TIN LIÊN QUAN | |
Nhật Bản: Lễ đón nhận ngọn đuốc Thế vận hội 2020 được tổ chức tối giản vì Covid-19 | |
Phòng, chống dịch Covid-19: Điều chỉnh quy định nhập cảnh đối với công dân Belarus, Nga và Nhật Bản |
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam. |
Nhật Bản đã nổi lên là một địa bàn "nóng" trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Đại sứ quán "thời chiến" có đặc điểm gì nổi bật, thưa Đại sứ?
Có thể nói chưa bao giờ như bây giờ cán bộ Đại sứ quán (ĐSQ) phải căng mình lên như dây đàn như hiện nay.
Công việc bề bộn và căng thẳng tới 18 tiếng mỗi ngày. Cán bộ trực bảo hộ công dân thì canh chuông điện thoại 24 giờ các ngày trong tuần. Tại sao vậy nhỉ? Với gần nửa triệu người Việt Nam đang sống ở Nhật, khi có bất cứ biến động chính trị, thiên tai, dịch bệnh nào, thì điều đầu tiên công dân dựa vào ĐSQ nước mình.
Kể từ tháng 2 khi xuất hiện dịch bệnh trên tàu Diamond Princess, ĐSQ đã bắt đầu triển khai nhiều công việc liên quan trực tiếp tới dịch Covid-19. Khi đó, Việt Nam chỉ có một công dân làm việc trên tàu. Bạn này rất lo lắng vì công dân các nước lớn khác như Mỹ, Indonesia… đã được chính phủ đưa máy bay thuê chuyến tới đón về. ĐSQ đã cử ngay 1 cán bộ chuyên trách liên lạc với công dân này.
Chúng tôi đã liên lạc với Bộ Ngoại giao, Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản và thật may mắn, các cơ quan chính phủ Nhật Bản đã nhiệt tình giúp đỡ. Cảm nhận được sự quan tâm của cơ quan hữu quan hai nước, công dân này yên tâm; Cán bộ phụ trách vụ này còn bị anh em trêu hay là "có cảm tình rồi nhỉ" vì rất nhiệt tình, không kể thời gian sớm muộn cứ có thư của công dân là cán bộ này xử lý, đáp lời ngay. Cho tới nay, công dân đã về nước an toàn.
Khi dịch bệnh lan rộng, chúng tôi xây dựng các hướng dẫn, đăng tải lên trang web của ĐSQ, gửi tới các hội, các tổ chức từ thiện, các cá nhân nhiệt tình để chuyển tải thông điệp tới người Việt Nam. Vất vả nhất là cán bộ tiếp khách ở phòng lãnh sự. Họ có nguy cơ phơi nhiễm virus rất cao. Cho dù nhiều nước đã đóng cửa phòng lãnh sự, nhận hồ sơ qua bưu điện nhưng chúng ta không thể làm vậy!
Hàng ngày có hàng trăm công dân có nhu cầu làm các thủ tục, giấy tờ hộ tịch. Khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn cũng thiếu thốn. Nhưng tất cả chúng tôi đều dành cho cán bộ lãnh sự, để bảo đảm điều kiện cách ly tốt nhất cho cán bộ của ĐSQ không bị phơi nhiễm nếu rủi ro có một khách nào đó đã nhiễm virus có thể phát tán trong quá trình thụ lý hồ sơ…
Chúng tôi hiểu rằng, sự vất vả, những nỗ lực của ĐSQ có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi công dân Việt Nam khi xa Tổ quốc. Mỗi cuộc nói chuyện, mỗi email của chúng tôi trả lời cho công dân có ý nghĩa quý giá, giúp cho những người Việt Nam xa nhà yên tâm hơn, họ sẽ cảm thấy ấm lòng, không bị cô đơn. Đất nước luôn bên cạnh các bạn!
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đang thực hiện 3 phương châm: “Tận tâm, tận lực, và tận tình!”. Tận tình lắng nghe và chia sẻ, đồng cảm với đồng bào gặp khó khăn; Khi nắm bắt được yêu cầu rồi thì tận lực, dùng mọi khả năng có thể để hỗ trợ tối đa cho bà con; Khi đã tận tình, tận lực thì cán bộ đã tận tâm, dùng cả trái tim và khối óc để thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân với đúng với chữ tâm của ông cha ta đã dạy: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. |
Tình hình bà con ta ở Nhật Bản trong những tháng "sống chung" với dịch như thế nào, thưa Đại sứ?
Thành phần cộng đồng người Việt Nam ở Nhật chủ yếu bao gồm 3 nhóm công dân: khoảng hơn 100.000 học sinh, sinh viên là một nhóm; thực tập sinh có khoảng 250.000 người; còn lại là người định cư và các thành phần khác.
Các bạn sinh viên dễ dàng tiếp cận với các nguồn thông tin của cả hai nước nên phần lớn các bạn chủ động ứng xử phù hợp. Các bạn thực tập sinh chủ yếu lấy thông tin từ cơ quan đại diện Việt Nam, các nghiệp đoàn, công ty quản lý hoặc các thông tin từ báo chí Việt Nam.
