📞

Đàm phán Oslo và hy vọng nào cho Venezuela?

17:53 | 29/05/2019
Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Venezuela và phe đối lập do Mỹ hậu thuẫn đang diễn ra tại Na Uy. Nội dung đàm phán lần này là gì và liệu nỗ lực ngoại giao của Na Uy về Venezuela có phát huy hiệu quả?
Đàm phán Oslo và hy vọng cho Venezuela. (Nguồn: Venezuela Analysis)

Lập trường của Mỹ

Ngày 28/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh với báo giới, cuộc đàm phán Oslo chỉ nên tập trung vào sự ra đi của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Nữ phát ngôn này nói với các phóng viên tại Washington rằng: “Chúng tôi hy vọng rằng các cuộc đàm phán ở Oslo sẽ tập trung vào sự ra đi của Maduro như là một điều kiện tiên quyết cho tiến triển”.

Theo AFP, Mỹ đã từ chối trao đổi với ông Maduro về bất kỳ vấn đề gì trừ những gì liên quan công tác hậu cần, đồng thời gọi sự lãnh đạo của ông là phi pháp. Mặc dù không phản đối cuộc đàm phán này ở Oslo, song Mỹ kiên định lập trường của mình.

AFP cho rằng, Tổng thống Trump đã cố gắng lật đổ Maduro bằng cách áp đặt trừng phạt kinh tế ngày càng mạnh tay, gồm chặn hầu bao mà tập đoàn dầu khí quốc gia đem lại cho Venezuela.

Trong khi đó, phe đối lập vẫn tìm kiếm sức ép. Theo tờ ALnavio có trụ sở ở Madrid, vấn đề chính tại cuộc đàm phán ở Oslo là việc tiến hành một cuộc bầu cử “tự do và công bằng” theo yêu cầu của thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido, người được Mỹ và hơn 50 quốc gia khác công nhận là Tổng thống lâm thời của Venezuela.

Hy vọng ở Na Uy

Theo Washington Post, sáng kiến ngoại giao mới của Na Uy trong nỗ lực làm trung gian thúc đẩy tiến trình giải quyết bế tắc chính trị Venezuela đã gặp phải sự hoài nghi. Tuy nhiên, báo này phân tích cơ sở để hy vọng vào vai trò của Na Uy.

Lâu nay, giới bình luận đã cạn kiệt ngôn từ để miêu tả về quy mô của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Venezuela. Từ “sụp đổ” đã được “nhai đi nhai lại” quá lâu và giờ thì ý nghĩa của từ này đã trở nên rỗng tuếch. Đúng là nền kinh tế sụp đổ, đồng nội tệ sụp đổ, nền công nghiệp dầu khí sụp đổ và nền dân chủ sụp đổ… Mọi thứ đúng là đều sụp đổ.

Thế nhưng, từ “sụp đổ” này lại làm nhiều người có ý niệm sai lầm. Bởi thường thì sụp đổ có ý là sự kết thúc. Một khi điều gì đó sụp đổ thì về logic mà nói nó sẽ không thể sụp đổ thêm nữa. Vậy mà điều này lại không đúng với Venezuela.

Quá trình này tại quốc gia Nam Mỹ vẫn tiếp diễn. Chính sự mục nát không thuyên giảm đã khiến người dân Venezuela hết sức hoài nghi về bất kỳ dấu hiệu hy vọng nào có thể mang lại. Cả nước dường như đang vật lộn trong cuộc hậu chấn tâm lý tập thể. Đây là bối cảnh của sáng kiến ngoại giao mới nhất nói trên nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị thảm hại giữa chính phủ và phe đối lập.

Trước đây, chính phủ Venezuela đã dùng đàm phán như nước cờ chiến thuật ban đầu để chờ cho đến khi các cuộc biểu tình trong nước chấm dứt và làm dịu sức ép ngoại giao khi nước này chuẩn bị tiến hành trấn áp tiếp theo. Thế nên, người dân Venezuela có quyền để hoài nghi (với cuộc đàm phán lần này).

Tuy nhiên, chúng ta cần hỏi, liệu lần này sẽ khác chăng? Liệu Na Uy sẽ thành công khi mà Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Giáo hội Thiên chúa, Tây Ban Nha và Uruguay đều đã thất bại?

Câu trả lời là có. Trước đây, Chính quyền Caracas thường “nhờ cậy” vào sự giàu có mà dầu mỏ mang lại để nuôi dưỡng tinh thần kiên cường đặc biệt của mình. Cho dù mọi thứ có tồi tệ như thế nào thì chính phủ vẫn luôn có đủ nguồn thu để duy trì mọi hoạt động đất nước.

Thế nhưng, điều này không còn đúng nữa. Các đòn trừng phạt cứng rắn của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela đã khiến Caracas đối mặt với sự túng tiếu tài chính chưa từng có tiền lệ. Thiếu tiền trả lương cho tướng lĩnh và các tay súng vốn giúp ngăn chặn các cuộc biểu tình quy mô lớn trong nhiều năm qua, chính quyền của ông Maduro đang đối mặt với sức ép chưa từng biết đến trước kia.

Vì vậy, ông Maduro giờ có những lý do đầy sức thuyết phục để đàm phán theo kiểu mà ông chưa từng trải qua trước kia... Và những nỗ lực của Na Uy sẽ không phải chịu thất bại ngay từ đầu.

(theo AFP/Washington Post)