📞

Đàm phán liên Triều: Giẫm chân tại chỗ

11:44 | 05/03/2010
Động thái mang tính hòa giải mới nhất trong quan hệ liên Triều đã không mang lại kết quả mong đợi. Với những tuyên bố cứng rắn của CHDCND Triều Tiên phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn tới đây, tương lai của cuộc đàm phán 6 bên về hạt nhân Triều Tiên, dự kiến diễn ra vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới, trở nên mờ mịt.
Tổ hợp công nghiệp Kaesong.
Động thái mang tính hòa giải mới nhất trong quan hệ liên Triều đã không mang lại kết quả mong đợi. Với những tuyên bố cứng rắn của CHDCND Triều Tiên phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn tới đây, tương lai của cuộc đàm phán 6 bên về hạt nhân Triều Tiên, dự kiến diễn ra vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới, trở nên mờ mịt.

Vẫn chưa có lòng tin

 

Cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên về khu công nghiệp chung Kaesong tiếp tục giẫm chân tại chỗ khi kết thúc hôm 2/3 mà không đạt được bước đột phá nào. Hai bên vẫn chưa thống nhất về việc nới lỏng những hạn chế tại khu công nghiệp chung. Ngoài ra, bất đồng lớn về các vấn đề liên quan đến giao thông vận tải, thông tin liên lạc và thông quan cũng chưa được xóa bỏ. Cụ thể, phái đoàn Triều Tiên đề nghị Hàn Quốc cung cấp trang thiết bị mà Seoul hứa trong một thỏa thuận trước đó để giúp cải thiện việc đi lại qua biên giới và thông tin liên lạc.

 

Bình Nhưỡng cũng yêu cầu Seoul thực hiện các Tuyên bố chung được ký trong hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên năm 2000 và 2007 và bày tỏ sự thất vọng về một số hành động “thù địch và đối đầu” của Seoul như gây căng thẳng tại vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Tây bán đảo Triều Tiên, việc rải truyền đơn chống Triều Tiên của các nhà hoạt động Hàn Quốc và các cuộc diễn tập chung Mỹ - Hàn. Trong khi đó, Hàn Quốc hối thúc Triều Tiên cho phép sử dụng điện thoại di động và Internet bên trong khu công nghiệp Kaesong. Seoul cũng yêu cầu Bình Nhưỡng cung cấp danh tính và nơi ở của bốn người Hàn Quốc bị nước này bắt giữ vì nhập cảnh trái phép. Tuy nhiên, Triều Tiên cho hay cần thêm thời gian để thẩm vấn những người này và sẽ thông báo với Hàn Quốc khi điều tra kết thúc.

 

Những diễn biến gần đây cho thấy bán đảo Triều Tiên đang gặp nhiều bế tắc: từ việc Triều Tiên cắt đứt thoả thuận ngừng bắn với Hàn Quốc, rút khỏi vòng đàm phán 6 bên đến việc nối lại chương trình hạt nhân bất chấp lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế, kéo theo hệ quả là sự bao vây cấm vận của Mỹ, việc ngừng các nguồn viện trợ của Hàn Quốc, Nhật Bản, nền kinh tế Triều Tiên trở nên khó khăn… Trong bối cảnh đó, không quá khó hiểu khi hai miền Triều Tiên đều đưa ra những tín hiệu nhượng bộ để đi đến đàm phán. Cuộc gặp Kaesong cho thấy cả hai bên đều biết đối đầu không chỉ mang lại tổn hại cho lợi ích của chính hai quốc gia mà còn đi ngược lại mong muốn của người dân. Tuy nhiên, kết quả của cuộc gặp Kaesong một lần nữa chứng minh rằng, không dễ dàng để tạo bước đột phá trong quan hệ liên Triều khi cả hai bên không xây dựng được lòng tin lẫn nhau.

 

Chỉ có cách đàm phán 6 bên

 

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger nhận định, cơ chế đàm phán 6 bên là giải pháp tốt nhất trong tình hình hiện tại. Lý giải về nhận định này, ông Henry Kissinger cho rằng Bình Nhưỡng từ lâu luôn đòi hỏi phương Tây trước nhất phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh: thúc ép Mỹ ký hiệp ước hòa bình, bình thường hóa quan hệ… Mà để giải quyết vấn đề này, đối thoại song phương Mỹ - Triều Tiên là không phù hợp. Thay vào đó, nó chỉ được xử lý trong hệ thống an ninh ở cấp độ lớn hơn, toàn diện hơn với sự góp mặt của Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga. Và để xây dựng hệ thống an ninh toàn khu vực như vậy, đàm phán 6 bên là điều kiện tiên quyết. Song, tiến trình đàm phán 6 bên lại đang gặp nhiều khó khăn bởi Bình Nhưỡng khẳng định, cơ chế đối thoại này phụ thuộc vào kết quả đối thoại song phương Mỹ - Triều và yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là Washington phải “chấm dứt chính sách thù địch” đối với Bình Nhưỡng. Có thể hiểu rằng, nếu đối thoại song phương không tiến triển theo ý Triều Tiên, khả năng đàm phán 6 bên là mờ mịt.

 

Gần đây, các chuyến ngoại giao con thoi cấp tập, những tuyên bố cùng động thái cả hòa dịu lẫn thăm dò được các bên thể hiện nỗ lực đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán sáu bên về hạt nhân. Các bên hy vọng Bình Nhưỡng có thể quay lại bàn đàm phán vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới.

 

Tuy nhiên, cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn mang tên Key Resolve và Foal Eagle dự kiến diễn ra từ ngày 8-18/3 có thể được Triều Tiên dùng làm lý do để đẩy cao căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy yêu cầu một hiệp ước hòa bình thay thế hiệp định đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Vì lẽ đó, để quan hệ liên Triều thực sự được hoà giải, Hàn Quốc và phương Tây cần phải có chính sách mềm dẻo hơn đối với Triều Tiên. Bởi nếu sử dụng biện pháp mạnh, một Bình Nhưỡng cứng rắn sẽ tẩy chay vĩnh viễn các cuộc đàm phán về hạt nhân và cơ hội hoà giải giữa hai miền Triên Tiên sẽ không có điểm đích.

- Khu công nghiệp Kaesong được xem là biểu tượng hợp tác nổi bật nhất giữa hai miền Triều Tiên kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử giữa nhà lãnh đạo hai miền tháng 6/2000. Hiện có khoảng 110 công ty Hàn Quốc hoạt động tại khu công nghiệp này và sử dụng khoảng 42.000 lao động Triều Tiên.

 

- Kể từ đầu năm 2010, đây là lần thứ ba Hàn Quốc và Triều Tiên đàm phán về khu công nghiệp chung Kaesong. Hai cuộc đàm phán trước đó đã không mang lại kết quả khả quan nào khi Hàn Quốc muốn thảo luận về giao thông vận tải, thông tin liên lạc, hệ thống hải quan tại Kaesong cũng như việc đảm bảo nơi ăn chốn ở cho công nhân. Trong khi đó, Bình Nhưỡng muốn vấn đề tăng lương cho công nhân Triều Tiên phải được thảo luận trước.

Nhất Lam