Do cộng đồng đông như vậy, nên chúng tôi đã chủ trương “an dân” ngay từ rất sớm. Chúng tôi có các hướng dẫn cụ thể, cung cấp nhiều thông tin, thông điệp để người Việt yên tâm. Có lẽ vì thế, mặc dù có rất nhiều lo lắng, nhưng phần lớn người Việt ở Nhật vẫn bình tĩnh và tới nay, tôi chưa có thông tin người Việt có dấu hiệu nhiễm virus corona.
Để hỗ trợ cộng đồng giải đáp thắc mắc, tìm lời khuyên trong lúc hoang mang lo lắng hoặc khi có những dấu hiệu nghi nhiễm virus, ĐSQ đã tăng gấp đôi số đầu dây điện thoại nóng lên 4 số trực 24 giờ, có sử dụng các loại hình app xã hội như email, Viber, Line, Zalo, Whatsapp, Facebook… để mọi công dân có thể liên lạc.
Ngoài ra, toàn thể cán bộ được huy động để trực điện thoại thông thường với khả năng có thể trả lời 6 cuộc gọi trong cùng một lúc. Điện thoại nóng rực, giọng cán bộ khản đặc vì trả lời điện thoại dồn dập. Nhưng anh chị em vẫn nhẫn nại lắng nghe, giải thích, hướng dẫn với cái tâm để giảm bớt những nỗi lo âu, những khó khăn cho người Việt trong giai đoạn đặc biệt nhạy cảm này.
Khi có những cá nhân có biểu hiện ho, sốt… chúng tôi liên lạc, kết nối với các đầu mối hỗ trợ tại chỗ để thu xếp đưa đi khám, xét nghiệm. Cũng may mắn, cho tới nay chưa có trường hợp nào xét nghiệm bị kết quả dương tính.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản luôn cập nhật các thông báo, thông tin mới nhất trên trang chủ của ĐSQ về tình hình dịch Covid-19. |
Ngoài các hướng dẫn cụ thể về phòng chống dịch Covid-19 cho công dân, Đại sứ quán tăng cường khuyến cáo công dân không về nước?
Đúng thế, chúng tôi khuyến cáo công dân không nên về nước bởi 2 lẽ: nguy cơ phơi nhiễm virus corona rất cao khi đi máy bay, do đó sẽ mang nguy hiểm cho bản thân và gia đình; thứ hai là việc về nước không có lý do cấp bách sẽ gây gánh nặng cho nhà nước trong việc tổ chức hỗ trợ cách ly, phòng ngừa bệnh.
Mặt khác, với gần nửa triệu người Việt, thì trong một khoảng thời gian nhất định, không thể không có những người cần thiết phải về nước vì rất nhiều lý do khách quan, bất khả kháng: hợp đồng lao động, khóa học kết thúc, visa hết hạn, không còn chỗ ở…., trẻ em, phụ nữ có thai, gia đình, người ruột thịt có hoàn cảnh đột xuất…
Cá nhân tôi cũng lo lắng vô cùng nếu những người hết hợp đồng lao động, hết khóa học thì ngoài việc không có chỗ trú thân, họ còn bị nguy hiểm bởi không có bảo hiểm. Ngộ nhỡ mắc bệnh thì không biết bấu víu vào đâu trong môi trường y tế đắt đỏ như ở Nhật.
Thực tế là nhiều nước đã đóng cửa đường bay, hoãn hoặc hủy chuyến bay dẫn đến câu chuyện công dân ta bị "kẹt" ở sân bay các nước như Mỹ, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Nga... Nhật Bản cũng là địa bàn trung chuyển của nhiều chuyến bay quốc tế, Đại sứ quán giải quyết câu chuyện trên như thế nào, thưa Đại sứ?
Trong lúc “nước sôi, lửa bỏng” thế này thì thông tin, chính sách của các nước thay đổi thường xuyên là một khó khăn lớn nhất mà cơ quan đại diện phải xử lý. Một đường bay có thể hủy trong vòng 30 phút mà không báo trước. Một hành khách bị sốt trên máy bay sẽ làm đảo lộn kế hoạch của bao người khác…
Nhưng khó khăn nhất hiện nay là các đường bay về Việt Nam bị hạn chế, do vậy những người Việt ở Nhật thật sự có nhu cầu về nước cũng bị kẹt. Chúng tôi cố gắng thu xếp với các nghiệp đoàn, công ty quản lý và cơ quan xuất nhập cảnh của Nhật để xin gia hạn visa. Tuy nhiên, vấn đề chỗ ở, ăn, bảo hiểm… sống nhờ vả bạn bè đông người tạm bợ thì nguy cơ nhiễm virus cũng cao.
