📞

Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan: Bảo hộ công dân trong dịch Covid-19 cần sự thấu hiểu và phối hợp chặt chẽ

13:45 | 28/03/2020
TGVN. Trả lời phỏng vấn TG&VN trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại châu Âu nói chung và Ba Lan nói riêng, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Vũ Đăng Dũng cho rằng công tác bảo hộ công dân trong cộng đồng người Việt lên tới 25.000 người tại Ba Lan đang được triển khai rất mạnh mẽ, bám sát tình hình... 
Đại sứ Vũ Đăng Dũng chỉ đạo cuộc họp với Nhóm chuyên trách phòng chống dịch và hỗ trợ công dân tại ĐSQ. (Nguồn: ĐSQ)

Xin Đại sứ cho biết diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại Ba Lan hiện nay?

Hiện nay, châu Âu là một trong những tâm điểm của dịch Covid-19 với số ca nhiễm và tử vong ghi nhận nhiều hơn các khu vực khác cộng lại, trong đó hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Italy và Tây Ban Nha.

So với các nước cùng khu vực, dịch Covid-19 ở Ba Lan xuất hiện chậm hơn, đến ngày 4/3 bắt đầu ghi nhận ca nhiễm đầu tiên là một người từ Đức trở về. Tính đến ngày 27/3, số ca nhiễm tăng lên gần 1.300 ca (trong đó có 16 ca tử vong), và Chính phủ Ba Lan dự báo có thể sẽ tăng tới con số 10.000 vào khoảng trung tuần tháng 4 do có nhiều công dân Ba Lan từ các nước có vùng dịch trở về.

Từ đầu mùa dịch, Chính phủ Ba Lan liên tục đưa ra các biện pháp phòng chống phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Ngày 12/3, 8 ngày sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, Ba Lan quyết định đóng cửa tất cả các trường học và các sự kiện tụ tập đông người mặc dù số ca nhiễm lúc này chỉ khoảng 30 người (thời gian để Italy đưa ra quyết định tương tự kể từ khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên là 35 ngày, Pháp là 52 ngày, Tây Ban Nha là 44 ngày và Đức là 50 ngày).

Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Vũ Đăng Dũng. (Nguồn: ĐSQ)

Ngày 15/3, Ba Lan đóng cửa biên giới, dừng các chuyến bay và tàu hỏa quốc tế trước khi Liên minh châu Âu (EU) đóng cửa biên giới toàn khối ngày 17/3. Ngày 24/3, khi số ca nhiễm tại Ba Lan tăng lên gần 800 ca và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao, Ba Lan quyết định hạn chế hơn nữa đối với các cuộc tụ họp và giao thông công cộng, trong đó có quy định cấm tụ họp trên 2 người, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho các dịch vụ y tế khẩn cấp và bệnh viện, mở thêm nhiều phòng thí nghiệm, cố gắng tăng số lượng xét nghiệm Covid-19. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế, Chính phủ Ba Lan đưa ra gói các biện pháp chống khủng hoảng, giá trị ước tính khoảng hơn 50 tỷ USD, tập trung vào 5 lĩnh vực chính: người lao động, doanh nghiệp, y tế, ngành tài chính và đầu tư công.

Trước yêu cầu và khuyến cáo của Chính phủ, nhìn chung người dân Ba Lan đã nghiêm túc tuân thủ chấp hành các quy định, chính quyền các địa phương khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên làm việc tại nhà, đặc biệt với những gia đình có con dưới 8 tuổi. Tuy Chính phủ Ba Lan đã rất nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp và quy định phòng chống dịch kịp thời và sớm hơn các nước châu Âu khác nhưng thực trạng về điều kiện cơ sở vật chất hệ thống y tế còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về xét nghiệm diện rộng (số lượng xét nghiệm Covid-19 tại Ba Lan từ đầu mùa dịch đến nay mới được khoảng 34.067 ca) và thực hiện cách ly tập trung những người đã nhiễm bệnh cũng như nhiều bệnh viện trong tình trạng quá tải và hết giường bệnh.

Cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở Ba Lan có khoảng 25.000 người cùng với khoảng 2.000 sinh viên, học sinh và lao động đang học tập và làm việc. Mặc dù không tránh khỏi sự quan tâm lo lắng đến tình hình dịch bệnh và khả năng chữa trị bệnh ở nước sở tại nhưng đa phần công dân Việt Nam đều có ý thức phòng chống dịch bệnh từ sớm, có tinh thần tương thân tương ái và chấp hành tốt các biện pháp đề ra.

Công tác bảo hộ công dân ta tại Ba Lan trước và trong giai đoạn dịch Covid-19 gặp thuận lợi và khó khăn gì, thưa Đại sứ?

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng tại châu Âu và Ba Lan, do khu vực làm ăn và sinh sống của bà con Cộng đồng ta chung với nhiều nước châu Á khác, Đại sứ quán (ĐSQ) đã phối hợp với Hội người Việt và các tổ chức hội đoàn chủ động đề ra biện pháp ứng phó với các tình huống phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc thành lập Ban Hỗ trợ Cộng đồng phòng chống dịch Covid-19. ĐSQ thường xuyên trao đổi với Ban Hỗ trợ Cộng đồng về diễn biến dịch bệnh ở Ba Lan và trong nước, kịp thời đăng tải các thông tin cần thiết trên các phương tiện Website và Báo Quê Việt ở sở tại.

