📞

Đảm bảo an ninh lương thực vì thế hệ tương lai

09:37 | 14/10/2016
Ngày 16/10 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Lương thực thế giới nhằm mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn cầu. 

Chưa bao giờ an ninh lương thực trở thành vấn đề cấp bách như hiện nay khi mà nguồn cung thực phẩm, quyền tiếp cận nguồn lương thực một cách an toàn đang chịu tác động nghiêm trọng. Hạn hán, lũ lụt trên diện rộng cùng các hình thái thời tiết cực đoan đã và đang liên tiếp ảnh hưởng tới hầu hết các quốc gia trên thế giới. Để giải quyết được bài toán nan giải mang tên an ninh lương thực đòi hỏi các giải pháp tổng thể giữa chiến lược phát triển nông nghiệp song hành với bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Thiếu an ninh lương thực được nhìn nhận từ hai góc độ: thiên tai ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực và sự bất bình đẳng trong tiếp cận lượng thực.

Việc nguồn cung không được đảm bảo sẽ tác động đến an ninh lương thực của 7,2 tỷ người trên thế giới. (Nguồn: ICR)

Ảnh hưởng bởi thiên tai

Trong hai năm qua, nhiều nước trên thế giới đã hứng chịu những đợt thiên tai kinh hoàng, hạn hán, mưa lũ kéo dài đe dọa mùa màng, giảm năng suất cây trồng.... Hiện tượng thời tiết cực đoan đã đe dọa đến vựa lúa hàng đầu châu Á, gây nguy cơ giảm sản lượng và mặt hàng thiết yếu tăng giá mạnh. Do ảnh hưởng của El Nino, dự kiến sản lượng gạo thế giới trong năm nay sẽ giảm lần đầu tiên kể từ năm 2010 do lượng mưa sụt giảm. Những vựa lúa tại Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam - ba nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - phải chịu hạn hán kéo dài vì các con sông cạn nước, làm giảm sản lượng gạo và đời sống người nông dân thêm bếp bênh.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công bố số liệu cho thấy, lượng gạo tồn kho tại ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam sẽ giảm xuống còn khoảng 19 triệu tấn vào cuối năm 2016. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2003 trở lại đây. Về giá gạo, nhà kinh tế học James Fell thuộc Hội đồng Ngũ cốc quốc tế (IGC) cho rằng, dù bị ảnh hưởng của nắng nóng, giá gạo hiện nay vẫn được bình ổn vì còn những kho dự trữ lớn ở Ấn Độ và Thái Lan, song tình trạng này sẽ không kéo dài. Theo nhận định của IGC, sản lượng gạo thế giới năm 2016 ở mức khoảng 473 triệu tấn, giảm so với mức 479 triệu tấn trong năm 2015 và cũng là lần đầu tiên bị sụt giảm trong vòng 6 năm qua.

Việc nguồn cung không được đảm bảo sẽ tác động đến an ninh lương thực của 7,2 tỷ người trên thế giới. Gánh nặng này càng tăng nếu dân số thế giới tăng lên 9,6 tỷ người vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp cần phải tăng 70% để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân. Tuy nhiên, nếu sản lượng lương thực toàn cầu không tăng tới mức này, một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực sẽ xảy ra, kèm theo đó là tình trạng đói nghèo gia tăng mạnh, tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu chất càng tăng cao. Liên hợp quốc cảnh báo, nếu nguồn cung lương thực không được đảm bảo, đến năm 2020, thế giới sẽ có thêm 60 triệu người nữa bị thiếu ăn cùng với gần 1 tỷ người suy dinh dưỡng.

Sự bình đẳng trong việc tiếp cận lương thực

An ninh lương thực toàn cầu dưới góc độ là sự bình đẳng trong việc tiếp cận lương thực, thực phẩm có chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng cũng có nhiều vấn đề cần xem xét. Hàng triệu người trên thế giới, trong đó đa số tập trung tại các nước châu Phi không được cung cấp đẩy đủ các nguyên tố vi lượng như sắt, iốt, vitamin A… trong bữa ăn hàng ngày. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới bệnh tật, mù lòa, thiểu năng trí tuệ.

Theo Báo cáo Dinh dưỡng toàn cầu năm 2016, suy dinh dưỡng chiếm gần 50% số ca tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Đáng chú ý, gánh nặng về mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu dinh dưỡng như còi cọc, thiếu máu,… đang là thách thức lớn đối với ít nhất 57 quốc gia trên thế giới. Báo cáo chỉ ra rằng, tổn thất do suy dinh dưỡng chiếm tới 11% GDP mỗi năm của châu Phi và châu Á.

Một nghịch lý là trong khi nhiều trẻ em tại các nước kém phát triển không được tiếp cận thường xuyên với nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, thế giới lại phải đối mặt với tình trạng trẻ béo phì, thừa cân. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hồi đầu năm nay cho thấy ít nhất 41 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang bị béo phì hoặc thừa cân, nhất là các nước đang phát triển có số lượng tăng nhanh nhất.

Theo WHO, an toàn thực phẩm, việc bày bán đồ ăn, đồ uống không lành mạnh là tác nhân dẫn tới tình trạng trên. Các vấn đề sức khỏe từ trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em béo phì đang đe dọa tương lai của các thế hệ và cũng là tương lai của thế giới. Vì thế, bảo đảm an ninh lương thực cũng là bảo đảm tương lai của thế giới.

Bàn về các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh lương thực, các nước đều xây dựng chiến lược riêng. Thế giới chia sẻ nhận thức chung rằng an ninh lương thực là phần quan trọng của an ninh quốc gia, nhằm đảm bảo cung cấp đủ lượng lương thực thiết yếu cho người dân và đủ lượng lương thực dự trữ chiến lược của quốc gia.

Trước hết, những tác động đến đời sống xã hội do giá lương thực thế giới tăng cao vừa qua đặt ra yêu cầu cấp thiết là các nước phải tăng cường đầu tư xây dựng chiến lược đảm bảo an ninh lương thực có tính bền vững cao. Các nước cũng cần thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nâng cao sản lượng các loại cây lương thực. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm an ninh lương thực bền vững cho đất nước. Ngoài ra, trong quá trình đô thị hóa, phát triển các ngành công nghiệp, các chính phủ cần chú trọng những chính sách nhằm hạn chế tình trạng nông dân bỏ nông nghiệp di cư lên các thành phố, đồng thời quan tâm đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tạo việc làm, đảm bảo thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Giải pháp thứ hai là mở rộng hợp tác quốc tế trong đảm bảo an ninh lương thực. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, an ninh lương thực của quốc gia và an ninh lương thực của thế giới có quan hệ ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn. Đây là đặc điểm mới hiện nay và có tác động rất lớn đến chiến lược an ninh lương thực mà các nước đều phải tính đến.

Và trên hết, đẩy mạnh hợp tác ngăn chặn quá trình biến đổi khí hậu phải là ưu tiên số một của thế giới trong nỗ lực chung đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Lĩnh vực nông nghiệp không chỉ chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu mà còn góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo các chính phủ trong khu vực cần khẩn trương áp dụng các biện pháp hữu hiệu nhằm chuyển đổi nhanh chóng cơ cấu vật nuôi, cây trồng để hướng tới một một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

(theo TTXVN)