Khó khăn hơn nữa là nhiều hành khách Việt Nam quá cảnh từ nước khác tới sân bay của Nhật nhưng không thể nối chuyển về Việt Nam, bị mắc kẹt tại sân bay. ĐSQ cũng cử cán bộ hỗ trợ để đổi chuyến bay, để xin cấp visa ngắn hạn trong khi chờ chuyến bay mới…
Tuy nhiên, việc hỗ trợ ngày càng khó do Nhật Bản cũng siết chặt việc cho người nước ngoài nhập cảnh, các đường bay về Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng chưa mở lại cho tới ngày 31/3. Do vậy, chúng tôi cũng phải thông báo cho ĐSQ Việt Nam ở các nước, khuyến cáo công dân chưa nên chọn Nhật Bản làm đường bay nối chuyến trong lúc này.
Đại sứ Vũ Hồng Nam khuyến cáo công dân chưa nên chọn Nhật Bản làm đường bay nối chuyến trong lúc này. |
Qua theo dõi tình hình phòng chống dịch của Nhật Bản, theo Đại sứ, Việt Nam có thể học hỏi gì ở người Nhật?
Nhật Bản phát hiện ca nhiễm virus sau cả Việt Nam. Do vậy, bạn vẫn ca ngợi cách xử lý của Việt Nam cho tới nay đã hạn chế tốt việc lan truyền virus trong cộng đồng và chưa có trường hợp tử vong vì corona.
Mặt khác, qua theo dõi thông tin của hai chiều thì tôi cũng thấy Nhật Bản có nhiều điểm để chúng ta tham khảo kinh nghiệm. Trước hết, bạn rất coi trọng nâng cao hiểu biết và ứng xử của cộng đồng. Người dân Nhật Bản từ lâu đã quen với văn hóa đeo khẩu trang nơi công cộng; gặp nhau cúi chào mà không bắt tay; khi đứng nói chuyện thường giữ khoảng cách với người đối diện, ăn uống bát đĩa riêng không gắp chung, không dùng chung nước chấm; ra chỗ đông người thường ít nói chuyện và nếu có thì nói chuyện rất nhỏ, tránh cho nước bọt văng mạnh; khi có những lo lắng dịch bệnh thì có các trung tâm tư vấn giải thích, trấn an...
Khi xảy ra dịch Covid-19 ở Trung Quốc, bạn cũng ứng xử khá bình tĩnh; chủ động khuyến cáo công dân không đi du lịch ở các vùng dịch, hướng dẫn rất chi tiết các hành vi sinh hoạt trong mùa dịch như dùng cồn sát trùng, giữ khoảng cách với người khác.
Khi một người có triệu chứng ho, sốt thì sẽ liên hệ để tư vấn, sau đó mới khám đa khoa. Chỉ khi bác sỹ đa khoa quyết định mới chuyển người vào bệnh viện để làm các xét nghiệm… Chính nhờ cách phân cấp như vậy, các bệnh viện không bị quá tải, và người dân không bị hoảng loạn xin đi xét nghiệm hàng loạt.
Tôi nghĩ rằng, qua đại dịch này, chúng ta cũng cần phải thay đổi một số thói quen tập quán như gắp chung thức ăn, chấm chung nước mắm. Nhiều nước đạo Phật chào nhau chỉ chắp tay trước ngực, không cần thiết bắt tay (vừa qua, Tổng thống Trump cũng chắp tay chào khách như kiểu văn hóa chào hỏi của người Lào, Campuchia, Thái Lan…). Đây là cách giao tiếp chào hỏi văn minh và vệ sinh, kể cả không phải mùa dịch.
Hạn chế, nói chuyện và không nói chuyện to chỗ đông người cũng là một hành vi văn minh hiện đại, ta có thể học không chỉ tạo nét văn hóa văn minh mà còn là một phương cách phòng ngừa lây lan bệnh tật lây nhiễm từ người này sang người khác…
| Người phát ngôn: Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ khoảng 800 công dân 'kẹt' ở sân bay về nước an toàn |
Cuối cùng thì Nhật Bản cũng đã hoãn Olympic Tokyo 2020. Đại sứ có bình luận gì về quyết định này của Nhật Bản?
Thủ tướng Nhật Bản, Quốc hội, Chính phủ Nhật Bản cũng bàn thảo nhiều. Quyết định tạm hoãn Olympic là một quyết định khó khăn nhưng tôi cho là một quyết định dũng cảm, đầy tính nhân văn.
Là nước có vai trò trên trường quốc tế và cũng là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Nhật Bản quyết định hoãn một sự kiện quan trọng đối với đất nước nhưng lại mang lại sự an toàn cho cộng đồng thế giới.
Gánh sự thiệt hại to lớn về mình khi hoãn Olympic, Nhật Bản đã đóng góp quan trọng vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế chung tay ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Đó là một quyết định đúng đắn của Thủ tướng Abe Shinzo, thể hiện một nước Nhật có trách nhiệm, và sẽ được cộng đồng quốc tế, cũng như nhân dân Nhật Bản ủng hộ.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao Huân chương Hữu nghị cho Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio TGVN. Ngày 25/3, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ... |
Dịch Covid-19: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư tới Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo TGVN. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư tới Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, chia sẻ những khó khăn, tổn thất mà ... |
Dịch Covid-19: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản thông báo về tình hình du học sinh TGVN. Bà Vũ Thị Liên Hương, phụ trách Bộ phận Giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, đến nay chưa có du ... |