Ngay khi Ba Lan xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, ĐSQ đã lập Nhóm chuyên trách phòng chống dịch và hỗ trợ công dân, mở cổng thông tin riêng và có đường dây nóng về đợt dịch Covid-19 để tiếp nhận thông tin và yêu cầu của công dân, đồng thời giữ liên lạc, kịp thời cập nhật cho bà con tình hình dịch và giải đáp những vấn đề quan tâm.

Điều đáng ghi nhận là cũng ngay từ những ngày đầu nước ta bắt đầu có dịch và trước mong muốn của Cộng đồng người Việt tại Ba Lan thể hiện tình cảm và chia sẻ khó khăn với người dân địa phương trong nước, ĐSQ đã tích cực hỗ trợ trong việc quyên góp và vận chuyển tặng 28.000 khẩu trang cho tâm dịch ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong công tác bảo hộ công dân tại Ba Lan có mặt thuận lợi cơ bản là bà con ta đoàn kết, Hội người Việt và các tổ chức hội đoàn phát huy tốt vai trò hỗ trợ, kịp thời thông tin đầy đủ đến bà con các khuyến cáo và quy định của sở tại, tích cực triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch và nhờ vậy đến nay trong Cộng đồng mới ghi nhận 1 ca nhiễm Covid-19 với sức khỏe ổn định.

Tuy nhiên, công tác bảo hộ công dân không tránh khỏi những khó khăn. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, số người Ba Lan nhiễm bệnh đang tăng lên hàng ngày (trong tuần qua trung bình trên 150 ca nhiễm/ngày), bà con ta có tâm lý lo lắng và nhiều người muốn về nước tránh dịch. Một bộ phận người lao động không có giấy tờ hoặc có giấy tờ hợp pháp nhưng bị mất việc, khó tiếp tục trang trải cuộc sống tại Ba Lan; một số sinh viên các Trường đại học nghỉ học phải ra khỏi ký túc xá nhưng không thể về nước vì đóng cửa biên giới, không có phương tiện di chuyển. Bên cạnh đó, các gia đình trong nước có người thân đang sinh sống, học tập và làm việc tại Ba Lan thúc giục muốn người thân quay trở về Việt Nam trong điều kiện y tế Ba Lan còn hạn chế.

Trong bối cảnh đó, việc thuyết phục, khuyến cáo công dân ta yên tâm ở lại không về nước vào thời điểm hiện nay rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan và gia đình ở trong nước với Cơ quan đại diện ở ngoài nước.

Ngày 14/2, tại TP Vĩnh Yên, Uỷ ban nhà nước về người VN ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp cùng Hội người Việt tại Ba Lan tổ chức trao tặng khẩu trang y tế cho tỉnh Vĩnh Phúc nhằm hỗ trợ nhân dân vùng có dịch phòng chống dịch virus corona. (Nguồn: QT)

ĐSQ đã làm những gì trước những tâm tư, nguyện vọng của bà con cộng đồng ta trong bối cảnh những ngày qua đã có hàng chục nghìn người ở nước ngoài về nước để tránh dịch?

Thời gian vừa qua, ĐSQ có nhận được nhu cầu của công dân Việt Nam mong muốn được hỗ trợ ổn định cuộc sống và công việc ở sở tại, trong đó có cả nguyện vọng được giúp đỡ để trở về nước. Sau khi có các yêu cầu đó, ĐSQ đã trực tiếp trả lời từng trường hợp, tích cực áp dụng các biện pháp cần thiết trong khả năng có thể.

Đối với những công dân mong muốn được về nước, một mặt ĐSQ tiếp tục vận động, khuyến cáo công dân ta không nên về Việt Nam lúc này do có khó khăn về phương tiện di chuyển và có nguy cơ lây nhiễm cao, ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và cộng đồng khi về nước…; mặt khác liên hệ với cơ quan địa phương, chủ lao động yêu cầu cần có biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ và chế độ y tế phù hợp, đồng thời ghi nhận, tổng hợp danh sách những người có nguyện vọng về Việt Nam để báo cáo về các cơ quan trong nước xem xét.

Qua quá trình đồng hành với cộng đồng người Việt tại Ba Lan, Đại sứ chia sẻ một số kiến nghị trong công tác bảo hộ công dân khi tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay?

Do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến rất nhanh, đòi hỏi công tác xử lý phải rất kịp thời. Để làm tốt công tác bảo hộ công dân, ĐSQ cần nắm chắc tình hình và có thông tin đầy đủ về số lượng và các thành phần đối tượng trong cộng đồng công dân Việt Nam đang làm việc, học tập, và sinh sống ở Ba Lan.

Theo đó, ĐSQ rất mong nhận được sự hỗ trợ và phối hợp nhanh và kịp thời từ các Bộ/ Ban ngành và địa phương trong nước, nhất là từ các cơ quan, tổ chức đầu mối chịu trách nhiệm đưa số lao động sang Ba Lan làm việc theo thời hạn và các học sinh, sinh viên đang học tập tại Ba Lan. ĐSQ cũng mong nhận được sự thông cảm và hiểu biết tình hình thực tế của những gia đình ở trong nước để không thúc ép người thân ở Ba Lan tìm cách trở về Việt Nam bằng mọi giá.

Trong trường hợp dịch bệnh tại Ba Lan tiếp tục diễn biến phức tạp hơn nữa và vì lý do bất khả kháng số đông bà con có nhu cầu được thu xếp phương tiện máy bay để về nước, ĐSQ mong được các cơ quan chức năng trong nước xem xét có đáp ứng phù hợp với kiến nghị của Cơ quan đại diện.

Xin cảm ơn Đại sứ!