Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Đại sứ Jaya Ratnam đến chào xã giao sau khi bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam, ngày 26/5. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Công tác phòng chống Covid-19 ‘ấn tượng’ của Việt Nam
Đại sứ đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam, cũng như vai trò của ngoại giao Việt Nam trong công tác này? Theo Đại sứ, tình hình đại dịch Covid-19 phức tạp đã tác động ra sao tới hợp tác Việt Nam-Singapore thời gian qua?
Công tác phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam rất ấn tượng và quan trọng hơn là rất hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch và bảo vệ tất cả chúng ta - người Việt Nam cũng như cộng đồng người nước ngoài tại đây.
Trong suốt đại dịch, Việt Nam đã nỗ lực kiểm soát và ngăn chặn sư lây lan của virus, đồng thời tăng cường đáng kể năng lực y tế, giảm thiểu tối đa các ca nhập viện và tử vong. Ấn tượng hơn cả là tốc độ bao phủ vaccine thần tốc tại Việt Nam từ tháng 3/2021, cho thấy năng lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam để đưa đất nước an toàn tiến vào trạng thái bình thường mới.
Công tác ngoại giao đóng vai trò nổi trội trong suốt cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này. Ngay từ những ngày đầu đại dịch, ngoại giao Việt Nam đã hỗ trợ hiệu quả công tác trao đổi thông tin và kinh nghiệm về phòng, chống dịch giữa Chính phủ và các nước vào giai đoạn then chốt.
Đặc biệt, tháng 9/2021 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong đã họp trực tuyến, trao đổi thông tin về kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19. Ngoại giao cũng là kênh thể hiện tình hữu nghị, đoàn kết thông qua viện trợ và chuyển giao trang thiết bị y tế, thuốc men và vaccine giữa các nước.
Trong giai đoạn khó khăn của từng bên vừa qua, Singapore và Việt Nam đã giúp đỡ lẫn nhau thông qua viện trợ về trang thiết bị y tế. Đặc biệt, ngoại giao cũng giúp các bên đưa ra các quyết định chung hướng tới tái mở cửa, hồi phục và tăng cường sự bền bỉ của nền kinh tế. Đơn cử như trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, khối đã thiết lập các cơ chế nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực của đại dịch tới cộng đồng như Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khu vực ASEAN và Khung phục hồi tổng thể ASEAN.
Đại dịch buộc hợp tác giữa Việt Nam và Singapore phải có điều chỉnh. Một vài thay đổi đã mang tới kết quả tích cực. Hai bên đã tận dụng hiệu quả lợi thế về công nghệ để thảo luận, dự họp trực tuyến. Các phiên Tham khảo Chính trị Singapore - Việt Nam lần thứ 13 và 14, diễn ra theo hình thức trực tuyến năm 2020 và 2021, đều kết thúc tốt đẹp.
Mặt khác, đại dịch đã làm giảm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực khác như công tác, học tập, thăm thân nhân hay giải trí từ cả hai bên. Tuy nhiên, bất chấp thách thức, quan hệ chính trị và kinh tế song phương đang tiếp tục nở rộ.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, Tiến sĩ Vivian Balakrishnan đã thăm Hà Nội tháng 6/2021 vừa qua và gặp gỡ nhiều lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Trong năm 2020 và 11 tháng đầu năm 2021, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, qua đó cho thấy sự tin tưởng của chúng tôi đối với sự bền bỉ và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.
Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam. |
Có thể thấy, hợp tác y tế phòng, chống đại dịch Covid-19 đã trở thành một điểm sáng trong quan hệ hai nước. Trước nguy cơ mới từ biến thể Omicron của SARS-CoV-2, Việt Nam và Singapore cần làm gì để tăng cường phòng chống dịch, đảm bảo quyền, lợi ích của nhân dân hai nước?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liệt Omicron vào danh sách các biến thể đáng quan tâm. Nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để xác định tốc độ lây nhiễm, thời gian ủ bệnh và lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng của các ca nhiễm và hiệu quả của vaccine hiện hành.
Cả Singapore lẫn Việt Nam đều đã rút ra được nhiều bài học về đối phó với các làn sóng trước đó của virus và hiện đang theo dõi sát sao mọi diễn biến liên quan, thông tin về biến thể mới này.
Cùng lúc đó, hai bên cũng đang đẩy mạnh giám sát, thắt chặt các quy định về xét nghiệm, truy vết và cách ly, củng cố năng lực y tế và tăng tốc độ phủ vaccine. Đây là các biện pháp thận trọng nhưng cần thiết và có trách nhiệm, nhằm đảm bảo sức khỏe và tính mạng của người dân, cho phép các hoạt động kinh tế - xã hội tiếp tục diễn ra an toàn.
Cả hai nước cũng tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong điều phối phản ứng trước đại dịch nhằm hỗ trợ lẫn nhau tốt hơn trong việc dẫn dắt con đường đầy sóng gió tới bình thường mới.
