📞

Đàm phán NAFTA căng thẳng xoay quanh vấn đề tăng lương lao động

08:36 | 05/09/2017
Tại vòng đàm phán thứ 2 về hiện đại hóa Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang diễn ra ở Mexico, đại diện các bên đã bất đồng về tiền lương lao động khi thảo luận về quy tắc thị trường. 

Đại diện công đoàn trong lĩnh vực tư nhân của Canada nói rằng trong trường hợp Mexico không nhất trí cải thiện mức lương của người lao động thì cần loại bỏ NAFTA. Điều này trái ngược với quan điểm của phía Mexico vì trước đó chính phủ Mexico đã tuyên bố vấn đề tiền lương của người lao động không thuộc phạm vi đàm phán và quyền lợi của người lao động là một vấn đề nội bộ của mỗi quốc gia. 

Các quan chức và doanh nghiệp Mexico đã phản đối những đòi hỏi cân bằng mức lương của người lao động trong khu vực Bắc Mỹ. Mỹ và Canada đều cho rằng chi phí nhân công rẻ ở Mexico đã khiến quốc gia này có lợi thế hơn về thu hút đầu tư.

Người lao động Mexico yêu cầu được đảm bảo mức lương khi nước này tham gia NAFTA. (Nguồn: El Pueblo)

Chủ tịch của Hội đồng nông nghiệp quốc gia Mexico Bosco de la Vega khẳng định mở rộng thương mại và không can thiệp vào thị trường lao động của mỗi quốc gia là cách tốt nhất để khu vực phát triển kinh tế. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mexico cho rằng việc hội nhập và tham gia của Mexico vào chuỗi cung ứng Bắc Mỹ đã và đang làm tăng khả năng cạnh tranh của khu vực. 

Theo báo cáo của Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody's, trong giai đoạn 2001-2015, mức lương tính theo giờ của Mexico chỉ tăng 9%, tăng ít hơn nhiều so với ở Mỹ và đặc biệt là Brazil, với mức tăng 120%. Trong khuôn khổ của vòng đàm phán lần này, kéo dài đến ngày 5/9, các bên sẽ tiến hành 25 bàn làm việc về nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm tiếp cận thị trường hàng hóa, thương mại số, doanh nghiệp vừa và nhỏ, minh bạch và chống tham nhũng, đầu tư, quy định xuất xứ và môi trường. 

NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa 3 quốc gia Bắc Mỹ đạt trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016.

(theo Reuters)