năm 2008, Đại sứ quán Phần Lan trở thành sứ quán đầu tiên ở Mỹ được nhận giải thưởng Energy Star của Cơ quan Bảo vệ môi trường vì tính năng tiết kiệm năng lượng cao. Năm 2010, tòa nhà trở thành đại sứ quán đầu tiên tại Mỹ được trao Chứng chỉ thiết kế đi đầu trong việc bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng (LEED) do Hội đồng Xây dựng Xanh của Mỹ trao. Tháng 12/ 2014, trở thành đại sứ quán đầu tiên tại Mỹ nhận được Chứng chỉ bạch kim và đây là chứng chỉ bạch kim thứ hai trên thế giới được Hội đồng Xây dựng Xanh trao tặng (Chứng chỉ được trao đầu tiên cho Đại sứ quán Mỹ tại Helsinki).

Tòa nhà Đại sứ quán Phần Lan tại Mỹ.

"Chứng chỉ LEED không phải là một chứng nhận có giá trị vĩnh viễn", Đại sứ Koukku-Ronde nói. Bởi thế, Đại sứ Koukku-Ronde cho rằng các giải pháp tiết kiệm năng lượng bền vững thường xuyên phải duy trì và cải tiến.

Với kiến trúc hiện đại, Đại sứ quán Phần Lan nằm đối diện nơi ở của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, dưới những tán cây lớn và các cây dây leo, phản ánh tình yêu thiên nhiên của người Phần Lan, trong khi các bức tường kính rộng phản ánh cam kết minh bạch của đất nước này.

Các chuyên gia đánh giá đó là một công trình kiến trúc tiên phong, có sự kết hợp tuyệt vời giữa một thiết kế thân thiện với môi trường và tính thẩm mỹ. Đại sứ Koukku-Ronde cho biết quá trình phủ xanh đại sứ quán được thực hiện dễ dàng bởi ngay từ đầu, tòa nhà đã được thiết kế với những tính năng sử dụng hiệu quả năng lượng tự nhiên. Mặc dù khi đó các tiêu chuẩn công trình xanh ở Mỹ không phổ biến như hiện tại nhưng tiêu chuẩn của Phần Lan vẫn được áp dụng.

Tòa nhà Đại sứ quán Phần Lan tại Mỹ.

"Khi đại sứ quán được xây dựng cách đây 20 năm, các khía cạnh môi trường không được coi trọng rộng rãi như ngày nay, nhưng các kiến ​​trúc sư thiết kế tòa nhà không chỉ đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn xây dựng của Washington DC và Mỹ, mà còn sử dụng các quy chuẩn xây dựng của Phần Lan", Đại sứ Koukku-Ronde giải thích. "Họ đã sử dụng vật liệu địa phương và thiết kế tòa nhà có thể tận dụng ánh sáng tự nhiên."

Ngày nay, cam kết xanh đó đã được phát huy ở tất cả các thiết bị trong đại sứ quán. Các nhà vệ sinh và vòi nước được trang bị các thiết bị tiết kiệm nước và tái chế là một ưu tiên hàng đầu.

Để đạt được Chứng nhận bạch kim, đại sứ quán đã đầu tư khoảng 150.000 USD, số tiền bà Koukku-Ronde nói đại sứ quán thu lại được trong năm đầu tiên khi tiêu thụ khí gas của Đại sứ quán giảm 65%, tiết kiệm 50% điện và 30% nước so với giữa những năm 2000.

Hơn cả tiết kiệm

Nhưng hơn cả tiết kiệm, đó là ý thức trách nhiệm về tiết kiệm năng lượng của toàn bộ nhân viên sứ quán là một thành quả quan trọng, Đại sứ Koukku-Ronde cho biết.

"Toàn bộ nhân viên đại sứ quán đã thực hiện công việc này thật tuyệt vời, tất cả mọi người đã có ý thức hơn về việc tái chế, hoặc không bật điều hòa quá mát khi bên ngoài trời rất nóng…".

Tòa nhà Đại sứ quán Phần Lan tại Mỹ.

Đại sứ Koukku-Ronde thêm rằng, không dừng ở việc “điểm xanh” cho tòa nhà, chiếc xe của Đại sứ cũng được các nhân viên thay bằng xe tiết kiệm tối đa năng lượng và nhân viên được khuyến khích đi bộ, xe đạp hoặc sử dụng giao thông công cộng đi làm. Thậm chí, sứ quán còn mua ba chiếc xe đạp cho nhân viên sử dụng chung.

"Mọi người đang rất phấn khích khi sứ quán nhận được Chứng chỉ bạch kim", Đại sứ Koukku-Ronde nói.

Ngoại trưởng Phần Lan Peter Stenlund cho biết động lực đằng sau thiết kế của đại sứ quán không chỉ cao cả mà còn rất thực tiễn. "Tính bền vững luôn luôn cần sự cân bằng giữa các mục tiêu xã hội, kinh tế và sinh thái. Điều quan trọng là phải hiểu được sự bền vững cũng đưa lại lợi ích cho kinh doanh và tăng năng suất. Những giải pháp xanh thông minh không chỉ tuyệt vời về mặt sinh thái mà còn có ý nghĩa về mặt kinh tế."

Đại sứ Koukku-Ronde nhấn mạnh: "Chúng tôi đang tiết kiệm khoảng 150 nghìn USD mỗi năm, chỉ tính riêng về chi phí bảo trì."

MAI THẢO (Theo Washington Diplomat)