Vì một quan hệ Singapore-Việt Nam bền chặt hơn
Bên cạnh phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19, một mục tiêu cấp bách hiện nay của cả Việt Nam và Singapore là phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh, bền vững sau đại dịch. Trong bối cảnh đó, theo Đại sứ, hai bên có thể hợp tác trong lĩnh vực nào để “cùng thắng”?
Trước mắt, Việt Nam và Singapore nên tiếp tục hợp tác về các quy định nhằm khôi phục các chuyến bay thương mại giữa hai nước một cách an toàn và có chuẩn mực rõ ràng, như công nhận hộ chiếu vaccine Covid-19 của nhau và tiêm chủng đầy đủ với các làn đi lại.
Đây là các biện pháp cần thiết để duy trì dòng chảy thương mại và đầu tư xuyên biên giới, hiện có vai trò then chốt trong hỗ trợ tăng trưởng và tạo việc làm cho nền kinh tế hai nước. Nối lại chuyến bay thương mại với các biện pháp phòng chống dịch cần thiết cũng góp phần hồi sinh các ngành nghề kinh tế chủ chốt vốn chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch như dịch vụ, giao thông và sản xuất.
Chính phủ, doanh nghiệp hai bên cũng đang tìm kiếm những chân trời cơ hội để mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực đang nổi lên như đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thành phố thông minh, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng và hậu cần. Tháng 6 vừa qua, hai bên đã thành lập nhóm công tác về hợp tác kinh tế số. Đây là những dấu hiệu đáng mừng cho thấy hai nước không chỉ đơn thuần là phản ứng trước tình hình hiện nay, mà còn nắm bắt cơ hội đến từ khủng hoảng để chủ động lên kế hoạch, phối hợp vì một tương lai tươi sáng hơn.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 14 Tham khảo chính trị Việt Nam – Singapore theo hình thức trực tuyến, ngày 9/11/2021. |
Xin Đại sứ có thể chia sẻ về một số định hướng phát triển trong giao lưu nhân dân giữa hai nước thời gian tới, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước năm 2023?
Bất kỳ mối quan hệ bền vững nào đều có trọng tâm là tính gắn kết giữa các cộng đồng, mối quan hệ hữu nghị và sự tin tưởng được xây dựng, củng cố qua thời gian. Chính phủ hai nước đang nỗ lực hợp tác, củng cố giao lưu nhân dân, đặc biệt giữa giới trẻ hai nước. Một điểm nhấn trong quan hệ Singapore – Việt Nam là ưu tiên chung cho phát triển nhân lực. Vì thế, chúng tôi rất vui mừng khi tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Trung tâm Đào tạo Việt Nam – Singapore (được nâng cấp và đổi tên thành Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Singapore vào năm 2018), đồng thời chào đón học viên Việt Nam thứ 20.000 tham dự Chương trình Hợp tác Singapore hồi tháng 11/2021.
Bên cạnh đào tạo năng lực cán bộ, các cơ sở đào tạo của Singapore cũng là điểm đến của nhiều du học sinh Việt Nam, với không ít trong số đó giành được học bổng. Nhiều cơ sở đào tạo Singapore đã thiết lập quan hệ với trường đối tác ở Việt Nam. Một khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chúng tôi mong muốn gửi thêm sinh viên Singapore sang Việt Nam qua các hoạt động thực tập, thăm quan, trải nghiệm thực tế và giao lưu, trao đổi. Đây là cơ hội để họ khám phá, hiểu nhiều hơn về xã hội, văn hóa và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Trước đại dịch, lượng khách du lịch giữa Singapore và Việt Nam được duy trì và trên đà tăng trưởng. Chúng tôi mong xu hướng này sẽ sớm trở lại khi hai bên chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm ký kết đối tác chiến lược vào năm 2023.
Năm 2021 đang dần khép lại và Đại sứ sẽ đón Tết Âm lịch đầu tiên của mình tại Việt Nam. Đâu là điều ngài mong chờ nhất trong sự kiện này? Đại sứ có gì muốn nhắn gửi tới người dân Việt Nam nhân dịp Tết đến, Xuân về?
Tôi rất háo hức khi sắp được trải nghiệm Tết tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2022 tới. Singapore và Việt Nam đều đón mừng Tết Âm lịch. Đây là dịp để gia đình, bạn bè sum vầy và đón chờ năm mới tốt đẹp hơn. Tôi cảm thấy may mắn vì có gia đình đồng hành cùng mình tại Việt Nam và mong cùng họ khám phá thêm đất nước tươi đẹp của các bạn trong dịp Tết. Nhân dịp này, tôi xin gửi tới người dân Việt Nam lời chúc sức khỏe, an khang, thịnh vượng và hạnh phúc trong năm 2022 sắp tới.
Xin cảm ơn Đại sứ!
| Trao Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao về công tác bảo hộ công dân và phòng chống dịch Covid-19 Chiều 25/11, tại Trụ sở Bộ, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng trao Bằng khen ... |
| Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết Dịch bệnh đặt con người trước thử thách sinh tử, thì cách tốt nhất để bảo đảm cho người dân thụ hưởng đầy đủ các ... |