Hàng năm, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán và ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, Công đoàn Bộ Ngoại giao lại có những chuyến đi đền ơn đáp nghĩa, tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình thương binh, liệt sĩ đã có những cống hiến to lớn cho nền độc lập tự do của dân tộc.
Tôi may mắn có mặt trong chuyến đi về Thái Bình và Hà Nam thăm các mẹ.
Về thăm Mẹ Mít
Khởi đầu cho chuyến đi nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đang đến gần, Công đoàn Bộ Ngoại giao đã về thăm mẹ Trần Thị Mít (Vũ Tiến, Vũ Thư, Thái Bình). Mẹ Trần Thị Mít có người con trai duy nhất Trần Xuân Thông đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây - Nam của Tổ quốc.
Đại diện Công đoàn Bộ Ngoại giao thăm hỏi Mẹ Trần Thị Mít tại tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Con đường về ngôi nhà của mẹ nay đã được bê tông hóa theo chương trình nông thôn mới. Vừa tới cổng, mẹ Mít chân run run, bước xuống khoảng sân đầy rêu xanh, bắt tay ôm từng người trong đoàn. Mẹ Mít đã 80 tuổi, đôi chân dần yếu theo thời gian nhưng Mẹ vẫn còn minh mẫn. Với mẹ, chúng tôi như những đứa con tinh thần về thăm nhà. Mẹ kể về những câu chuyện, niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống thường ngày, những lời thăm hỏi, động viên của mọi người làm cho không khí trở nên ấm cúng hơn. Lần nào cũng vậy, mẹ luôn xúc động khi có những đứa con ngành Ngoại giao về thăm.
Trong căn nhà nhỏ của mẹ, những tấm bằng khen dành cho Liệt sĩ Trần Xuân Thông được treo ngay ngắn. Chủ tịch Công đoàn Bộ Ngoại giao Hoàng Xuân Hải đã đại diện cho Đoàn thắp nén hương thơm tri ân Liệt sĩ Trần Xuân Thông. Ông Hoàng Xuân Hải cho rằng, mỗi Mẹ Việt Nam Anh hùng là một câu chuyện xúc động về sự cống hiến, hy sinh. Khi Tổ quốc cần, các mẹ đã nén nỗi đau, động viên chồng con lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Chúng tôi vừa nhâm nhi chén trà nóng vừa nghe Mẹ ngậm ngùi kể về những năm tháng khó khăn của Mẹ. Mẹ Mít xây dựng gia đình từ năm 16 tuổi. Bốn năm sau, khi Trần Xuân Thông mới được 5 tháng tuổi, cha cậu đã quyết định lên đường làm kinh tế ở Thái Nguyên. Mẹ Mít chẳng ngờ, kể từ đó, người chồng, người cha ấy bặt vô âm tín. Mẹ một mình tần tảo, ngày ngày đi chợ, chạy gạo nuôi con trai và phụng dưỡng mẹ chồng.
Năm anh Trần Xuân Thông 17 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 3. Mẹ Mít hỏi: “Con có đi học tiếp nữa không?”. Anh Thông trả lời: “Thôi, giờ mẹ không có điều kiện nữa, gia đình mình cũng hoàn cảnh, hơn nữa, đất nước lại cần chúng con, để con đi bộ đội”. Thế rồi, năm 1976, anh Thông tình nguyện làm đơn nhập ngũ và được bổ sung về Quân khu 7. Năm 1978, khi cuộc chiến chống quân Pol Pot bước vào giai đoạn gay gắt nhất, anh đã anh dũng hy sinh tại Gò Dầu, Tây Ninh.
“Khi giấy báo tử gửi về nhà, lòng tôi đau như cắt nhưng tôi tự hào vì biết rằng Thông chắc chắn đã chiến đấu anh dũng”, giọng mẹ Mít run run kể lại.
Mẹ Tình và 5 liệt sĩ
Rời nhà mẹ Mít, chúng tôi về Hà Nam thăm Mẹ Trần Thị Tình, có chồng và bốn người con đã hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Trong căn nhà tình nghĩa vừa được xây cách đây không lâu, mẹ Tình không còn ra tận cổng đón chúng tôi như hàng năm. Gần 90 tuổi, chân Mẹ đã chùng xuống.
Chủ tịch Công đoàn Bộ Ngoại giao Hoàng Xuân Hải chia sẻ và động viên mẹ Trần Thị Tình (Hà Nam). (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Mẹ Tình ngồi trên chiếc ghế dưới bàn thờ với hàng trên là di ảnh của người chồng, hàng dưới là di ảnh của bốn người con đều còn rất trẻ, tuổi mới đôi mươi. Chủ tịch Công đoàn Hoàng Xuân Hải trao tặng mẹ những món quà Tết tuy không lớn về vật chất nhưng là tấm lòng của những người con làm đối ngoại - những chiến sĩ trong thời bình, bảo vệ đất nước từ xa.
