Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson. (Ảnh: Thu Trang) |
Nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sắp thăm chính thức New Zealand từ ngày 3- 6/12 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội New Zealand Adrian Rurawhe, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson đã chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam về hợp tác nghị viện song phương cũng như kỳ vọng về chuyến thăm này.
Xin Đại sứ đánh giá ý nghĩa chuyến thăm New Zealand sắp tới của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đặc biệt khi Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern vừa có chuyến thăm thành công tại Việt Nam?
New Zealand mong chờ được đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm trong tuần này. Đây là một cơ hội tuyệt vời để đáp lại lòng hiếu khách mà Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã nhận được trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng trước.
Việc có các chuyến thăm cấp cao liên tiếp là điều hiếm có và đây cũng là cơ hội tuyệt vời để phát huy sự hợp tác toàn diện và những thành tựu đạt được của chúng ta trong một số lĩnh vực, đặc biệt là quan hệ liên nghị viện, thương mại và giao lưu nhân dân.
Các phái đoàn giáo dục và doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Vương Đình Huệ đã nói lên rất nhiều điều về mối quan hệ giáo dục và thương mại ngày càng phát triển giữa hai nước chúng ta. Hợp tác về giáo dục và thương mại trong chuyến thăm của Chủ tịch Vương Đình Huệ sẽ tạo được tiếng vang lớn ở New Zealand và mở rộng các mối liên kết được tạo ra trong chuyến thăm của Thủ tướng Ardern.
Quốc hội Việt Nam và Quốc hội New Zealand đều đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước và sự tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam và New Zealand. Cụ thể, Quốc hội có chức năng quan trọng là thẩm định và phê chuẩn việc tham gia các hiệp định thương mại tự do và các cơ chế kinh tế khu vực, chẳng hạn như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).
Vì hai nước chúng ta đều ủng hộ nền kinh tế tự do, mở và bao trùm, nên sự hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội New Zealand mang đến cơ hội hữu ích để thảo luận về cách thức các nghị viện có thể hỗ trợ phát triển kinh tế.
Một lĩnh vực thảo luận tiềm năng khác là chương trình nghị sự thương mại toàn diện, trong đó cả New Zealand và Việt Nam đều muốn đảm bảo tăng trưởng kinh tế của chúng ta mang lại lợi ích cho tất cả các nhóm trong xã hội, bao gồm cả người Maori bản địa ở New Zealand và các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Tựu chung, tôi tin rằng chuyến thăm sắp tới sẽ thúc đẩy bản chất cùng có lợi của mối quan hệ song phương và thúc đẩy tiến bộ trong các lĩnh vực quan trọng là hợp tác thương mại, quan hệ liên nghị viện và giao lưu nhân dân, như được dự kiến trong Kế hoạch Hành động Đối tác chiến lược của hai nước.
Hợp tác nghị viện trong những năm qua đóng góp như thế nào vào tổng thể quan hệ song phương, thưa Đại sứ?
Quốc hội Việt Nam và Quốc hội New Zealand có mối quan hệ bền chặt trong nhiều năm qua với nhiều hoạt động trao đổi hai chiều.
Chỉ một tuần sau khi nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược vào năm 2020, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nguyên Chủ tịch Hạ viện Rt Hon Trevor Mallard đã có cuộc điện đàm để đánh giá về hợp tác nghị viện trong khuôn khổ Đối tác chiến lược.
Do đó, chuyến thăm của Chủ tịch Vương Đình Huệ là một dấu mốc quan trọng tiếp theo trong sự hợp tác đó.
Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam-New Zealand cũng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì kết nối giữa Quốc hội hai nước. Các thành viên của nhóm đóng vai trò là đại sứ cho mối quan hệ nghị trường cả ở Trung ương và địa phương.
Cùng với đó, sự kết nối giữa hai Quốc hội ngày càng được tăng cường thông qua các hoạt động giao lưu nhân dân. Nhiều quan chức Quốc hội đã nhớ lại những kỷ niệm đẹp về New Zealand và nâng cao trình độ tiếng Anh nhờ Chương trình đào tạo tiếng Anh dành cho quan chức của New Zealand (ELTO). Chương trình được thực hiện trong nhiều thập kỷ này đã thực sự giúp nâng cao hiểu biết về New Zealand trong Quốc hội Việt Nam.
