TIN LIÊN QUAN | |
Dịch Covid-19: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ hỗ trợ người Việt có nguyện vọng về nước | |
Đại sứ Phạm Sanh Châu: 'Ngày hạnh phúc nhất trên đất Ấn Độ huyền bí' |
Công dân Việt Nam xếp hàng làm thủ tục lên máy bay về nước. |
Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến khó lường buộc Chính phủ Ấn Độ phải sớm ra các biện pháp "mạnh tay" như đóng cửa biên giới, tạm dừng các chuyến bay quốc tế, hủy thị thực, áp dụng lệnh giới nghiêm... Những biện pháp này ảnh hưởng rất lớn đến đông đảo người Việt Nam đang du lịch, học tập, làm việc... tại Ấn Độ trong thời điểm "nóng ran" vì dịch bệnh.
Đặc biệt là thông tin Ấn Độ chính thức tạm ngừng các chuyến bay quốc tế từ 22/3 làm cho nhiều người Việt đang có mặt ở đất nước sông Hằng không khỏi lo lắng...
Theo chia sẻ trên Facebook cá nhân của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, chỉ vài giờ trước khi lệnh đóng cửa sân bay của Chính phủ Ấn Độ có hiệu lực, tổng đài bảo hộ công dân của Đại sứ quán nóng lên vì liên tục nhận được nhiều cuộc gọi của bà con từ khắp các nơi trên Ấn Độ. Chưa kể điện thoại, facebook cá nhân, viber của rất nhiều cán bộ từ Đại sứ đến nhân viên dồn dập tin nhắn từ trong nước nhờ giúp đỡ người thân.
Đại sứ Phạm Sanh Châu nêu rất cụ thể, đó là những người Việt đang học thiền và Yoga tại Gujarat, Rishikesh - hai địa phương hiện đã cấm tổ chức các hoạt động đông người. Đó là những người Việt đang cùng bạn bè hành hương tới các di tích Phật giáo ở các vùng xa xôi như Kushinagar, Varanasi - nơi phương tiện đi lại ngày càng khó khăn.
Đó là những người Việt đang theo các khóa tu tập tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya). Đó là những sinh viên đang học tập, người lao động đang làm ăn, sinh sống ở các thành phố lớn như New Delhi, Mumbai, Pune…
"Họ lo vì visa thì sắp hết hạn mà đường về thì ngày càng khó. Các chuyến bay đặt rồi nay vì tình thế dịch bệnh đã bị hủy hết. Nhiều khách sạn Ấn Độ từ chối không nhận khách nước ngoài. Giờ mà kẹt thì biết ăn, ở đâu? Có tiền còn không có chỗ ở thì những người không có đủ tài chính sẽ ra sao?", Đại sứ chia sẻ.
Nỗi lo chồng chất nỗi lo. Ai cũng muốn về!
Thấu hiểu những tâm tư đó của bà con, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã từ sớm "âm thầm" vận động cho một chuyến bay đưa bà con về nước trở thành hiện thực. Biết bao cuộc điện thoại, biết bao thư điện tử, biết bao tin nhắn trao đi đổi lại.
Đích thân Đại sứ đã đề nghị hãng hàng không Vietjet đổi máy bay to hơn để có thể chở đông khách hơn, mở bán vé online để mọi người thuận tiện mua vé, huỷ vé người nước ngoài để nhường suất cho bà con người Việt. Đại sứ quán cũng phải làm việc với các cơ quan chức năng của Ấn Độ, nào là xin giấy phép bay mới cho máy bay to hơn, thông báo chuyến cuối có thể đến trễ để họ cho nhập cảnh...
