Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU lần thứ 24, ngày 2/2 tại Brussels (Bỉ). (Ảnh: Kim Giang) |
Theo Đại sứ, đâu là điểm nhấn nổi bật của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 24 lần này?
Hội nghị Cấp cao ASEAN-EU ngày 14/12/2022 kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU đã tạo động lực mới cho quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU.
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo và Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2027 được thông qua tại Hội nghị cấp cao đã chỉ ra những ưu tiên rõ ràng cho quan hệ Đối tác chiến lược này trên các trụ cột là hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.
Đại sứ EU tại ASEAN Sujiro Seam. (Nguồn: NVCC) |
Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU lần thứ 24 tại Brussels lần này cho phép các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và EU theo dõi việc thực hiện Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN-EU và Kế hoạch hành động đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2022, đồng thời trao đổi về các định hướng tương lai của quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU.
Vai trò của Việt Nam trong việc kết nối hai tổ chức khu vực quan trọng ASEAN và EU được thể hiện như thế nào, thưa Đại sứ?
Với vị trí địa chiến lược và nền kinh tế năng động, Việt Nam là đối tác quan trọng để thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU.
EU có nhiều thỏa thuận với Việt Nam hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong ASEAN, bao gồm Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (đã giúp Việt Nam tăng trưởng thương mại đáng kể); khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA), theo đó Việt Nam đồng ý hỗ trợ Phái đoàn gìn giữ hòa bình EU tại nước thứ ba (hiện có 2 sĩ quan Việt Nam đang phục vụ tại Phái đoàn huấn luyện EU tại Cộng hòa Trung Phi).
Thêm vào đó, EU đang đồng chủ trì Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) với Việt Nam, điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho Việt Nam đạt được các mục tiêu trung hòa về khí hậu. Sự hợp tác này cũng cho thấy tầm quan trọng của việc quá trình chuyển đổi phải diễn ra công bằng và bình đẳng; đòi hỏi phải tham vấn thường xuyên, bao gồm cả với xã hội dân sự để đảm bảo sự đồng thuận rộng rãi, từ đó xây dựng một quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam là thành viên chủ chốt của ASEAN và là đối tác quan trọng của EU khi thúc đẩy quan hệ với khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã ủng hộ việc thúc dẩy nâng cấp quan hệ EU-ASEAN lên Đối tác chiến lược vào năm 2020.
Cũng trong năm 2020, Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN đã mời EU lần đầu tiên tham dự ADMM+ với tư cách khách mời của Chủ tịch ASEAN.
Ngoài ra, EU còn đồng tổ chức (cùng với Australia, New Zealand và Canada) Diễn đàn khu vực ASEAN thường niên về an ninh hàng hải với Việt Nam tại Hà Nội.
Đại sứ nhận định như thế nào về vai trò trung tâm của ASEAN trong việc đảm bảo ổn định, hòa bình, an ninh tại khu vực, bao gồm cả vấn đề Biển Đông?
EU thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN, ASEAN là tổ chức khu vực hàng đầu ở Đông Nam Á. Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, Hội nghị cấp cao Đông Á hay Diễn đàn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã và đang cung cấp nền tảng để đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như thảo luận các vấn đề hòa bình và an ninh toàn cầu.
Về các vấn đề khu vực quan trọng, Đồng thuận 5 điểm của ASEAN rất có ý nghĩa đối với vấn đề Myanmar. Việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng là nền tảng cho sự tham gia của ASEAN trong vấn đề này. ASEAN và EU tin tưởng vào chủ nghĩa đa phương và giải pháp hòa bình cho các xung đột.
Từ góc nhìn của EU, Việt Nam có vai trò, vị thế như thế nào trong ASEAN cũng như tiềm năng hợp tác Việt Nam-EU trong khuôn khổ ASEAN, thưa Đại sứ?
Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, chủ động và tích cực với tư cách là thành viên có trách nhiệm của Hiệp hội. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN cũng mở đường để Myanmar, Lào và Campuchia gia nhập Hiệp hội.
Về hợp tác EU-Việt Nam trong bối cảnh ASEAN, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Việt Nam trên mọi khía cạnh của quan hệ EU-ASEAN, bao gồm thương mại và đầu tư, hành động về khí hậu, kết nối, số hóa và giao lưu nhân dân.
Xin cảm ơn ông!