Trên các vấn đề đa phương, hai Quốc hội đã và đang hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trên các diễn đàn đa phương về bình đẳng giới và phát triển bền vững, góp phần vào thành công của vai trò Chủ tịch ASEAN và AIPA 2020 của Việt Nam cũng như việc New Zealand đăng cai tổ chức APEC 2021.
Vì Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân Việt Nam nên mối quan hệ liên nghị viện này cũng thể hiện và góp phần xây dựng mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa nhân dân hai nước chúng ta.
Sự hiểu biết về luật pháp, quy định và văn hóa của nhân dân hai nước đã được nâng cao nhờ những trao đổi thường xuyên trên cả hai kênh song phương và đa phương trong những năm qua.
"Tôi tin rằng chuyến thăm sắp tới sẽ thúc đẩy bản chất cùng có lợi của mối quan hệ song phương và thúc đẩy tiến bộ trong các lĩnh vực quan trọng là hợp tác thương mại, quan hệ liên nghị viện và giao lưu nhân dân, như được dự kiến trong Kế hoạch Hành động Đối tác chiến lược của hai nước", Đại sứ Tredene Dobson. |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 14/11. (Nguồn: Quochoi.vn) |
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern vừa qua đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Chúng ta cần làm gì để thực hiện có hiệu quả những kết quả đó?
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ardern, các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Việt Nam đã giúp hai bên tiếp tục xây dựng lòng tin, chia sẻ hiểu biết lẫn nhau và tái khẳng định các cam kết cũng như xây dựng trên các lĩnh vực cùng quan tâm. Giờ đây, quan chức hai nước cần phải làm việc chăm chỉ để đạt được một số mục tiêu rõ ràng mà các nhà lãnh đạo của chúng ta đã đặt ra cho mối quan hệ này.
Ngoài các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo, trong chuyến thăm, chúng ta đã có cơ hội đi sâu vào một số lĩnh vực hợp tác quan trọng, cụ thể là thương mại, nông nghiệp và giáo dục. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đạt được thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Tất cả những lĩnh vực đó đều quan trọng đối với quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 của cả hai nước. Bây giờ chúng ta cần suy nghĩ về một số hành động rất cụ thể, thiết thực mà chúng ta có thể thực hiện để đảm bảo rằng chúng ta “đi đúng hướng”.
Không chỉ là hành động của chính phủ, chuyến thăm cũng cho thấy giá trị của các kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Các khu vực tư nhân tương ứng của chúng ta có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy một số quan hệ đối tác mới đã được hình thành thông qua chuyến thăm. Ví dụ như hiện chanh xanh và bưởi Việt Nam đã tiếp cận được thị trường New Zealand, các nhà xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần xem xét họ phải làm gì để tận dụng cơ hội này.
Về lĩnh vực giáo dục và hàng không dân dụng, các cơ quan chính phủ của Việt Nam và New Zealand cũng như các tổ chức và công ty cũng đang hợp tác chặt chẽ để tận dụng các cơ hội mang lại thông qua các thỏa thuận hợp tác mới. Điều này bao gồm việc tăng cường hợp tác chính sách, chia sẻ thông tin, cũng như các chương trình đào tạo và thậm chí cả cơ hội trao đổi thương mại.
Một lĩnh vực quan trọng mà tôi hy vọng chúng ta sẽ thấy sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa là trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Các quan chức của cả hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ hơn để hỗ trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng các cam kết tương ứng đã đưa ra tại COP26 và COP27.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đã đạt được tiến bộ trong lĩnh vực nông nghiệp và tôi tin rằng thị trường carbon là một lĩnh vực khác đã chín muồi cho sự hợp tác song phương.
Ngoại giao nhân dân đóng vai trò vô cùng quan trọng và lâu dài trong quan hệ Việt Nam-New Zealand, Đại sứ có thể chia sẻ gì về điều này?