Đại sứ quán cũng sớm ra thông báo sơ bộ cho bà con ở xa biết tin về khả năng có một chuyến bay thẳng đưa bà con về nước để bà con có kế hoạch về New Delhi kịp nối chuyến. Cán bộ phòng lãnh sự của Đại sứ quán còn gọi điện đến từng du học sinh có nguyện vọng về nước, hỏi rõ từng hoàn cảnh (hạn visa, điều kiện ăn ở, các kỳ thi, phương án di chuyển...) và có khuyến nghị với từng trường hợp.
Và cuối cùng, chuyến bay của hãng hàng không Vietjet mang tên VJ972 chở 220 người Việt Nam đã cất cánh lúc 0h ngày 22/3 vừa vặn trước giờ G cấm xuất nhập cảnh các chuyến bay quốc tế tại Ấn Độ và hạ cánh an toàn ở Hà Nội vào sáng nay (22/3).
Công dân Việt Nam trước giờ máy bay cất cánh. |
Đại sứ Phạm Sanh Châu gọi là đó "một chiến dịch giải cứu nho nhỏ và thầm lặng", nhưng chúng tôi hiểu rằng đó là biết bao tâm sức của những nhà ngoại giao đang làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam, khi vẫn còn ngổn ngang những nỗi lo về dịch bệnh đối với bản thân mình hay những thành viên trong gia đình...
Khi chuyến bay hạ cánh ở Việt Nam, mang theo niềm vui đoàn tụ của bà con cũng là lúc các nhà ngoại giao trực tiếp làm công việc này "thở phào nhẹ nhõm và đêm nay chắc sẽ ngủ ngon hơn". Tuy vậy, Đại sứ Phạm Sanh Châu vẫn còn trăn trở vì rằng "vẫn còn những người dân Việt chưa kịp về và phải ở lại đâu đó trên đất nước rộng lớn hơn 3 triệu km vuông này.
Chúng tôi chỉ muốn nhắn với họ rằng họ hãy yên tâm vì Đại sứ quán thay mặt Nhà nước Việt Nam ở đây sẽ không bao giờ bỏ rơi họ, những người con đất Việt".
Ấn Độ hiện đã ghi nhận 324 ca nhiễm bệnh Covid-19, trong đó 5 ca tử vong. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã tiến hành nhiều biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này. Cũng như ở nhiều quốc gia khác, dịch bệnh đang đảo lộn cuộc sống ở đất nước 1,3 tỷ dân, và cũng có dự báo về nguy cơ trở thành "ổ dịch" tiếp theo...
Công việc của Đại sứ quán Việt Nam, vì thế, cũng sẽ nặng gánh hơn nữa trong thời gian tới. Nhưng không phải vì thế mà làm họ chùn bước.
Như lời nhắn nhủ của Đại sứ Phạm Sanh Châu, "Nếu cần, chúng tôi nguyện là những người lính cuối cùng chỉ rời khỏi đất nước này khi tất cả bà con bình an và khi được cấp trên cho phép. Chúng tôi, những nhà ngoại giao cũng như các thuỷ thủ quyết ở trên con tàu này bình tĩnh và tự tin để lái nó vượt qua vùng tâm bão!".
Như lời kêu gọi “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ, dành mọi ưu tiên tốt nhất để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân, để không ai bị bỏ lại phía sau!
Những công dân cần sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, đề nghị liên hệ theo số đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán là: +91 7303625588, hoặc số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao là: +84 981 848484. |
Báo Đức ca ngợi Việt Nam chủ động và quyết liệt trong phòng chống dịch Covid-19 TGVN. Tờ nhật báo Thế giới trẻ (Junge Welt) của Đức đã có bài viết ca ngợi sự phản ứng nhanh và quyết liệt của ... |
Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan khuyến cáo công dân tuân thủ các biện pháp chống dịch Covid-19 TGVN. Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan khuyến cáo người Việt tại Thái Lan cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ... |
Dịch Covid-19: Thêm nhiều nước tạm ngừng các chuyến bay nội địa và quốc tế TGVN. Lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nhiều nước đã cấm các chuyến bay giữa các khu vực và các nước nhằm ... |