Vừa bóp vai cho Mẹ, tôi vừa bày tỏ mong muốn được nghe lại câu chuyện về sự hy sinh của các anh khi mới ở độ tuổi như tôi bây giờ. Mẹ kể...
Năm 1965, cả nhà Mẹ lên đường khai hoang vùng kinh tế mới tại tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai). Năm 1979, cuộc chiến xảy ra, địch tràn qua con sông là ranh giới duy nhất giữa hai nước. Mẹ nhớ như in, chuyến trở về phục viên của con trai cả lại trở thành chuyến ra đi mãi mãi cùng với cha và em trai.
Một đêm tháng 2 năm 1979, chiến tranh chính thức xảy ra, súng đạn nổ khắp nơi ở vùng biên giới. Trong cuộc chiến, chồng Mẹ cùng bốn người con tiếp nhận ổ súng trung liên và nhận nhiệm vụ giữ chốt cùng những người lính du kích khác. Người già và trẻ em được đưa đi sơ tán khỏi vùng chiến sự. Mẹ nói: “xót xa lắm, biết 100% hy sinh rồi nhưng mẹ vẫn hy vọng về những phép màu”. Thế nhưng, chẳng có một phép màu nào xảy ra. Mẹ đã mất đi chồng cùng bốn người con thương yêu.
Chúng con đã về đây bên mẹ
Hơn 70 năm qua, Đảng, Nhà nước đã xây dựng và thực hiện thống nhất trong toàn quốc một hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Hưởng ứng các hoạt động đó, trong những năm qua, Bộ Ngoại giao luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa bằng các hoạt động thiết thực nhằm tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ. Đây cũng là cách để thế hệ đi sau noi theo tấm gương của những người đi trước, những người có công với cách mạng, các anh hùng liệt sĩ.
Với tinh thần đó, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Công đoàn Bộ Ngoại giao đã kêu gọi, xây dựng được 7 ngôi nhà tình nghĩa cho thân nhân gia đình liệt sĩ (từ 2007). Bộ Ngoại giao nhiều năm qua cũng đã phụng dưỡng 18 Mẹ Việt Nam Anh hùng (nay chỉ 5 Mẹ còn sống). Không chỉ vậy, Công đoàn Bộ Ngoại giao đã tổ chức thăm hỏi các Mẹ và các trung tâm thương binh tại nhiều tỉnh, thành, ủng hộ gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình chính sách đặc biệt khó khăn.
Chia sẻ về công tác đền ơn đáp nghĩa trong những năm qua, ông Hoàng Xuân Hải cho rằng, hòa bình đã trở về với dân tộc Việt Nam, niềm vui đã trở lại nhưng nỗi đau và hậu quả của chiến tranh vẫn còn đọng lại. Mất mát vì chiến tranh thì nhiều, song có lẽ sự mất mát của những bà mẹ là vết thương lòng khó lành nhất. Những người chồng, những người con, người cháu của họ đã ra đi vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước.
Nếu một ngày, đất nước vẫn còn thương binh, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công với cách mạng còn khổ cực thì những ngày đó, chúng ta phải tự vấn về trách nhiệm của mình - những người đã may mắn được hưởng nền độc lập, tự do bằng sự hy sinh của những người đi trước. Trên các chiến trường năm xưa vẫn còn những hài cốt của các anh hùng, những bia mộ liệt sĩ chưa có tên, chính vì lẽ đó, mỗi chúng ta không được phép quên máu xương của dân tộc mình đã đổ xuống để có được hình hài đất nước ngày hôm nay...
Chia tay Mẹ Mít và Mẹ Tình, chúng tôi vẫn không nguôi nhớ tới hình ảnh mẹ Mít một tay cầm bọc trứng vịt, tay kia cầm túi gạo nhất quyết đặt lên xe chúng tôi. Là hình ảnh mẹ Tình tay cầm bọc bánh đa nem nói rằng, năm nay trời nắng, mẹ phơi được bánh, mẹ có bánh đa để ăn để bán rồi. Chúng tôi tự nhắc mình, không bao giờ được quên sự hy sinh của các liệt sĩ, đặc biệt là sự hy sinh, dâng hiến của Mẹ Việt Nam Anh hùng để có một đất nước Việt Nam hòa bình và phát triển như ngày hôm nay.