Tôi nghĩ rằng một trong những điểm nổi bật nhất của quan hệ Việt Nam-New Zealand trong hai năm qua là, mặc dù cả hai nước đều áp dụng biện pháp hạn chế đi lại nhằm phòng chống dịch Covid-19, nhưng mối quan hệ giữa con người với con người vẫn tiếp tục phát triển trong mọi lĩnh vực.
Bằng sự quyết tâm, người dân và doanh nghiệp của chúng ta đã tìm ra cách phối hợp với nhau. Các trường đại học của Việt Nam và New Zealand và các tổ chức khác cũng nhanh chóng hoạt động trở lại và cung cấp các cơ hội học tập trực tuyến cũng như tạo cơ hội chuẩn bị cho sinh viên Việt Nam khi họ có thể đến New Zealand học trực tiếp.
Việt Nam hiện là nguồn cung du học sinh lớn thứ tư trên thế giới của New Zealand và lớn nhất ở Đông Nam Á. Đây là một bước nhảy vọt so với vị trí thứ 12 vào năm 2018 và thành tựu này đạt được bất chấp tác động của đại dịch Covid-19 đối với du lịch quốc tế.
Chúng tôi hiểu rằng nhiều sinh viên đã chọn ở lại New Zealand ngay cả trong thời gian đóng cửa giãn cách để tiếp tục việc học và chúng tôi coi việc chăm sóc tốt những sinh viên này trong suốt đại dịch là ưu tiên hàng đầu.
Một lĩnh vực khác mà tôi muốn nhấn mạnh là hợp tác phát triển. Trong thời kỳ khủng hoảng, những người dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tôi rất tự hào nói rằng trong bối cảnh khủng hoảng, các mối quan hệ đối tác và mạng lưới mạnh mẽ mà chúng ta phát triển trong nhiều năm đã phát huy hiệu quả. Thông qua các mạng lưới này, New Zealand đã đầu tư gần 2,2 triệu NZD kể từ tháng 6/2020 để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19.
Hiện cả hai quốc gia đang phục hồi sau đại dịch, chúng tôi hy vọng rằng số lượng sinh viên và khách du lịch đi du lịch ở cả hai chiều sẽ tăng trở lại. Những du khách đến thăm và dành thời gian ở các quốc gia của chúng ta sẽ trở thành những đại sứ chia sẻ những trải nghiệm tích cực của họ với những người khác và khuyến khích sự giao lưu nhân dân nhiều hơn nữa, như người Maori thường nói: He aha te mea nui o te ao? He tangata, he tangata he tangata (Thứ quan trọng nhất trên thế giới là gì? Đó là con người, con người và con người).
Xin cảm ơn Đại sứ!
Triển lãm Giáo dục New Zealand 2022 tại Hà Nội ngày 29/10. (Ảnh: Hạnh Lê) |
| Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam thăm và làm việc tại New Zealand Đoàn đã có các cuộc làm việc với Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand, một số cơ quan tư pháp và Đại sứ ... |
| Ngoại giao nghị viện là động lực quan trọng, đem lại tầm vóc mới cho quan hệ Việt Nam-New Zealand Chuyến thăm New Zealand lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ ... |
| Những nước nào có Ngày Quốc khánh trong tháng 12? Trong tháng 12 có 12 quốc gia kỷ niệm Ngày Quốc khánh, bao gồm Romania, Lào, UAE, Thái Lan, Phần Lan, Burkina Faso, Kenya, Kazakhstan, ... |
| Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Australia vào thời điểm này là điều đặc biệt ý nghĩa Đó là nhận định của Đại biện lâm thời Australia tại Việt Nam Mark Tattersall về chuyến thăm chính thức Australia của Chủ tịch Quốc ... |
| Na Uy chia sẻ kinh nghiệm cùng Việt Nam khai mở tiềm năng điện gió Nhằm khai mở tiềm năng điện gió tại Việt Nam, Na Uy đã có nhiều đóng góp tích cực tại Hội nghị Năng lượng Gió ... |